Loạn nguồn giống cam, thiếu cây đầu dòng

(Baonghean) - Giống cam tại Nghệ An đang được chiết ghép ngay tại vườn một cách tự phát, rồi cung ứng cho người trồng cam ngay trong vùng. Ngoài ra, giống còn được bày bán ở khắp các cơ sở kinh doanh giống cây, các điểm chợ quê. Người trồng cam vì chưa hiểu biết về vai trò của cây giống, mua giống trôi nổi về trồng và có thể gánh chịu hậu quả.

» Người trồng cam ở Nghệ An lao đao vì giống kém chất lượng

Chiết ghép giống tại chỗ

Sản phẩm cam Vinh đang được người tiêu dùng ưa chuộng, quả cam có giá trị kinh tế cao, do vậy phong trào trồng cam hàng hóa tại các địa phương Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Yên Thành, Thanh Chương… phát triển mạnh. Trong số diện tích 5.096 ha của tỉnh Nghệ An hiện nay, Quỳ Hợp có 2.787 ha, sau đó là các huyện Nghĩa Đàn 436 ha, Thanh Chương 331 ha, Yên Thành 308 ha, Con Cuông 306 ha, Anh Sơn 115 ha, Tân Kỳ 141 ha diện tích cam đang có dấu hiệu tăng lên.  

Lượng cây giống cam tiêu thụ trên địa bàn ngày càng lớn, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người trồng cam, cung ứng các loại giống chưa được đảm bảo.

Đoàn công tác JICA Nhật Bản tham quan vườn cam ở Quỳ Hợp. Ảnh: Trân Châu
Đoàn công tác JICA Nhật Bản tham quan vườn cam ở Quỳ Hợp. Ảnh: Trân Châu

Ở các vùng trồng cam trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, có 9 cơ sở sản xuất giống cam tại các hộ dân. Vào vườn cây giống của ông Trần Văn Quang, xóm Nam Lợi, xã Văn Lợi, huyện Quỳ Hợp, thấy những luống cam con khá bắt mắt. Ông Trần Văn Quang – chủ vườn giống giới thiệu: “Ở đây chúng tôi nhận ghép mắt giống và sản xuất bán cây giống cam các loại. Người dân trong vùng mang mắt của cây cam (chủ vườn cam tự chọn mẹ) đến nhờ chúng tôi ghép thành cây giống, tiền công 1.000 đồng/mắt ghép. Nếu mua cây giống chúng tôi đã ghép sẵn chỉ việc mang về trồng thì 14.000 đồng/cây”. 

Bắt đầu sản xuất cây giống từ đầu năm 2016, đến nay trong vườn giống của gia đình ông Quang có hàng nghìn cây giống sẵn sàng cung ứng cho người trồng cam. Mỗi năm cơ sở của ông sản xuất khoảng 2 vạn cây giống cam các loại, cung ứng cho người trồng cam trong vùng. Cây giống của ông sản xuất chủ yếu là ghép mắt, cây đầu dòng được chọn những cây cam phát triển tốt trong vùng, không được trồng cách ly. Tuy nhiên khi chúng tôi đề cập đến vấn đề bảo hành cây giống thì ông Quang quả quyết: “Chúng tôi sản xuất cây giống luôn đảm bảo uy tín chất lượng, người trồng cứ yên tâm”.

Việc ghép mắt tạo giống cam bằng phương pháp tự chọn những cây cam đầu dòng ngay tại vườn cam  vô tình để lại hậu quả cho người trồng cam.  Đó là tình trạng không biết chất lượng vườn cam sẽ như thế nào và không ai bảo hành cho giống cam.

Hộ anh Lê Quang Hòa - chủ vườn cam ở xóm Minh Đình, xã Minh Hợp là ví dụ. Để có nguồn cây giống, anh Hòa đã thuê người ghép giống cam Xã Đoài lòng vàng ngay tại vườn, bằng cách tự chọn cây đầu dòng ngay tại vườn cam. Hậu quả là sau 4 năm chăm sóc, có tới 1/3 số cây bị nhiễm bệnh vàng chè.

Ông Hoàng Minh – Giám đốc Công ty TNHH MTV nông nghiệp Xuân Thành cho rằng: Trước đây Công ty chúng tôi có sản xuất giống cam, nhưng do các loại giống cam không rõ nguồn gốc bán trên thị trường quá nhiều, trong khi công tác quản lý chưa tốt nên người trồng cam hám rẻ mua phải giống kém chất lượng. Hậu quả là nhiều vườn cam không đảm bảo chất lượng, sâu bệnh nhiều, biểu hiện rõ nhất là tỷ lệ quả cam “ngơ” hàng năm chiếm nhiều, khiến người trồng cam giảm thu nhập. Tình trạng sản xuất giống vì thế cũng không còn chất lượng.

Huyện Con Cuông hiện có 340 ha cam, cam đã nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương, trở thành cây trồng chủ lực, mỗi ha cam thu hoạch trừ mọi chi phí cho lợi nhuận 300 - 350 triệu đồng/năm. Ở đây, giống cam cũng đang được các hộ mua ở Quỳ Hợp là chủ yếu. Anh Lưu ở bản Yên Khê, Con Cuông cho biết, anh mua giống cam Mát 550 gốc ở Quỳ Hợp may mắn được giống khá tốt,  anh đang mua 400 gốc cam Xã Đoài, nhưng chưa cho thu hoạch. Anh Lưu cho biết thêm, ở Yên Khê nhiều hộ không may mắn như vậy. Nhiều hộ cũng mua giống cam ở Quỳ Hợp nhưng quả rất ít.

cam Quỳ Hợp đang vào mùa thu hoạch.
Cam Quỳ Hợp đang vào mùa thu hoạch. Ảnh tư liệu

Yên Thành là địa phương phát triển diện tích cam khá mạnh trong những năm gần đây. Do vậy nhu cầu giống cam được sử dụng hàng năm khá nhiều. Ông Nguyễn Hữu Bình – chủ vườn cam lớn tại xã Đồng Thành là người có kinh nghiệm hàng chục năm trồng cam hàng hóa, cho rằng: Trồng cam giống là vấn đề rất quan trọng, nó quyết định về chất lượng quả cam, năng suất và tuổi kinh doanh. Nếu mua phải giống kém chất lượng, cây cam sẽ dễ bị nhiễm bệnh, từ đó người trồng cam sẽ thất bại. Ông Bình cho biết thêm: Cam của ông trồng cách đây gần 10 năm, mặc dù mua giống tại một đơn vị chuyên sản xuất ở Hà Nội, nhưng vẫn có một số bệnh thông thường. 

Chưa có cây cam đầu dòng 

Tại các cuộc họp của Ban chỉ đạo khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý Cam Vinh đã đánh giá: Các giống cam của Nghệ An cho quả chín tập trung từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, thời gian còn lại không có cam chín đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Một số vườn cam đã trồng lâu năm, giống thoái hóa cho năng suất, chất lượng kém vì vậy cần phải luân canh, thay thế trồng lại. Trong khi đó, hiện nay phương pháp sản xuất cây giống cam trên địa bàn tỉnh chủ yếu thực hiện bằng phương pháp chiết, ghép thủ công.

Tuy nhiên, hiện nay cây cung cấp mắt ghép, cành chiết chủ yếu lấy từ vườn cây chưa được cấp có thẩm quyền công nhận. Các cành ghép, mắt ghép được lấy từ các cây mẹ không được trồng cách ly bằng nhà kính, nhà lưới nên không kiểm soát được dịch bệnh. Các giống cam bán trên thị trường không có mã hiệu nguồn gốc theo quy định. Nhiều giống cam chất lượng thấp đã được trồng trước đây nhưng chưa được thay bằng giống mới có năng suất, chất lượng cao; công tác kiểm tra, thanh tra lấy mẫu kiểm định cây giống còn gặp nhiều khó khăn. 

Trồng cam công nghệ cao ở huyện Nghĩa Đàn.
Trồng cam công nghệ cao ở huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Trân Châu

Ông Trương Văn Hiền - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An cho biết thêm: Bên cạnh giống cam chưa đảm bảo thì việc chăm sóc cam thiếu quy trình, thiếu khoa học cũng dẫn đến tình trạng cam “ngơ”. Ví dụ cam bệnh thì dùng thuốc sâu, cam bị sâu thì dùng thuốc bệnh dần dần cam thoái hóa, trơ ra. 

Theo kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt – BVTV, tại khu vực Phủ Quỳ hiện có 7 doanh nghiệp đăng ký sản xuất kinh doanh cây giống cây ăn quả, mỗi năm sản xuất hàng triệu cây giống cung cấp cho thị trường như: Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả, cây công nghiệp Phủ Quỳ; Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành; Công ty cổ phần cao su Yên Tính; Trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp Bắc Trung bộ; Công ty TNHH MTV nông nghiệp An Ngãi; Trung tâm cây giống của Hợp tác xã 1/5 và Công ty TNHH Nông – Công nghiệp 3/2.

Ngoài ra còn nhiều hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất cây giống mở rộng diện tích của mình hoặc bán ra thị trường. Bên cạnh đó nhiều giống cây ăn quả từ các địa phương khác cũng được đưa vào thị trường Nghệ An tiêu thụ. Nguồn gốc xuất xứ các loại cây ăn quả không rõ ràng, cây giống khi sản xuất, bán ra hầu như không gắn nhãn hàng hóa theo quy định nên việc kiểm soát chất lượng nguồn cây giống đang gặp rất nhiều khó khăn. 

Nhiều đơn vị tham gia sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả như vậy, nhưng hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh mới chỉ có 1 đơn vị có nguồn giống từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng. Đó là Công ty cổ phần cao su Yên Tính (huyện Nghĩa Đàn) có 3 ha vườn cây đầu dòng là quýt PQ, bưởi da xanh, bưởi Diễn, chanh tứ quý, chanh lòng đào, bơ sáp được Sở Nông nghiệp - PTNT cấp giấy chứng nhận năm 2015.

Ngoài ra, Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả, cây công nghiệp đang đề nghị Bộ Nông nghiệp - PTNT cấp giấy chứng nhận bưởi Hồng Quang Tiến là giống cây trồng nông nghiệp mới. Còn lại tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cây giống ăn quả trong tỉnh chưa được cấp chứng nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng. Chính vì vậy chất lượng những cây giống tiêu thụ trên thị trường hầu như chưa được kiểm soát, đây là tiềm ẩn nguy cơ cây giống không đảm bảo chất lượng, nhất là nguồn gen và dịch bệnh. Từ đó ảnh hưởng kết quả sản xuất của người trồng cây ăn quả.

Ông Trần Công Ninh - Giám đốc HTX nông nghiệp cây ăn quả 19/5  cho biết, giống cam chuẩn hiện nay có giá khoảng 30.000 đồng/ bầu, trong khi giống trôi nổi ở ngoài thị trường có giá chỉ từ 10.000 đồng - 15.000 đồng/ bầu.

(Còn nữa)

Nhóm P.V

tin mới

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

(Baonghean.vn) - Từ sự năng động của lãnh đạo UBND, Hội Phụ nữ xã Thành Sơn (Anh Sơn) xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, đưa giống cây củ mài và chuối sáp từ miền Nam về trồng tại xã Thành Sơn. Qua 1 năm thử nghiệm, mô hình mang lại thu nhập cao, người dân phấn khởi tiếp tục sản xuất.

Các mẫu xe đời mới hầu hết sử dụng nhiên liệu diesel đạt tiêu chuẩn Euro 5. Ảnh: Văn Trường

Người dùng ô tô ở Nghệ An vất vả tìm dầu diesel đạt chuẩn khí thải Euro 5

(Baonghean.vn) -Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, các mẫu xe ô tô mới bán ra tại thị trường Việt Nam đều phải đạt chuẩn khí thải Euro 5. Tuy nhiên tại địa bàn Nghệ An, số lượng cửa hàng bán xăng, dầu đạt chuẩn Euro 5 hiện vẫn còn rất hạn chế, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

(Baonghean.vn) - Theo tính toán dựa trên dự báo thời tiết và nguồn nước hiện tại, vụ hè thu - mùa 2024, Nghệ An có trên 4.200 ha lúa có nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới. Chủ động giải pháp chống hạn là nội dung ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tập trung thực hiện ngay từ đầu vụ sản xuất.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

(Baonghean.vn) - Ngành Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hệ thống thuỷ lợi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Mực nháy

Du khách chen chân mua đặc sản mực nháy tại phố biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Mực nháy là đặc sản nức tiếng tại phố biển Cửa Lò mà bất cứ du khách nào khi trở về cũng đều muốn thưởng thức. Vào mỗi đêm, ánh đèn của tiểu thương hoà lẫn vào ánh đèn đô thị khiến khu chợ mực nháy sáng bừng, tiếng nói cười râm ran cả một vùng...

Xuân Hoàng

Du lịch Tân Kỳ cần cú hích từ giao thông

(Baonghean.vn) - Huyện Tân Kỳ có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và sinh thái, danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, hiện nay một số tuyến đường giao thông chính trên địa bàn xuống cấp, hoặc có điểm du lịch như cây sanh nghìn tuổi ở xã Giai Xuân chưa được đầu tư làm đường nên dần bị lãng quên.