Loại củ phổ biến ở Việt Nam có dinh dưỡng gấp 1,5 lần khoai tây

Phương Anh 13/07/2023 12:05

Nhiều người thích ăn khoai sọ vì nó không chỉ ngon miệng mà còn có lợi ích đối với sức khỏe như bồi bổ, chống táo bón, hạ huyết áp.

maxresdefault_2__1.jpg
Cây khoai sọ thường được trồng tháng 11-12, thu hoạch vào tháng 7 ở Bắc Bộ. Loại cây này có thể trồng ở nhiều loại đất. Ảnh: YoutubeEatsy

Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết khoai thường được trồng tháng 11-12, thu hoạch vào tháng 7 ở các vùng phía Bắc. Loại cây này có thể trồng ở nhiều loại đất.

Tác dụng của khoai sọ đối với sức khỏe

Theo bác sĩ Vũ, khoai sọ chứa một lượng kali khá lớn, giúp kiểm soát mức huyết áp, đồng thời hạn chế nguy cơ bị cao huyết áp. Lượng chất xơ dồi dào trong khoai sọ giúp nhuận tràng, thải cặn bã ra khỏi cơ thể nhanh chóng.

Trong 100 g khoai sọ có 1,5 g chất xơ, đáp ứng được 27% lượng chất xơ cơ thể cần mỗi ngày. Chất xơ này giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột, đại tràng, thải độc và lượng cholesterol xấu trong cơ thể. Hàm lượng vitamin C và B6 dồi dào trong khoai sọ cũng giúp cơ thể tăng đề kháng, chống lão hóa.

Trong khoai sọ có chứa hơn 17 loại axit amin rất cần thiết cho cơ thể. Khoai sọ còn chứa omega-3 và 6 rất tốt với tim mạch, góp phần ngăn ngừa ung thư cũng như phòng tránh bệnh tật nói chung.

Theo Đông y, củ khoai sọ mọc dại thường có màu tím, ăn phá khí, không bổ. Củ khoai trồng có bột màu trắng dính, vị ngọt hơi the, trơn, tính bình, điều hòa nội tạng, hạ khí đầy, bổ hư tổn. Lá và bẹ lá khoai sọ có vị cay, tính bình, có tác dụng tiêu tích tán kết. Hoa khoai sọ vị cay, tính bình, có tác dụng chỉ thống, chỉ huyết.

"Các bộ phận của cây khoai sọ đều ăn được. Củ khoai sọ có giá trị dinh dưỡng gấp 1,5 lần khoai tây. Củ nấu chín là một thực phẩm giàu năng lượng. Hạt tinh bột của khoai sọ có kích thước nhỏ nhất so với hạt của các cây lương thực khác nên dễ tiêu hóa", bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ nói.

AdobeStock_228625540_R_thumb_500xauto_408984.jpg
Khoai sọ chứa nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể, phòng tránh bệnh tật. Ảnh: AdobeStock

Củ thường luộc để ăn chống đói, nấu với cá quả, cá diếc có tác dụng điều hòa nội tạng, hạ khí đầy, bổ hư tổn chữa hư lao yếu sức. Khoai sọ nấu canh với rau rút, cua đồng làm dễ ngủ, bớt mệt mỏi. Củ khoai sọ thái nhỏ, nấu sôi, lấy nước tắm chữa mẩn ngứa.

Trẻ nhỏ bị chốc đầu, chảy nước mủ, dùng củ khoai sọ giã nát đắp rất tốt. Lá khoai sọ 20-30 g sắc uống hoặc phối hợp các vị khác chữa tâm phiền ở phụ nữ có thai, thai động không yên. Bẹ lá dùng nấu giấm với cá, ốc, thịt hoặc dùng để muối dưa ăn. Lá khoai tươi giã đắp chữa rắn cắn, ong đốt hay mụn nhọt.

Món ăn bổ dưỡng từ khoai sọ

Chữa chứng đuối sức, mệt mỏi, kém ăn, miệng khát: Khoai sọ 200 g, sơn dược (củ mài) 50 g, gạo tẻ 50 g, nấu cháo ăn trong ngày. Thường xuyên ăn món cháo này có tác dụng ích khí (tăng thể lực), bổ tỳ vị (tăng cường chức năng tiêu hóa).

Chữa cơ thể suy nhược, phiền khát sau khi bị bệnh: Khoai sọ 100 g, thịt lợn nạc 50 g nấu canh ăn trong các bữa cơm. Tác dụng bổ âm, chống khô khát, ích khí, nuôi dưỡng dạ dày, chống mệt mỏi. Bạn có thể dùng để bồi dưỡng cho những trường hợp cơ thể suy nhược, phiền khát sau khi bị bệnh.

Chè khoai sọ táo tàu: Khoai sọ 250 g (gọt vỏ thái thành miếng nhỏ), táo tàu 50 g, đường đỏ 50 g, nấu nhỏ lửa thành món chè, chia 3- 4 lần ăn trong ngày. Chè này dùng để bồi dưỡng cho những trường hợp cơ thể suy nhược.

cu khoai so anh 2

Khoai sọ giàu dinh dưỡng, ít calo, dễ ăn, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ảnh: Huajianggu

Chữa tâm trạng bồn chồn, kém ăn, ít ngủ: Cua đồng 200 g, khoai sọ 60 g, rau rút 1 mớ. Cua đồng rửa sạch, bỏ yếm và mai, giữ lại gạch cua, giã nát, lọc lấy nước, cho mắm muối vừa ăn. Khoai sọ cạo bỏ vỏ, rửa sạch bổ miếng vừa ăn. Rau rút nhặt lấy phần lá, cọng non, bỏ rễ và bấc, rửa sạch. Bạn cho khoai vào nước cua, nấu đến khi chín nhừ, cho rau rút vào, đun vừa chín là được.

Chữa suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, người mới ốm dậy: Khoai sọ 300 g, đậu ngự 100 g, dầu ăn, gia vị vừa đủ. Khoai sọ gọt vỏ, rửa sạch, ngâm với nước muối cho sạch nhớt. Đậu ngự rửa sạch, ngâm nước cho mềm, luộc qua.

Bạn làm nóng chảo dầu, cho khoai sọ vào xào qua rồi cho nước vào nấu khoảng 10 phút. Bạn cho tiếp đậu ngự vào hầm. Khi đậu và khoai nhừ, hãy thêm gia vị, ăn nóng. Ăn thường xuyên món này rất tốt cho não và cải thiện chứng suy nhược trí nhớ, cơ thể và thần kinh.

Chữa nổi ban dị ứng, đau nhức chân tay: Khoai sọ 60 g, xương cẳng hoặc xương sống lợn 100 g. Khoai sọ gọt vỏ rửa sạch, xương lợn chặt thành đoạn ngắn, thêm muối, nước, gia vị. Đun nhỏ lửa trong 2 giờ, ăn ngày 2 lần, có tác dụng khu phong trừ thấp.

Chữa mụn nhọt, đầu đinh: Củ khoai sọ và giấm với lượng bằng nhau, đun sôi luộc chín, lấy ra nghiền nát, đắp tại chỗ.

Theo zingnews.vn
Copy Link
Mới nhất
x
Loại củ phổ biến ở Việt Nam có dinh dưỡng gấp 1,5 lần khoai tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO