Lối chơi của Việt Nam ngày càng trở nên biến hóa khôn lường

An Thanh 07/12/2018 16:40

(Baonghean.vn)- Không phải lối đá Nam Mỹ, Châu Âu hay Nhật Bản mà "bài của thầy Park" là lối đá mà các cầu thủ Việt Nam phát huy tối đa sở trường.

Trước hết, phải nói "bài của thầy Park" là bất biến, dựa trên nguyên tắc phải nắm giữ tốt thế trận, cự ly hợp lý đảm bảo không thua trước khi tính đến ghi bàn. Thầy Park vẫn có thể sử dụng bóng dài, bổng như tình huống ghi bàn của Anh Đức ở Bacolod (Philippines), có thể từ pha xẻ nách kiểu Trọng Hoàng - Văn Đức hay solo kiểu Công Phượng.

Điểm khác biệt của HLV Park Hang-seo là sự tính toán chính xác điểm yếu-mạnh của đối thủ để chia nhỏ trận đấu, toan tính lối đá bắt đối thủ phải cuốn theo mình. Ông Park còn dùng đến “hư chiêu”, đỉnh cao của nghệ thuật cầm quân sân cỏ mà phải đến một trình độ nào mới có được.

Biến hóa khôn lường

“Park - ball” là lối chơi bất biến, dựa trên nguyên tắc phải nắm giữ tốt thế trận, cự ly đội hình hợp lý đảm bảo không thua trước khi tính đến ghi bàn. Ảnh: AFF

Thầy Park có lối chơi biến hóa khôn lường, dựa trên nguyên tắc phải nắm giữ tốt thế trận, cự ly đội hình hợp lý đảm bảo không thua trước khi tính đến ghi bàn. Ảnh: AFF

Khá may mắn cho VFF sở hữu một ông thầy cần mẫn, biết lo xa và rất kiệm lời. Tôi tán đồng ý kiến của doanh nhân Nguyễn Hoài Nam, người đàn ông hiện là thành viên của Hội đồng quản trị hai đội bóng tại châu Âu là K.V Kortrijk (Bỉ) và Sarajevo (Bosnia và Herzegovina) khẳng định:

“Muốn bóng đá có tầm, thì phải có HLV có tầm. Sau khi AFF Cup kết thúc, nếu đội tuyển Việt Nam vào chung kết, trong trường hợp trúng cử, điều trước tiên tôi làm là sẽ thuyết phục VFF gia hạn hợp đồng với HLV Park Hang-seo. Chúng ta cần có những vị HLV có tầm như này để mơ dự World Cup”.

Tính đến giờ,HLV Park Hang-seo đã sử dụng tới 5 sơ đồ chiến thuật khác nhau với 20/23 cầu thủ được ra sân. Việc liên tục đưa ra những sự điều chỉnh về đội hình và chiến thuật thi đấu cho thấy Việt Nam là đội bóng có lối chơi đa dạng và biến ảo nhất AFF Cup năm nay.

Ông Park Hang-seo “bất biến” với lối đá 3 hậu vệ nhưng “đa biến” khi liên tục “xoay hình” khi lâm trận (3-4-3), (5-4-1), (3-5-2), (4-1-4-1) và (5-3-2). Ngoài biến đổi sơ đồ, nhà cầm quân người Hàn còn thay đổi nhân sự, đặc biệt ở hàng tiền vệ và tiền đạo, qua đó khiến các đối thủ không thể “bắt bài” Việt Nam.

Chỉ có thủ môn và 5 hậu vệ là cố định, còn 5 vị trí hàng tiền vệ và tiền đạo ông liên tục xoay tua trong từng trận, thậm chí một trận dùng đến 2-3 thế trận khác nhau.

Đỉnh cao của “hư chiêu”

Có 3 trận tại AFF Cup lần này, ôngPark Hang-seo đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật cầm quân, đó là cuộc đối đầu với Malaysia trên sân Mỹ Đình và 2 trận bán kết đối đầu với Philippines. Khá nhiều HLV V-League cho biết, họ học được rất nhiều từ ông thầy Hàn Quốc khi xem đi, xem lại các trận đấu này.

Ban đầu, HLV Tan Cheng Hoe đã quyết tâm “tử thủ” khi cất đội trưởng Mohamad Zaqua, tiền vệ Safawi bin Rasid - những cầu thủ tấn công hay nhất của mình để chủ trương kiếm 1 điểm. Nhưng ông Park Hang-seo “vô tình vạch áo” cho người đồng nghiệp thấy điểm yếu của đội tuyển Việt Nam khi dùng cặp tiền vệ “tấn công, không phòng thủ” Quang Hải, Xuân Trường và cánh trái Văn Đức đá thay “con át chủ bài” Văn Quyết.

Không ai nghĩ các cầu thủ Việt Nam cắn răng chơi đôi công trước các cầu thủ Philippines to cao. Ảnh: AFF

Không ai nghĩ các cầu thủ Việt Nam cắn răng chơi đôi công trước các cầu thủ Philippines to cao. Ảnh: AFF

Các cầu thủ Malaysia say sưa tấn công từ đầu đến cuối trận đấu, luôn có cảm giác sắp ghi bàn vào lưới chủ nhà. Chỉ đến khi trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu, họ mới giật mình biết đã trúng kế “điệu hổ ly sơn” và đắng cay nhận 2 bàn thua trên sân Mỹ Đình.

Đối đầu với HLV Sven-Goran Eriksson đầy kinh nghiệm, ông Park Hang-seo lại khác, chấp nhận dùng “sở đoản để đấu với sở trường”. Sở dĩ Anh Đức có thể ghi bàn vì không cầu thủ Philippines nào lại nghĩ Việt Nam sẽ dùng lối đá dài-bổng để tiếp cận khung thành của mình. Lại càng không tính đến Trọng Hoàng lại xẻ nách bằng chân chiêu từ giữa sân cho Văn Đức ghi bàn.

Ông Eriksson có lý khi yêu cầu các học trò “bắt chết” được coi là ngòi nổ nguy hiểm nhất của đội tuyển Việt Nam và chơi pressing để phá sức đội nhà. Về lý thuyết thể lực của đội hình 10/11 cầu thủ sinh ra và lớn lên ở châu Âu hoàn toàn có thể đè bẹp các cầu thủ Việt Nam để cuối trận tung cú đấm quyết định.

Nhưng 2 trận bán kết, ông Park Hang-seo vẫn chỉ đạo các cầu thủ Việt Nam thay vì “né đòn” thì chấp nhận "nắm thắt lưng địch mà đánh", giành giật từng tình huống đối đầu chờ đối phương đuối sức để ra đòn.

Lợi thế sân nhà “lộ tẩy” đội hình ra sân của Philippines, ông cân lên đặt xuống vị trí tiền đạo trái và tiền vệ trung tâm, 2 lần thay đổi nhân sự cũng cho thấy nhà cầm quân này kỹ lưỡng đến mức nào. Ngay cả khi Quang Hải có bàn thắng, ông vẫn quyết định tung Công Phượng chứ không phải bất cứ cầu thủ phòng ngự khác, kiểu như ông đã thấy trước bàn thắng tiếp theo. Quả đúng thế!

Mới nhất

x
Lối chơi của Việt Nam ngày càng trở nên biến hóa khôn lường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO