Lộc

Nguyễn Khắc An 06/02/2019 17:57

(Baonghean.vn) - Trong Tam Đa (Phúc, Lộc, Thọ) thì lộc đứng ở vị trí trung tâm, tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng. Không có “lộc” chắc “phúc” và “thọ” cũng chênh vênh hơn.

“Tết tết tết tết đến rồi, Tết đến trong tim mọi người”; “Xuân ơi xuân xuân đã về, tiếng pháo giao thừa mừng đón mùa xuân...”. Vâng, Xuân đã về! Chiếc loa truyền thanh đầu ngõ bắt đầu rộn ràng cất lên giai điệu quen thuộc ấy. Đám trẻ con háo hức đếm lùi thời gian. Từng cuộn lá dong theo xe hối hả chảy túa về các ngã. Và khi những giọt mưa li ti nhẹ như gió thoảng qua thì trên cành già trơ trụi lá bắt đầu nhú lộc.

Tôi có thói quen và sở thích đi chợ đào ngày Tết. Bên những cành “đào đá”, “đào ta” hay “đào Nhật Tân” là những “thương lái” không chuyên. Chiều, sau khi bách bộ dọc những lời mời, tôi dừng lại bên cạnh một cô bé có cành xanh nhất chợ, “Mua đào chú ơi, mua đi, cành ni lắm lộc nì”. Tôi hỏi vui: “Lộc là chi cháu?”. - “Lộc là cấy ni chú nì” vừa nói cô bé vừa đưa tay chỉ những mún đọt lá non chuốt vừa nhú lên nhòn nhọn như mới tút ra trên mỗi đầu nhánh. “Lộc để làm chi cháu?”, tôi tiếp tục hỏi. Cô bé bán đào nở nụ cười hồn nhiên giảng giải: “Lộc là chồi non mới nhú. Đã sống là phải có lộc. Đầu năm có lộc thì cả năm có lộc, cả năm có lộc thì mới... vui”. “Đào ni đào chi cháu?”. - “Đào vườn Nghi Lộc chú ạ”. “Nghi Lộc thật à, đã lộc răng lại còn nghi?”, tôi pha trò. Cô bé cũng không vừa: “Thì chú mua phần Lộc để Nghi cháu cầm về cũng được”. Sau những phút tếu táo dễ thương, tôi quyết định chọn cành “đào vườn Nghi Lộc” cho xuân năm nay cùng lời “slogan” của cô bé bán đào: “Đã sống là phải có lộc”.

Lộc là những chồi non mới nhú, đúng rồi, nó chính là mầm khởi đầu cho một tương lai nhiều hứa hẹn. Lộc là chỉ báo hiển nhiên, nên thơ và dễ nhận thấy của mùa Xuân. Nó như là chiếc đồng hồ lãng mạn nhất mà tạo hóa báo thời khắc Xuân sang. “Em ơi em mùa xuân - đã về trên cành lá”. Không biết bao nhiêu tác phẩm âm nhạc, văn học, hội họa, nhiếp ảnh thổn thức trước hiện tượng tự nhiên kỳ diệu và kỳ vĩ này. Một chiếc lộc non trên cành như một thành quả được khẳng định, một lời hứa hẹn được xác tín và một niềm hy vọng được khai sinh.

Chưa hết, lộc còn có một ý nghĩa thú vị khác nữa, nói một cách nôm na lộc là một khoản “thu nhập tăng thêm” ngoài dự tính mang lại niềm vui cho người nhận. Ban đầu hình như chữ lộc chủ yếu được dùng trong trường hợp ban thưởng khi ai đó lập công lớn (Ví dụ như vua có thể ban “lộc điền” (ruộng) cho tướng quân chẳng hạn). Nhưng rồi chữ lộc có khi cũng được con người hiểu và sử dụng theo hướng trần tục, thực dụng, thậm chí tiêu cực. Ví dụ như tất cả các khoản thu nhập ngoài luồng của người có chức quyền đều được gọi là lộc. Ngày xưa quan nhận tiền đút lót của dân cũng gọi là lộc, ngày nay thì “hoa hồng” hay “lại quả” cũng gọi là lộc. Hầu hết tất cả các khoản thu nhập không chính thống được đến từ giá trị vô hình của quyền lực đều gọi là lộc. Ngoài cái lộc hữu hình như tiền, như đồng hồ, như biệt thự hay giản dị như “áo sơ mi” hay “thuốc bổ gan”, thì lộc cũng được sử dụng trong một số trường hợp rất trừu tượng giàu tính tín ngưỡng như “lộc thánh” “lộc trời”...

Trong Tam Đa (Phúc, Lộc, Thọ) thì lộc đứng ở vị trí trung tâm, tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng. Không có “lộc” chắc “phúc” và “thọ” cũng chênh vênh hơn. Lộc đi vào đời sống xã hội như một hiển nhiên của nhu cầu tín ngưỡng. Đầu năm hái cành lộc xuân để trong nhà lấy may mắn. Gặp nhau ngày Tết thể nào cũng dành lời chúc lộc có khi nó được biến tấu và hài hước hóa kiểu “Tiền vô như nước sông Đà/ Tiền ra tí tách như cà phê phin”. Ngày nay ở hầu hết các cửa hàng kinh doanh lớn đều bài trí một chiếc bàn thờ đặt ngay dưới nền nhà, xung quanh thật nhiều đồ cúng vây quanh tượng ông “Thần Tài”, thưa đó chính là cầu lộc. “Lộc” là nhu cầu, là khát khao và là động cơ chính đáng để con người thỏa sức ước mơ, thỏa sức sáng tạo và thỏa sức dâng hiến. Có nhiều “lộc” ắt cuộc sống sẽ sung túc, mọi người, mọi nhà và nếu nhìn rộng hơn là quê hương, đất nước sẽ thịnh vượng mà đi lên. Có lộc thì không chỉ đời sống vật chất mà cả đời sống tinh thần cũng sẽ được cải thiện. Việc cầu lộc là một tín ngưỡng đẹp cần được bảo tồn.

Tuy nhiên, cuộc sống càng phát triển, mọi nhu cầu, thói quen cũng như quan niệm của con người bởi vậy cũng đổi thay. Ngày nay chữ “lộc” được coi trọng có khi thống trị và khống chế cả những mối quan hệ vốn dĩ tốt đẹp của con người. Khi người ta coi lộc là tất cả, lộc là cứu tinh đến mức phát cuồng với nó, cũng là lúc người ta bị tha hóa, bị hoang tưởng vì nó. Việc cầu lộc đầu Xuân bị trần tục, biến tướng và xuyên tạc. Vì lộc người ta nhét tiền lẻ không chỉ vào tay các vị La Hán mà cả vào mồm những linh vật chính cái nơi thanh tịnh và linh thiêng nhất. Người ta vò tiền lẻ ném vào đám rước kiệu như bố thí, như hối lộ thần thánh một cách thô bạo. Năm ngoái, cư dân mạng đã phải ngao ngán chứng kiến cảnh cướp lộc ở một lễ khai ấn nổi tiếng. Ngao ngán không chỉ vì sự xô đẩy bạo lực, mà bởi trong đám người hổn hển và nhễ nhại ấy có cả những vị đeo “Thẻ đại biểu”. Rồi một vụ cướp lộc “kinh điển” khác đó là Tục cướp lộc hoa tre tại Hội Gióng. Theo nguyên gốc ban đầu, sau khi kiệu rước giò hoa tre tiến lễ lên sân rồng tại đền Thượng, dân làng làm lễ xong tiếp tục rước về đền Trình. Tại đền Trình, khi làm lễ xong, chủ tế hô “tất lễ”, lúc đó người dân các thôn, làng cùng tranh lộc hoa tre. Ấy vậy mà năm nào vấn nạn cướp lộc cũng hoành hành theo kiểu cướp càn. Họ lao, họ xô, họ đẩy, họ còn hò hét kinh hoàng, nhất là họ còn dùng cả gậy, gộc để xung trận. Kiệu vẫn chưa về đến nơi đã cướp, tức là lộc họ cướp khi vẫn chưa được “chứng”! Không ai thống kê tìm hiểu xem những người lao vào cướp lộc ấy sau một năm sẽ giàu có lên như nào, nhưng tôi tin trong số ấy chắc sẽ không có những tỷ phú danh tiếng như Phạm Nhật Vượng hay Nguyễn Phương Thảo. Tôi cũng tin rằng trong tay Billgate, hay Mark Zuckerberg chắc chưa kịp có nhánh “Lộc hoa tre” nào của Hội Gióng.

Thật đáng thương cho những người suốt ngày nhang khói để “nuôi” một “con đề”. Thật buồn cười cho những kẻ ăn rồi ngồi luận giải các giấc mơ để mua vietlot. Mông muội và ấu trĩ như thế mà rất tiếc nó lại đang cuốn vào đó không ít người. “Hãy lao động như thể mình sống cả trăm năm. Hay cầu nguyện như thể ngày mai mình sẽ chết” (Benjamin Franklin - chính trị gia, nhà khoa học người Mỹ). Chúng ta không sống ở Mỹ nhưng những giá trị căn bản của vật chất, của lao động thì không khác biệt trên hành tinh này. Ở đâu thì con người cũng cần có “lộc” để sống, nhưng ở đâu thì người ta cũng phải đổ mồ hôi và trí tuệ để tạo ra nó. Cha ông có câu “của thiên trả địa” những thứ đến từ “trên trời” rồi cũng về với đất, chỉ có giá trị của lao động là mãi mãi trường tồn cùng thời gian.

Với tôi, đầu Xuân mua được cành “đào Nghi Lộc” thấy phấn chấn trong lòng, vui lắm, háo hức vô cùng. Nhưng vì nó mà có “lộc” ư, vẫn còn nghi lắm!

Mới nhất

x
Lộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO