Lợi dụng sửa sai, thu lợi bất chính

(Baonghean) - Lợi dụng sự kém hiểu biết của người dân, Công an xã Long Sơn (Anh Sơn) đã có hành vi được coi là “làm càn, làm ẩu”. Họ là những người thực thi pháp luật, nhưng lại cố ý làm trái quy định của pháp luật để thu lợi bất chính...

Cuối tháng 10/2014, Báo Nghệ An nhận được phản ánh của người dân xóm 12, xã Long Sơn (Anh Sơn), nội dung đơn như sau: Người dân có những sai sót trong sổ hộ khẩu nếu muốn đính chính đều phải chịu mức phạt cao. Tìm về xóm 12, chúng tôi đã phần nào thấu hiểu được nỗi bức xúc của những người nông dân ở vùng quê còn nghèo khó này. Ông N.V.L, một trong những "khổ chủ" cho biết: Năm sinh của vợ tôi là 1964, nhưng sổ hộ khẩu lại ghi là 1962, con gái 1989, nhưng trong sổ hộ khẩu lại ghi là 1990. Về nguyên nhân sai sót cũng có thể do thời điểm làm sổ hộ khẩu tôi không nhớ chính xác, dẫn đến khai sai, nay tôi muốn đính chính lại để thống nhất với giấy tờ khác. Tuy nhiên để sửa lại lỗi trên, tôi phải nộp phạt cho công an xã 500.000 đồng.
Còn trường hợp ông N.V.H, mọi giấy tờ từ chứng minh nhân dân, huân, huy chương kháng chiến, thẻ bảo hiểm... đều ghi năm sinh là 1949, nhưng riêng sổ hộ khẩu lại là 1947. Vì vậy, khi lên công an xã để xin chỉnh sửa đã bị phạt 500 nghìn đồng. Ông H cho biết: “Họ nói sai nhiều, phạt nhiều, sai ít phạt ít rồi hỏi tui “trong phục (túi áo - PV) dừ được mấy?”, tui lục còn có 300 nghìn, rứa là phải mắc nợ 200 nghìn đến bựa ni cũng chưa có trả”.  Trường hợp của ông N.T.B, tất cả giấy tờ đều có tên lót là “Thanh”, nhưng hộ khẩu lại là “Văn”. Để làm thủ tục vay vốn ngân hàng, ông ra xã xin đính chính, nhưng cũng phải đóng tiền phạt 1 triệu đồng. Ông B bức xúc: “Cũng không mấy khi để ý, bởi có làm thủ tục chi mô, mà cũng không biết vì răng lại nhầm lẫn rứa. Nhưng khi ra xã nghe công an nói lỗi ni đúng ra phải 3 triệu, nhưng chỉ phạt 1 triệu, phần vì chưa có tiền, phần do bức xúc quá tui không nạp rồi ra về, nhưng sau đó cần hộ khẩu để giải quyết một số việc, nên cũng phải cắn răng” nộp tiền... 
Minh họa: Hồng Toại
Minh họa: Hồng Toại
3 trường hợp kể trên chỉ là đại diện cho nhiều hộ dân chúng tôi đã tiếp cận. Sau khi nộp phạt, ông N.T.B được sửa, cấp lại ngày 4/1/2012; ông N.V.L được sửa, cấp lại sổ hộ khẩu ngày 10/1/2014; ông N.V.H được đính chính ngày 23/6/2014. Tất cả các hộ nộp phạt đều không có biên lại thu tiền. 
Theo Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Trưởng văn phòng luật sư Trọng Hải & Cộng sự: Khoản 2, Điều 29, Luật Cư trú năm 2006  quy định về việc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu. Theo đó: “Trường hợp có thay đổi về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh hoặc các thay đổi khác về hộ tịch của người có tên trong sổ hộ khẩu thì chủ hộ hoặc người có thay đổi hoặc người được uỷ quyền phải làm thủ tục điều chỉnh. Người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy khai sinh hoặc quyết định được phép thay đổi của cơ quan có thẩm quyền về đăng ký hộ tịch; nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu”.
Như vậy, pháp luật cho phép công dân được quyền thay đổi các thông tin về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh trong sổ hộ khẩu. Khi đến làm thủ tục thay đổi, công dân phải xuất trình được một trong các giấy theo quy định trên. Lệ phí được thu theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Việc ông Nguyễn Thừa Giáp, Trưởng Công an xã Long Sơn cho rằng, Ban công an xã  xử phạt theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 8 của Nghị định 167/2013 là sai. Bởi sai sót trong sổ hộ khẩu là do người dân nhầm lẫn chứ không phải cố tình cung cấp thông tin sai sự thật. Vì vậy, không được áp dụng quy định này để xử phạt.

Từ phản ánh của các hộ dân, xác minh ở ban công an xã, nhưng chúng tôi nhận được câu trả lời “phải kiểm tra lại". Dù vậy, qua cách lập luận của ông Nguyễn Thừa Giáp, Trưởng Công an xã Long Sơn lại phần nào hé mở về sự việc theo như phản ánh. Bởi ông Giáp cho rằng: Những sai sót “thuần túy” do nhớ lẫn ngày âm sang dương và ngược lại, thì mỗi lần đính chính thu phí 8.000 đồng, còn nếu sai họ tên, ngày tháng năm sinh... là những sai sót “không thuần túy” do có mục đích, cố tình ghi sai, do người dân cung cấp sai... đều áp dụng mức phạt từ 1 đến 2 triệu được quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 8 của Nghị định 167/2013. Tuy nhiên, ở địa phương cũng chỉ phạt được mức 1 triệu trở xuống”. Khi chúng tôi đề cập đến việc xem biên bản xử phạt, biên lai thu tiền đối với những trường hợp bị phạt do lỗi sai trong sổ hộ khẩu, ông Giáp quả quyết: Tất cả đều có biên lai, hóa đơn. Sau khi công an xã ký quyết định xử phạt, người dân ra kế toán tài chính nộp tiền, công an không thu.

Tuy nhiên, kiểm tra tại bộ phận tài chính, hóa đơn thu tiền đối với 3 trường hợp cụ thể nêu trên đều không có. Theo cán bộ tài chính của xã trả lời khi chúng tôi đề nghị được kiểm tra hóa đơn thu phạt từ năm 2012 đến nay thì: “Trước đây bác, chị... làm nên cất chỗ khác”. Nhưng ngay tại quyển hóa đơn thu do cán bộ tài chính này cung cấp, có phiếu thu từ đầu tháng 4/2014 đến tháng 8/2014 vẫn không có tên ông N.V.H, người bị “phạt” vì lỗi đính chính năm sinh từ 1947 sang 1949 vào ngày 23/6/2014 (ngày đính chính - PV) như chúng tôi đã nói trên. Quay trở lại hỏi ông Giáp về việc một số trường hợp đưa tiền không có hóa đơn cho công an xã để sửa lỗi trên sổ hộ khẩu, ông Giáp bình thản cho rằng “Đó là tiền họ bồi dưỡng...”. 

Với cách xử lý của Công an xã Long Sơn, trừ trường hợp lẫn lộn từ ngày âm sang ngày dương và ngược lại, còn tất cả các lỗi trên sổ hộ khẩu mỗi khi người dân cần đính chính đều phải nộp phạt. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Thượng tá Phùng Xuân Hùng, Đội phó Đội hướng dẫn, đăng ký quản lý cư trú, Phòng quản lý hành chính trật tự xã hội Công an tỉnh, cho biết: Các lỗi trên đều do người dân nhầm lẫn, không cố tình, vì vậy sửa sai là trách nhiệm của công an và người dân chỉ phải đóng phí điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu theo quy định.  
Quảng An

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.