Loay hoay xử lý sạt lở ở thị trấn Mường Xén

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Chính quyền cho rằng, nguyên nhân sạt lở là do đường ống của nhà máy nước rò rỉ, còn phía nhà máy nước thì nói rằng, nguyên nhân là do doanh nghiệp múc đất để làm dự án phân lô bán nền của huyện.

Gần 50 tỷ đồng khắc phục sạt lở vẫn không xong

Nhiều năm nay, mỗi lần mưa xuống, nhiều hộ dân sống ven Quốc lộ 7 ở khối 4 (thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn), lại phải khăn gói tháo chạy tìm nơi tá túc. “Mưa nhỏ thì còn đỡ, nhưng cứ mưa lớn chút là đất, đá đổ ào ào xuống. Uy hiếp tính mạng cũng như tài sản của người dân. Chúng tôi sống ở đây luôn phải trong cảnh thấp thỏm, một bên thì núi liên tục sạt lở, một bên thì sông Nậm Mộ”, ông Phan Văn Long (55 tuổi, khối 4, thị trấn Mường Xén), nói.

Điều đáng nói, khu vực này vừa được đầu tư gần 50 tỷ đồng để thi công khắc phục sạt lở. Tuy nhiên, mỗi lần mưa xuống, đất đá từ trên núi vẫn tràn qua bờ kè, đổ xuống khu vực nhà dân. Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều đoạn bờ kè bằng rọ đá đã bị đất đá tràn qua, sau trận mưa mới nhất. Khối đất đá này còn đổ xuống ngôi nhà 2 tầng, gây ra những vết loang lổ. Cạnh đó, chính quyền địa phương phải cắm những tấm biển cảnh báo nguy hiểm vì sạt lở.

Bờ kè bằng rọ đá bảo vệ nhà dân. Ảnh: Tiến Hùng

Bờ kè bằng rọ đá bảo vệ nhà dân. Ảnh: Tiến Hùng

Theo người dân địa phương, tình trạng sạt lở ở khu vực này nghiêm trọng nhất là vào năm 2018. Thời điểm đó, những vết nứt kéo dài hàng trăm mét rồi sạt lở núi khiến hàng trăm khối đất đá trôi xuống đánh sập nhiều ngôi nhà. Sau nhiều lần sạt lở, nhiều hộ dân sống dưới chân núi bị sập nhà cửa, phải di dời và trở thành “vô gia cư”. Đến năm 2019, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư “Dự án khẩn cấp xử lý sự cố sạt lở đất tại khu vực khối 4, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn”.

Chủ đầu tư của dự án là UBND huyện Kỳ Sơn. Mục tiêu là xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở đất tại khu vực khối 4, thị trấn Mường Xén xảy ra trong các đợt mưa lũ vài năm qua nhằm đảm bảo an toàn kịp thời cho các hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở; đảm bảo an toàn tính mạng cho người và phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 7. Tổng mức đầu tư của dự án là 48 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ 35 tỷ đồng; ngân sách tỉnh Nghệ An là 12 tỷ đồng và huyện Kỳ Sơn là 1 tỷ đồng.

Đất đá tràn qua cả bờ kè, uy hiếp nhà dân. Ảnh: Tiến Hùng

Đất đá tràn qua cả bờ kè, uy hiếp nhà dân. Ảnh: Tiến Hùng

Chủ đầu tư sau đó đã thi công mái taluy dương cơ bản đến hết các vết nứt, với chiều dài 130m dọc theo tuyến Quốc lộ 7. Chiều cao đỉnh mái ta luy trung bình khoảng 90m so với cao độ mặt bằng đường. Đồng thời, xây tường chắn bằng rọ đá dưới chân taluy để ngăn đất đá rời rạc lăn xuống. Chiều dài đoạn xếp rọ đá khoảng 46m, chiều cao trung bình khoảng 4m…

Đến cuối năm 2021, dự án này hoàn thành, huyện bàn giao đất cho người dân dựng nhà, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, sau đó mỗi lần mưa xuống, tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục tái diễn. Một số hộ dân thậm chí đã phải bán rẻ đất để chuyển đi nơi khác ở. “Mỗi lần mùa mưa đến, chúng tôi lại phải đi vận động người dân sơ tán, rất khổ. Dù đã có bờ kè bằng rọ đá nhưng vẫn không được, nước vẫn chảy ào ào xuống. Đất đá ở trên đã mất hết độ kết dính với nhau, nước chảy xuống cũng sẽ kéo theo đất đá. Để tiếp tục khắc phục, chúng tôi đã đề xuất làm hệ thống mương ở trên để thu gom nước, nhưng chưa được chấp thuận”, ông Nguyễn Anh Đoài - Bí thư Đảng ủy thị trấn Mường Xén nói.

Khu vực sạt lở thuộc địa phận khối 4, thị trấn Mường Xén. Lãnh đạo Ban quản lý các dự án huyện Kỳ Sơn cho rằng, các đường ống của nhà máy nước là nguyên nhân chính của việc sạt lở. Ảnh: Tiến Hùng

Khu vực sạt lở thuộc địa phận khối 4, thị trấn Mường Xén. Lãnh đạo Ban quản lý các dự án huyện Kỳ Sơn cho rằng, các đường ống của nhà máy nước là nguyên nhân chính của việc sạt lở. Ảnh: Tiến Hùng

Tranh cãi về nguyên nhân sạt lở

Nói về tình trạng sạt lở ở khu vực khối 4 (thị trấn Mường Xén), ông Nguyễn Văn Long - Giám đốc Ban quản lý các dự án huyện Kỳ Sơn cho rằng, hiện nay chỉ còn cách để sạt lở theo tự nhiên. “Hiện vẫn chưa tìm ra giải pháp nào để khắc phục cả. Mà nếu có cũng rất tốn kinh phí, cho nên vẫn phải để như vậy”, ông Long nói.

Cũng theo ông Long, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng sạt lở tại khu vực này là do hệ thống đường ống của nhà máy nước. Nhà máy này đặt ở trên núi, có hệ thống đầu ra cung cấp nước sinh hoạt cho người dân Mường Xén chạy ngầm qua khu vực này. “Hệ thống đường ống này đã sử dụng lâu năm nên bị hoen gỉ, chúng chạy ngầm trong núi thi thoảng bị rò rỉ, bị bục rồi ngấm vào đất gây ra nhão nhoét. Chúng tôi đã có văn bản gửi Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An thay toàn bộ hệ thống đường ống ngầm này bằng đường ống lộ thiên, nhưng đến nay phía công ty này vẫn không làm”, ông Long nói.

Khu mặt bằng của 26 lô đất thuộc dự án mở rộng thị trấn Mường Xén dù đã đấu giá xong nhưng các hộ dân rút lui vì sạt lở, đến nay vẫn bỏ không. Ảnh: Tiến Hùng

Khu mặt bằng của 26 lô đất thuộc dự án mở rộng thị trấn Mường Xén dù đã đấu giá xong nhưng các hộ dân rút lui vì sạt lở, đến nay vẫn bỏ không. Ảnh: Tiến Hùng

Trong khi đó, ông Lê Đình Hoan - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An cho rằng, hệ thống đường ống của Nhà máy nước Mường Xén không liên quan đến việc sạt lở. “Về vấn đề này, chúng tôi cũng đã lên kiểm tra và làm việc với huyện Kỳ Sơn. Hệ thống đường ống của nhà máy nước không liên quan. Mà nguyên nhân theo tôi được biết là do huyện múc đất dưới chân núi để triển khai dự án phân lô bán nền, dẫn tới sạt lở”, ông Hoan nói.

Dự án mà ông Hoan nhắc tới chính là dự án mở rộng thị trấn Mường Xén được huyện Kỳ Sơn triển khai từ năm 2017. Khu vực triển khai dự án là chân núi nằm sát bên cạnh khu dân cư đang bị sạt lở hiện nay. Theo đó, huyện Kỳ Sơn đã hợp đồng với 1 doanh nghiệp múc đất dưới chân núi để phân lô bán nền. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, đất đá từ trên núi đã ùn ùn đổ xuống, khiến nhiều hộ dân phải sơ tán. Doanh nghiệp càng múc phía dưới thì đất đá từ trên cao lại càng đổ xuống, khiến việc thi công kéo dài nhiều năm. Cùng thời điểm này, khu dân cư ngay bên cạnh cũng bị đất đá sạt xuống, buộc phải triển khai các hạng mục chống sạt lở tiêu tốn 48 tỷ đồng nhưng vẫn không xong. Điều này khiến một số người dân cho rằng, sạt lở xảy ra ở khu dân cư cũng vì doanh nghiệp múc đất để triển khai dự án phân lô bán nền ngay bên cạnh.

Dù đã bỏ 48 tỷ đồng khắc phục sạt lở nhưng người dân vẫn phải tháo chạy mỗi lần mưa lớn. Ảnh: Tiến Hùng

Dù đã bỏ 48 tỷ đồng khắc phục sạt lở nhưng người dân vẫn phải tháo chạy mỗi lần mưa lớn. Ảnh: Tiến Hùng

Mãi đến đầu năm 2022, dự án phân lô bán nền, mở rộng thị trấn Mường Xén mới hoàn thành. Sau khi tốn khoảng 23 tỷ đồng kinh phí múc đất, cải tạo mặt bằng, 26 lô đất được mang ra đấu giá với mỗi lô khoảng 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù đã đặt cọc tiền để mua đất, nhưng các hộ dân sau đó đã buộc phải xin rút lui do khu vực này lại tiếp tục sạt lở. Theo ghi nhận của phóng viên, dù đã được làm bờ kè bằng bê tông, nhưng mái taluy của khu vực này vẫn sạt lở sau mỗi trận mưa. Đất đá từ trên núi thường xuyên đổ xuống, khiến 26 lô đất vẫn bỏ hoang từ đó đến nay.

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

(Baonghean.vn) - Năm 2024, lễ hội du lịch Cửa Lò hướng đến quảng bá các giá trị văn hóa, vẻ đẹp của vùng đất và con người Cửa Lò đến du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, Cửa Lò sẽ tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực tạo điểm nhấn chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Thị xã Cửa Lò.