Logistics và bài toán phát triển
(Baonghean) - Hiện nay logistics được nhận thức chung là một phần của chuỗi cung ứng bao gồm tổng thể những công việc liên quan đến hàng hóa gồm đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo quản... cho tới khi hàng được giao đến người tiêu thụ cuối cùng. Tất nhiên để phát triển kinh tế logistics, trước hết cần có hạ tầng đồng bộ, cả hạ tầng “cứng” và "mềm".
Tàu cập cảng Nghi Thiết. Ảnh: Nguyên Nguyên |
Vấn đề không chỉ là hạ tầng
Với Nghệ An, hệ thống giao thông, hạ tầng thiết yếu gồm: đường bộ, đường sắt, đường hàng không, cảng biển, đường thủy nội địa và hệ thống kho bãi, dịch vụ vận tải đáp ứng yêu cầu. Trên địa bàn Nghệ An có 16 tuyến quốc lộ đi qua địa bàn với chiều dài 1.768 km và 32 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 662,1 km. Ngoài 1 cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Nghệ An cũng có 1 cửa khẩu chính, 3 cửa khẩu phụ và 4 lối mở trên khu vực biên giới với nước bạn Lào. Đặc biệt, Nghệ An có Sân bay Vinh đã được đầu tư, nâng cấp thành cảng Hàng không quốc tế và hệ thống cảng biển được đầu tư, năng lực ngày càng được nâng cao.Hiện tại Nghệ An có 7 cảng biển đang hoạt động, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào dịch vụ cảng như: Cảng Cửa Lò (hiện tại có 4 bến, có 3 kho hàng và bãi chứa hàng diện tích 9 ha); Cảng Đông Hồi (các nhà đầu tư như Công ty Thanh Thành Đạt, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Possco Hàn Quốc đã lựa chọn các vị trí xây dựng bến cảng chuyên dụng); Cảng The VISSAI (3 bến khu cảng nội địa cho tàu 3.000 - 10.000 DWT và 2 bến cho tàu lớn đến 70.000 DWT); Cảng Bến Thủy (bốc xếp và giao nhận bảo quản hàng hóa, cho phép tàu có trọng tải dưới 1.000 tấn ra vào thuận lợi).
Bốc xếp hàng tại Cảng Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền |
Ngoài ra còn có các Cảng Nghi Hương: Là cảng chuyên dụng nhập xăng dầu sản phẩm, cho tàu 1 vạn tấn ra vào cảng thuận lợi; Cảng Hưng Hòa: Tiếp nhận các tàu xăng dầu, công bố cho phép cập tàu 1.200 tấn; Cảng Cửa Hội: Mục đích chính là phục vụ cho tàu đánh cá. Trên địa bàn tỉnh có 6 cửa lạch: hiện tại nhiệm vụ chủ yếu cho tàu thuyền đánh cá neo đậu và tránh, trú bão và hàng hóa tổng hợp ra vào cửa lạch.
Theo Quy hoạch chi tiết Khu bến cảng biển Cửa Lò, tỉnh Nghệ An giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và sau năm 2030 được công bố cuối tháng 3/2018, Cảng Cửa Lò sẽ rộng 5.125 ha, trong đó phạm vi quy hoạch vùng đất khoảng 782,3 ha; phạm vi quy hoạch vùng nước khoảng 4.342,7 ha. Khu bến chuyên dùng có bến cảng tổng hợp, container cho tàu biển có trọng tải từ 30.000 - 50.000 tấn (tương lai tiếp nhận cỡ tàu tổng hợp, container có trọng tải đến 100.000 tấn và tàu khách quốc tế từ 3.000 - 5.000 chỗ khi có điều kiện)...
Theo ông Vương Bình Minh - Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nghệ An: “Việc quy hoạch xây dựng khu bến cảng Cửa Lò có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các tỉnh lân cận. Cảng biển sẽ giúp để lưu thông hàng hóa cho cả Khu kinh tế Đông Nam rộng lớn trên 21.000 ha, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, trong đó có logistics”.
Như vậy, với năng lực hiện có, có thể đánh giá hệ thống hạ tầng giao thông Nghệ An đã tương đối đồng bộ, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chuyển động của logistics.Cảng hàng không Quốc tế Vinh hiện có 7 đường bay. Ảnh tư liệu |
Trước hết, để Nghệ An trở thành một trung tâm logistics Bắc miền Trung, không thể tách rời logisics Việt Nam. Việt Nam đang cần đột phá cơ chế quản lý Nhà nước, bao gồm cả chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, pháp luật điều chỉnh ngành, bộ máy quản lý để bảo đảm vai trò hỗ trợ, kiến tạo môi trường tự do kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, phù hợp cam kết hội nhập, phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics và các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, hiện đại, chuyên nghiệp, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế cả về số lượng, quy mô, công nghệ, nhân lực và chất lượng dịch vụ, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất, nhập khẩu và thương mại trong nước, hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin; quản lý tốt chuỗi cung ứng.
Đồ họa của Hữu Quân. |
Các bộ, ngành và tỉnh Nghệ An cần chủ động rà soát đảm bảo các quy hoạch, kế hoạch về giao thông, vận tải phát triển đồng bộ, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất, nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Gắn kết quy hoạch về trung tâm logistics, cảng cạn, kho ngoại quan và các quy hoạch sản xuất công - nông nghiệp trong một tổng thể thống nhất; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ logistics, phát triển kết cấu hạ tầng logistics, sàn giao dịch logistics gắn với thương mại điện tử trên các địa bàn.
Ngoài ra, đẩy mạnh hoạt động phổ biến, tuyên truyền về thị trường và các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến dịch vụ logistics; Xây dựng Cổng thông tin thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tra cứu thuế suất và các thủ tục xuất, nhập khẩu liên quan đến từng mặt hàng; Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics tại địa phương hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương… nhằm đưa ngành dịch vụ logistics - một ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao lên một bước mới hiện đại và mở rộng…
Như vậy, để phát triển logistics ở Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung, hạ tầng xã hội cũng phải được phát triển đồng bộ. Tại Việt Nam hiện nay, hàng hóa phải đi qua rất nhiều khâu trung gian và do đó, làm tăng chi phí giao dịch và tăng giá bán. Mặt khác, các doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An cũng chưa có thói quen sử dụng dịch vụ thuê ngoài mà chủ yếu là tự làm. Khi tự mình thực hiện các hoạt động logistics thì sẽ tốn rất nhiều vốn đầu tư và không đạt được chất lượng cao.
Hàng container bốc xếp tại Cảng Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền |
Theo tiến sỹ kinh tế Chu Quang Thứ - Chủ tịch Hội Người đi biển Việt Nam, với những bứt phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tích hợp trí tuệ nhân tạo với mạng lưới kết nối internet vạn vật (IoT) và các công cụ hiện đại hóa đã và đang bắt đầu thay đổi toàn bộ viễn cảnh của dịch vụ kho bãi và phân phối hàng hóa trên toàn thế giới, với ước tính khoảng 5,5 triệu thiết bị mới được kết nối mỗi ngày.
Đối với lĩnh vực logistics, cuộc cách mạng này sẽ ngày càng mở rộng việc kết nối những thiết bị phi truyền thống như pallet, xe cần cẩu, thậm chí xe rơ-mooc chở hàng với mạng internet. Trong vòng 3 năm tới, IoT sẽ trở nên phổ biến trong lĩnh vực logistics. Các công ty logistics trên thế giới đang nhanh chóng cải tiến công nghệ để bắt kịp xu hướng này và cải thiện tỷ suất lợi nhuận trong thời gian tới thông qua việc trang bị các công cụ tự động, hiện đại.
Không nắm bắt được xu thế, các doanh nghiệp logistics trên địa bàn sẽ thua trên “sân nhà”. Tất nhiên, vấn đề này cần phải có sự hỗ trợ, cung cấp dịch vụ hoàn hảo của Nhà nước với tư cách “kiến tạo”.