Pháp luật

Loay hoay trong... Luật Khoáng sản?

Nhật Lân 01/07/2024 18:00

Thiếu cát, thiếu đất san lấp, khó khăn trong quản lý khoáng sản phân tán, rải rác, nhỏ lẻ… đang là thực tế xảy ra nhiều năm ở các huyện vùng núi, trung du của tỉnh, và là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật, gây bức xúc xã hội.

Loay hoay trong Luật khoáng sản-cover
Loay hoay trong Luật khoáng sản-cover

VẤN NẠN “KHOÁNG TẶC"

Có một vụ khai thác trái phép quặng đá thạch anh được lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ gây xôn xao dư luận hồi đầu năm 2024. Đó là vào ngày 22/2, tại Quốc lộ 1A thuộc phường Quỳnh Thiện, TX. Hoàng Mai, lực lượng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường và Phòng Cảnh sát giao thông đã kiểm tra phát hiện một ô tô đầu kéo rơ moóc chở 83 tấn quặng thạch anh không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Từ đây, cơ quan công an đã điều tra ra chủ của lô hàng, bãi tập kết với hơn 400 tấn quặng thạch anh, người tổ chức thu gom…, cũng như phát hiện quặng thạch anh được khai thác trái phép tại xã Châu Hoàn, một địa phương vùng sâu của huyện miền núi Quỳ Châu.

Phương tiện chở quặng thạch anh thô bị bắt giữ. Ảnh tư liệu: HH
Phương tiện chở quặng thạch anh thô bị bắt giữ ngày 22/2/2024. Ảnh tư liệu: HH

Quặng đá thạch anh là loại khoáng sản có giá trị, nhu cầu sử dụng trong ngành công nghiệp chế biến khá lớn. Trên địa bàn của tỉnh, quặng đá thạch anh không hình thành mỏ mà phân bố rải rác, nhỏ lẻ ở nhiều nơi, và thường là tại địa bàn vùng núi, trung du hẻo lánh khó khăn trong công tác quản lý nên đã từng xảy ra tình trạng khai thác trái phép. Năm 2019, là tại vùng Bảy Nhà, bản Nhạn Cán, xã biên giới Thanh Sơn, huyện Thanh Chương; còn năm 2020, là tại vùng núi Lan Toong, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp…

Từng phối hợp cùng các lực lượng chức năng làm rõ những vụ khai thác quặng thạch anh trái phép ở các huyện Thanh Chương, Quỳ Hợp…, nên khi có thông tin về vụ việc tương tự ở huyện Quỳ Châu, đầu tháng 3/2024, chúng tôi (PV) đã ngược lên xã Châu Hoàn. Ở đây, được đưa đến vùng đất cuối huyện Quỳ Châu, là khe Pùng, thuộc địa bàn bản Vật Trên, tiếp giáp với xã Quang Phong, huyện biên giới Quế Phong.

Bản Vật Trên, xã Châu Hoàn và khe Pùng, nơi có tình trạng khai thác trái phép quặng đá thạch anh hồi tháng 2/2024. Ảnh: Nhật Lân
Bản Vật Trên, xã Châu Hoàn và khe Pùng, nơi có tình trạng khai thác trái phép quặng đá thạch anh hồi tháng 2/2024. Ảnh: Nhật Lân

Đường vào khu vực khai thác trái phép quanh co, qua vài cụm dân cư thôn bản, qua một số vườn đồi, vùng ruộng đồng… Nhưng ngay trên đường vào, đã thấy rải rác những khối đá lớn độc lập màu trắng đục có ánh kim, theo cách gọi của người dân địa phương là đá mồ côi. Quan sát kỹ, loại đá này có nhiều điểm tương đồng với loại quặng đá thạch anh mà “khoáng tặc” đã tổ chức khai thác trái phép trên địa bàn các xã Châu Hồng, Thanh Sơn. Với thời gian chừng 30 phút, chúng tôi đến được khu vực khai thác quặng đá thạch anh mà lực lượng Công an đã xác định. Đây là một vùng đất đồi có khe Pùng chảy xuyên qua. Trong khoảng diện tích hơn 500m2 nham nhở những vết đào xới của máy móc, còn rất nhiều khối quặng đá thạch anh với đủ kích thước. Có những khối đã được đưa lên khỏi mặt đất, có khối lộ thiên trong lòng khe, có khối đang nửa chìm, nửa nổi trên mặt đất. Trong đó, có những khối quặng đá rất lớn, lên đến 5 - 7m3. Men theo khe Pùng với hướng ngược lên huyện Quế Phong một khoảng dài, nhận thấy trên vùng đất này, loại quặng đá thạch anh có khá nhiều…

Bản Vật Trên, xã Châu Hoàn và
Đường vào bản Vật Trên, xã Châu Hoàn. Ảnh: Nhật Lân

Theo đại diện của UBND xã Châu Hoàn và UBND huyện Quỳ Châu, khu vực có tình trạng khai thác thuộc phạm vi quản lý của ông Lô Văn Huỳnh, trú tại bản Liên Minh. Ở nơi này, từ năm 1978 ông Huỳnh đã vào canh tác khai hoang làm ruộng, làm ao cá, có dựng chòi canh dọc khe. Sau vụ việc, chính quyền xã đã xác minh để đưa ra nhận định do trong ruộng vườn có đá mồ côi nổi trên mặt đất nên ông Huỳnh đã thuê ông Vũ Văn Sỹ (sinh năm 1992, trú tại xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp) đưa máy vào đào với mục đích cải tạo ruộng để việc canh tác được thuận lợi. Cá nhân ông Vũ Văn Sỹ, quá trình cải tạo thì nhận biết các khối đá có giá trị nên đã tự ý thu gom, vận chuyển, từ đó bán ra ngoài địa bàn…

Về trách nhiệm quản lý nhà nước trước vụ việc đã xảy ra, chính quyền xã Châu Hoàn nhìn nhận là đã xem nhẹ giá trị của loại đá này nên chủ quan, chưa nắm chắc tình hình để kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ đầu.

Đại diện UBND huyện Quỳ Châu là Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường - ông Trần Bảo Linh xác nhận, không chỉ người dân, mà kể cả cán bộ cũng không biết đây là quặng đá thạch anh. Do thiếu hiểu biết, không nhận biết được giá trị của quặng đá thạch anh, về phía người dân khi phát sinh nhu cầu cải tạo ruộng vườn phát triển kinh tế, đã cho phép người ngoài địa bàn huyện đào, thu gom quặng đá quặng; còn về phía chính quyền xã, đã lỏng lẻo trong công tác quản lý nhà nước…

Thực sự thì khi công an làm rõ vụ việc thì mọi người mới biết đây là quặng đá thạch anh, là loại khoáng sản có giá trị…”.

Ông Trần Bảo Linh - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Châu

"KHÁT" VẬT LIỆU XÂY DỰNG

Là huyện biên giới và là địa bàn cấp huyện có diện tích lớn nhất cả nước, nhưng từ nhiều năm qua ở Tương Dương không có mỏ cát. Để Tương Dương có cát phục vụ xây dựng, bằng Văn bản số 2839/XN-UBND ngày 6/7/2018, UBND tỉnh đã cho phép khai thác tận thu cát trong vùng lòng hồ Nhà máy Thủy điện Khe Bố. Tuy nhiên, thời hạn khai thác tận thu nêu trong Văn bản số 2839/XN-UBND đã hết từ tháng 7/2020, nên từ đó đến nay, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện Tương Dương phải sử dụng cát từ các huyện miền xuôi vận chuyển lên, phát sinh chi phí rất lớn. Lâm vào tình thế khó khăn trong bối cảnh thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, UBND huyện Tương Dương đã nhiều lần có ý kiến (hoặc có văn bản) báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền thực trạng này.

Ở các huyện miền núi, cát có ở nhiều sông, suối nhưng không đủ trữ lượng để quy hoạch mỏ, cấp phép khai thác theo quy định-Ảnh Nhật Lân
Ở các huyện miền núi, cát có ở nhiều sông, suối nhưng không đủ trữ lượng để quy hoạch mỏ, cấp phép khai thác theo quy định. Ảnh: Nhật Lân

Ông Nguyễn Phùng Hùng - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tương Dương cho hay: Hiện hoạt động xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện phải mua cát từ các huyện Anh Sơn, Đô Lương, với khoảng cách đến trung tâm huyện là thị trấn Thạch Giám từ 100-140km. Vì vậy, giá cát dao động từ 300.000-330.000 đồng/m3, gấp khoảng 150% so với đơn giá thông báo của UBND tỉnh là 220.000 đồng/m3. Giá thành vật liệu cao, tỷ suất đầu tư tăng, công trình xây dựng đội giá, thế nên hiệu quả kinh tế thấp.

Ông Nguyễn Phùng Hùng đã cho chúng tôi tiếp cận một văn bản của UBND huyện Tương Dương phát hành dịp tháng 6/2024, qua đó cho thấy, hiện nay huyện Tương Dương đang đẩy mạnh thực hiện nhiều công trình dự án hạ tầng cơ sở thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tại văn bản cũng nêu rõ, người dân trên địa bàn huyện miền núi 30a này đang được thụ hưởng chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, với tổng số 4.148 hộ được hỗ trợ làm nhà ở (2.348 hộ xây dựng mới; 1.800 hộ sửa chữa). Vì vậy, UBND huyện Tương Dương kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép xây dựng phương án tận thu khoáng sản trong khu vực nạo vét lòng hồ Khe Bố.

“Điểm cát, sỏi trên địa bàn huyện có trữ lượng ít, phân tán rải rác ở các khe suối nhỏ, không đủ điều kiện để cấp giấy phép khai thác theo quy định hiện hành. Còn khu vực có trữ lượng lớn lại nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện Khe Bố, bởi vậy cho phép xây dựng phương án tận thu khoáng sản trong khu vực nạo vét lòng hồ để góp phần tăng thu ngân sách trên địa bàn và giảm giá thành vật liệu xây dựng…” - UBND huyện Tương Dương kiến nghị.

Thiếu cát xây dựng trong khi cát có tại lòng khe, suối, người dân vùng núi đã tự ý khai thác, vi phạm pháp luật. Ảnh: Nhật Lân
Thiếu cát xây dựng trong khi cát có tại lòng khe, suối, người dân vùng núi đã tự ý khai thác, vi phạm pháp luật. Ảnh: Nhật Lân

Địa bàn huyện biên giới Quế Phong có khá nhiều khe, suối, sông và lòng hồ thủy điện có cát như: Sông Quàng, sông Nậm Giải, sông Nậm Việc, các khe Nậm Hạt, Nậm Hinh… Nhưng oái oăm là cát ở những con sông, con khe này không có trữ lượng đủ lớn để có thể quy hoạch mỏ, cấp phép khai thác theo quy định. Và đây là nguồn cơn khiến nhiều năm qua huyện Quế Phong lâm vào cảnh “khát” cát, phát sinh vấn nạn khai thác cát trái phép cùng nhiều hệ lụy khác kéo theo. Đến mức không ít cán bộ cơ sở đã thốt lên rằng làm đủ cách, làm hết sức nhưng ở nhiều đoạn sông, khe suối khu vực xa xôi hẻo lánh nên vẫn còn tồn tại tình trạng khai thác cát nhỏ lẻ trái phép.

Vì nhận thấy trên địa bàn có cát, nhưng lại phải mua cát từ các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu dẫn đến lãng phí ngân sách và tiền của nhân dân, có không ít địa phương ở Quế Phong đã có văn bản kiến nghị UBND huyện báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép tận thu cát trên địa bàn. Như xã Mường Nọc - địa phương được xác định cán đích nông thôn mới năm 2025 của huyện Quế Phong - từng có văn bản trình bày việc chưa đạt chỉ tiêu nông thôn mới có nguyên nhân giá cả vật liệu xây dựng cao, trong đó, nan giải nhất là cát xây dựng.

Dẫn chi tiết giá cát xây bình quân mỗi xe 5m3 khoảng 1,3 – 1,4 triệu đồng, cát da trung bình từ 1,7 – 1,8 triệu đồng, UBND xã Mường Nọc đề xuất: “Nếu được tận thu cát trên địa bàn chắc chắn giá cả sẽ giảm, người dân và đặc biệt là các hộ nghèo, hộ dột nát tạm bợ sẽ bớt khó khăn trong xây dựng nhà cửa, tiến độ xây dựng sẽ được đẩy nhanh hơn… từng bước góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng thành công xóm bản nông thôn mới, xã nông thôn mới. Vậy thay mặt cho nhân dân xã Mường Nọc, xin được đề xuất UBND huyện, kiến nghị với cơ quan chức năng, UBND tỉnh cho phép các địa phương như Mường Nọc được tận thu cát trên địa bàn để giảm bớt khó khăn cho nhân dân cũng như thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới”.

Một góc huyện Quế Phong. Ảnh tư liệu: Đình Tuyên
Một góc huyện Quế Phong. Ảnh tư liệu: Đình Tuyên

Trao đổi với Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong - ông Bùi Văn Hiền cho rằng, vấn đề cát vẫn “trước sao, nay vậy”. Về phía huyện, vẫn thường xuyên chỉ đạo chính quyền các xã không vì khó khăn mà buông lỏng vai trò trách nhiệm. Nhưng cũng đã kiến nghị lên UBND tỉnh, các sở ngành liên quan nghiên cứu tính đặc thù của huyện biên giới còn nhiều khó khăn để có giải pháp tháo gỡ.

Cái khó ở huyện Quế Phong là không có điểm mỏ đủ trữ lượng để cấp phép khai thác theo quy định. Vì vậy huyện đã đề nghị cấp trên xem xét cho khảo sát, quy hoạch đồng thời 3 – 5 điểm có cát để hình thành mỏ, tổ chức đấu giá, cấp phép khai thác. Chỉ có như vậy thì các xã trên địa bàn huyện mới giảm được áp lực; các công trình xây dựng của nhân dân và nhà nước mới giảm được chi phí đầu tư…”.

Ông Bùi Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong

SỬA LUẬT, HƯỚNG VỀ CƠ SỞ

Những tồn tại, bất cập liên quan đến lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn Nghệ An, không chỉ là việc quản lý các loại khoáng sản phân tán, rải rác, nhỏ lẻ, tình trạng khan hiếm vật liệu cát sỏi ở các huyện vùng cao. Mà ngay ở các địa phương vùng đồng bằng, trung du cũng có những tồn tại, bất cập. Như tình trạng thiếu nguyên liệu đất san lấp, dẫn đến công tác quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn, là “điểm nghẽn” trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội.

Minh chứng thực tế ở huyện miền núi Quỳ Châu, trung tuần tháng 11/2022 đã phải có tờ trình lên UBND tỉnh, trong đó báo cáo thực trạng và đề xuất giải pháp đảm bảo nhu cầu đất san lấp mặt bằng các công trình, dự án hạ tầng cơ sở công cộng theo 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia. Theo huyện Quỳ Châu, việc quy hoạch cấp phép khai thác mỏ đất trên địa bàn không khả thi; 4 mỏ đất đã được quy hoạch tại các xã Châu Bình, Châu Phong, Châu Tiến, Châu Thắng không có tổ chức, cá nhân xin cấp phép khai thác do khả năng thu hồi vốn thấp! Và, giải pháp UBND huyện Quỳ Châu đề xuất là: “Kiến nghị UBND tỉnh và các sở ngành có liên quan xem xét, tạo điều kiện cho UBND huyện Quỳ Châu được phép tận thu các mỏ đất đã quy hoạch trên địa bàn trong quá trình thực hiện các công trình, dự án hạ tầng công cộng do UBND huyện làm chủ đầu tư. UBND huyện cam kết sẽ lập phương án sử dụng đúng mục đích, đúng khối lượng và nộp thuế đầy đủ theo quy định…”.

Nhắc những tồn tại, bất cập này với một số cán bộ chuyên ngành có trách nhiệm để hỏi ở thời điểm hiện tại, khi Luật Khoáng sản 2010 đang được xem xét sửa đổi, thì đã đề cập đến để có quy định mới phù hợp giúp các địa phương của tỉnh tháo gỡ khó khăn? Được biết, dự thảo Luật Khoáng sản đã trình Quốc hội để các đại biểu góp ý lần 1, tuy nhiên, cũng chỉ mới tạo “thông thoáng” được cho vấn đề nguyên liệu đất san lấp.

Cũng nội dung này, trao đổi với bà Võ Thị Minh Sinh - đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, bà cũng nhìn nhận đây đều là những vấn đề khó khăn cần tháo gỡ, nhất là đối với các huyện vùng núi có tính đặc thù của tỉnh. Bà Võ Thị Minh Sinh cũng cho hay, những vấn đề này đã được Đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh phản ánh, thảo luận; dù vậy, sẽ quan tâm góp ý sát hơn tại lần lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Khoáng sản tới đây…

Loay hoay trong... Luật Khoáng sản?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO