Kinh tế

Lợi ích ‘kép’ từ chương trình hỗ trợ sinh kế

Hoài Thu - Thanh Phúc 19/11/2024 15:25

Hỗ trợ bò sinh sản là một trong những nội dung thuộc các dự án của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang phát huy hiệu quả. Ghi nhận tại các huyện Quỳ Hợp, Quế Phong cho thấy, đây đang là động lực giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên khấm khá, giúp địa phương tăng hiệu quả xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Giảm nghèo nhờ nguồn sinh kế hỗ trợ

Thăm ngôi nhà của anh Bùi Văn Điền ở xóm Cồn Tô nằm ngay cạnh trục đường chính của xã Hạ Sơn (Quỳ Hợp), một trong những hộ được hỗ trợ bò giống từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi năm 2023, dễ nhận thấy sự khởi sắc về kinh tế của gia đình này. Bởi ngoài ngôi nhà khá khang trang, thì khu vực chăn nuôi của gia đình vợ chồng anh Điền cũng rất sạch sẽ, vững chãi. Khu chuồng trại dùng để nuôi bò vỗ béo nên anh Điền đầu tư xây thêm máng để thức ăn, máy xay cỏ và cả một vùng trồng cỏ voi ngay gần nhà.

bna_3086-aa4d1ba5c0f3e91049521dcca5cf2737.jpg
Hộ gia đình anh Bùi Văn Điền ở xóm Cồn Tô chăm sóc bò giống được hỗ trợ từ nguồn chương trình MTQG. Ảnh: Thanh Phúc

Anh Bùi Văn Điền cho biết: "Từ khi được hỗ trợ bò giống, trồng thêm cỏ voi, gia đình có thêm nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm khi bò sinh sản. Vợ chồng tôi rất phấn khởi, hăng hái lao động sản xuất”.

Nói thêm về sự khích lệ tích cực từ chương trình hỗ trợ bò giống tại xã Hạ Sơn dành cho các hộ nghèo, cận nghèo, xóm trưởng xóm Cồn Tô - anh Cao Văn Trọng cho biết, sau 2 năm triển khai hỗ trợ bò giống tại xã Hạ Sơn, riêng xóm Cồn Tô đã có 10 hộ được nhận bò. Trong đó, 3 hộ có bò đã sinh sản, thêm nguồn sinh kế mới, tạo động lực cho bà con tiếp tục chăn nuôi, sản xuất phát triển kinh tế gia đình.

bna_3097.jpg
Năm 2024, người dân xóm Cồn Tô, xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp được hỗ trợ 10 con bò giống để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Hoài Thu

Tương tự, tại xóm Xuân Sơn của xã Hạ Sơn, ông Trương Xuân Tẳm năm nay đã hơn 70 tuổi cho biết, từ khi vợ chồng ông được hỗ trợ 1 con bò giống dịp đầu năm 2024, giúp ông bà và cô con gái có thêm động lực trong cuộc sống. Các thành viên đều cần mẫn chăm sóc nguồn sinh kế của cả gia đình. Chuồng trại nuôi bò được bố trí cách 2 gian nhà chính của ông bà chỉ vài trăm mét, song hầu như không có mùi lạ vì được quét dọn thường xuyên.

Ông Trương Xuân Tẳm và vợ cũng đã hơn 70 tuổi, hiện sống cùng con gái đã hơn 40 tuổi. Con gái của ông Tẳm về ở với bố mẹ khi chồng mất, không có con cái.

“Khi chưa được hỗ trợ bò giống, thu nhập của vợ chồng ông Tẳm và con gái chỉ phụ thuộc vào bán rau, quả trồng trong vườn nhà và nuôi thêm vài con gà, 2 con lợn. Từ khi được hỗ trợ bò giống, gia đình ông trồng thêm cỏ voi, tận dụng các loại rau, củ, quả trồng được vỗ béo cho vật nuôi nên bò phát triển khỏe mạnh và sắp sinh sản, thêm “cần câu cơm” cho gia đình” - chị Hoàng Thị Liên, cán bộ thú y xã Hạ Sơn cho biết.

bna_3073.jpg
Niềm vui của gia đình ông Trương Xuân Tẳm khi được tặng “nguồn sinh kế” mới. Ảnh: Hoài Thu

Ông Trương Văn An - Chủ tịch UBND xã Hạ Sơn cho biết, hiện nay Hạ Sơn còn 22,4% hộ nghèo. Hàng năm, dù tỷ lệ hộ nghèo chưa giảm nhiều, song nhờ những nguồn hỗ trợ từ các chương trình MTQG, như các tiểu dự án hỗ trợ cây, con giống đã giúp hàng chục hộ dân của xã có thêm nguồn sinh kế mới, từng bước thoát nghèo.

Trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, giai đoạn 2019 - 2024, UBND huyện đã triển khai chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế tại 13 xã khu vực III và 7 xã khu vực I có 22 thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn cho các hộ nghèo và cận nghèo trên 7,5 tỷ đồng. Với số kinh phí được hỗ trợ, huyện đã cấp được 464 con bê cái địa phương và bê cái lai sind, tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho hơn 500 hộ dân... Nhờ đó, giúp cho giá trị tăng thêm bình quân năm 2023 của toàn huyện đạt 49,19 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo giảm còn 11,68%.

Phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công

Không chỉ ở Quỳ Hợp, trên địa bàn huyện Quế Phong cũng tạo được nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội từ những hỗ trợ của các chương trình MTQG. Thực hiện các tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, năm 2023 và đầu năm 2024, huyện Quế Phong đã cấp 806 con bò, 420 con lợn, 4.800 con vịt bầu Quỳ và hàng nghìn con giống thủy sản, các loại cây trồng khác cho gần 1.000 hộ nghèo, cận nghèo với tổng số tiền xấp xỉ 11 tỷ đồng.

Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đoạn 2021- 2030 có tổng vốn thực hiện tối thiểu là hơn 335.000 tỷ đồng trên cả nước. Mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu thu nhập bình quân của người DTTS tăng ít nhất 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%. Trong đó, giai đoạn I (2021-2025) được cụ thể hóa tại Quyết định 1719/QĐ-TTg.

bna_xd.png
Người dân xã Đồng Văn, huyện Quế Phong làm đường giao thông nông thôn từ nguồn hỗ trợ của chương trình MTQG và sự đóng góp của nhân dân. Ảnh: Hoài Thu

Nghệ An triển khai các Chương trình MTQG giai đoạn 1 theo Quyết định 1719 với 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung hỗ trợ đầu tư, có 8 sở, ngành và 12 huyện, thị xã được giao chủ trì, quản lý, tổ chức thực hiện. Mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm khoảng 1-1,5% toàn tỉnh và vùng miền núi 2-3%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm. Bên cạnh việc phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững, Nghệ An đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, các huyện miền Tây có 80% số thôn bản đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2 - 3%.

Trao đổi về kết quả triển khai các chương trình, dự án đầu tư công trung hạn đối với các chương trình MTGQ trên địa bàn tỉnh, ông Vi Mỹ Sơn - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 giao các đơn vị địa phương thực hiện chương trình này là hơn 2.649 tỷ đồng. Trong đó, các năm 2022 và 2023, HĐND tỉnh đã giao nguồn ngân sách Trung ương là hơn 1.124 tỷ đồng. UBND tỉnh phân bổ đến các đơn vị, địa phương hơn 1.124 tỷ đồng, đạt 99,98% kế hoạch HĐND tỉnh giao.

Nghệ An là 1 trong 6 tỉnh đầu tiên của cả nước ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công và cơ chế huy động, lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Nhờ đó, các địa phương, đơn vị đã phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Mới nhất

x
Lợi ích ‘kép’ từ chương trình hỗ trợ sinh kế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO