Lời giải cho bài toán thu hút bác sĩ về tuyến y tế cơ sở ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Hiện nay, việc tuyển dụng cán bộ y tế hàng năm không đủ chỉ tiêu so với kế hoạch được phê duyệt, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ về làm việc tại các trạm y tế xã vùng miền núi thấp, đồng bằng, thành phố và tại các trung tâm y tế 2 chức năng.
Thuận ở vùng cao, khó ở vùng đồng bằng, thành phố
Những năm qua, nhân lực ngành Y tế Nghệ An phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa cân đối, đồng đều giữa các tuyến. Nhân lực chất lượng cao chỉ tập trung nhiều ở tuyến tỉnh, còn tuyến y tế cơ sở vẫn gặp nhiều khó khăn.
Từ năm 2020 đến nay, toàn ngành Y tế Nghệ An đã tuyển dụng được 3.231 người. Trong đó, tuyến huyện tuyển dụng được 781 người (214 bác sĩ) và tuyến xã tuyển dụng được 53 người (12 bác sĩ)… Việc tuyển dụng hàng năm không đủ chỉ tiêu so với kế hoạch được phê duyệt, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ tại trạm y tế xã, các trung tâm y tế 2 chức năng.
Để khắc phục tình trạng trên, ngành Y tế Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tuyến cơ sở, như tăng cường việc tuyển dụng cũng như công tác đào tạo. 3 năm qua, công tác tuyển dụng nhân lực chất lượng cao ngành Y tế mà cụ thể là bác sĩ đã xuất hiện một xu thế mới, trái ngược hoàn toàn với trước đây, đó là: Những năm trước, việc tuyển dụng bác sĩ về làm việc tại trạm y tế xã, trung tâm y tế, bệnh viện huyện ở khu vực miền núi rất khó khăn, thì nay, việc tuyển dụng đó lại khá thuận lợi.
Từ năm 2021 đến nay, huyện Kỳ Sơn đã tuyển dụng được 6 bác sĩ về công tác ở trung tâm y tế. Đến nay, 21/21 trạm y tế xã, thị trấn của huyện đã có 22 bác sĩ công tác”.
3 năm qua, huyện Quế Phong đã tuyển được 9 bác sĩ. Hiện nay, 13 trạm y tế xã, thị trấn đã có 15 bác sĩ công tác bền vững, lâu dài.
Tương tự, 3 năm qua, Trung tâm Y tế huyện Tương Dương, Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu tuyển dụng được 5 bác sĩ… Việc tuyển dụng được khá nhiều bác sĩ đã giúp cho các trung tâm y tế huyện miền núi thuận lợi trong việc bố trí nhân lực chất lượng cao tại đơn vị và các trạm y tế xã; từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng như làm tốt công tác dự phòng.
Ngược lại khu vực miền núi, việc tuyển dụng, thu hút bác sĩ về làm việc tại trạm y tế xã, trung tâm y tế ở khu vực thuận lợi, vùng đồng bằng, thành thị lại đang cực kỳ khó khăn, nan giải.
Từ năm 2021 đến nay, đơn vị chỉ tuyển dụng được 2 bác sĩ dự phòng. Con em người địa phương tốt nghiệp ngành Y đa khoa dù đã được mời gọi, vận động nhưng họ vẫn không về.
Trong 3 năm qua, Trung tâm Y tế thành phố Vinh tuyển dụng được 3 bác sĩ, trong đó, 1 người về công tác tại trạm y tế. Hiện nay, Trung tâm vẫn thực hiện tuyển dụng nhưng không có bác sĩ dự tuyển. Sau khi đã tăng cường bác sĩ Từ trung tâm y tế, Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh thì vẫn còn có gần 10 trạm y tế phường, xã chưa có bác sĩ.
Từ năm 2021 đến nay, đơn vị không tuyển được bác sĩ nào về làm việc. Về trung tâm, trạm y tế xã chỉ có lương cơ bản nên họ không về. Dự kiến đến năm 2027, thì 10/19 trạm y tế xã, thị trấn sẽ thiếu bác sĩ do những bác sĩ đang công tác sẽ về hưu.
Lời giải cho bài toán thu hút?
Sở dĩ các trung tâm y tế huyện miền núi dễ tuyển dụng bác sĩ là do đời sống mọi mặt, trong đó, chất lượng giáo dục ở khu vực này ngày càng được nâng lên. Nhiều con em ở miền núi thi đậu vào các trường đại học y khoa. Các trung tâm y tế huyện tập trung tuyển dụng các bác sĩ đều là con em ở khu vực này.
Còn đối với khu vực thuận lợi thì bác sĩ mới ra trường không muốn về công tác tại đây do môi trường làm việc tại trung tâm y tế, trạm y tế xã chịu nhiều áp lực lại kém hấp dẫn (ít bệnh nhân nên khó nâng cao tay nghề và thu nhập thấp). Cùng với đó, lương và các chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp (nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở), chưa đủ cho bác sĩ mới ra trường có thể trang trải cuộc sống…Trong khi đó, hầu như tất cả các địa phương đều chưa có chế độ thu hút mạnh.
Cùng với đó, hiện nay, hệ thống các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân ngày càng phát triển, môi trường làm việc thuận lợi có nhu cầu tuyển bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y, nhất là cán bộ, nhân viên y tế có trình độ cao, chuyên môn sâu. Các cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân viên y tế, trong khi các cơ sở y tế công lập lại không có cơ chế để giữ chân, trọng dụng viên chức y tế có trình độ chuyên môn giỏi.
Thông tin từ Sở Y tế Nghệ An: Ngành Y tế Nghệ An đã và đang thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo theo Nghị quyết 157/2014/NQ-HĐND ngày 12/12/2014 về một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực y tế công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND ngày 06/01/2015 của UBND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực y tế công lập trên địa bàn tỉnh.
Tổng kinh phí thực hiện theo các văn bản này từ năm 2020 đến nay là trên 28,1 tỷ đồng cho 762 người. Trong đó, hỗ trợ thu hút 165 người, với kinh phí gần 5,7 tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao cho 458 người, với kinh phí trên 20 tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo liên thông từ y sĩ lên bác sĩ cho 126 người, với kinh phí gần 1,9 tỷ đồng; hỗ trợ hợp đồng 13 bác sĩ đã nghỉ hưu tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, với kinh phí gần 512 triệu đồng.
Theo Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An: Bác sĩ, dược sĩ đại học và sau đại học được hỗ trợ ban đầu bằng tiền khi được tuyển dụng lần đầu vào làm việc tại các trung tâm y tế, bệnh viện, trạm y tế xã, thị trấn vùng miền núi (vùng miền núi gồm: các xã, phường, thị trấn thuộc huyện, thị xã miền núi và các xã miền núi thuộc các huyện đồng bằng); Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần, Trung tâm Giám định pháp y, Trung tâm Giám định pháp y tâm thần và có cam kết công tác tại đơn vị từ 5 năm trở lên được hưởng mức tối đa từ 30-100 triệu đồng.
Có thể nói, Nghị quyết 157 và Quyết định số 01 đã giúp cho ngành Y tế Nghệ An thu hút, đào tạo được nhiều bác sĩ; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân tỉnh nhà. Tuy nhiên, so với các tỉnh, thành khác trong cả nước, chính sách thu hút của Nghệ An là chưa nhiều. Đơn cử để so sánh: Số tiền mà tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ bác sĩ về làm việc là từ 200-750 triệu đồng; bác sĩ cam kết về làm việc tại cơ sở công lập ở tỉnh Bình Thuận trong 10 năm sẽ nhận được từ 600-800 triệu đồng; bác sĩ cam kết về làm việc tại cơ sở công lập ở tỉnh Thanh Hóa trong 10 năm sẽ nhận được từ 216 -1.335 triệu đồng.
Theo đại diện Sở Y tế Nghệ An: Sở sẽ tiếp tục đề xuất các cấp, ngành xem xét và sớm ban hành sửa đổi, áp dụng hệ thống thang, bảng lương và các chính sách đãi ngộ, thu hút đủ lớn để khuyến khích cán bộ y tế về làm việc, đặc biệt tại tuyến cơ sở, hệ dự phòng; đề xuất HĐND, UBND tỉnh ban hành các chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo mạnh hơn để phát triển nguồn nhân lực ngành Y tế một cách bền vững, đặc biệt là y tế cơ sở…
Sở Y tế cũng sẽ tiếp tục quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế; huy động các nguồn lực khác của xã hội để hỗ trợ vật chất cho viên chức y tế nhằm giảm bớt khó khăn; đầu tư cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho cán bộ, viên chức y tế; tăng cường tổ chức các buổi giới thiệu việc làm để kết nối cung - cầu giữa sinh viên và cơ sở tuyển dụng nhân lực./.