Lời kêu cứu của góa phụ trẻ bị ung thư giai đoạn cuối

(Baonghean.vn) - Chồng mất đột ngột để lại cho chị Nguyễn Thị Dung hai đứa con thơ và khoản nợ lớn. Khi mọi khó khăn đang chồng chất thì góa phụ trẻ đau đớn phát hiện mình bị ung thư giai đoạn cuối, kèm theo đó là bệnh hở van tim, hở cuống phổi, viêm gan B tiềm ẩn.

Vừa trở về từ Bệnh viện Ung bướu Nghệ An sau đợt chuyền hóa chất, gương mặt chị Nguyễn Thị Dung (28 tuổi), trú xóm 12, xã Quỳnh Thanh (huyện Quỳnh Lưu) phờ phạc. Mái tóc dài ngày nào của chị cũng bị cắt đi để chuẩn bị cho những ngày tháng đau đớn. Cố không rơi nước mắt trước mặt hai đứa con thơ, chị Dung buồn rầu: “Cứ nhìn hai anh em nó là lòng tôi lại quặn thắt. Các cháu đã thiệt thòi khi mồ côi bố, giờ tôi mà có mệnh hề gì không biết ai sẽ nuôi chúng nó”.

Nhắc lại chuyện buồn, chị Dung nghẹn ngào, giữa năm 2015, sau thời gian dài tích góp, hai vợ chồng cất được căn nhà nhỏ. Nhưng đi đôi với niềm vui có gian nhà mới là gánh nặng nợ nần. Trước áp lực kinh tế, chị Dung quyết định ôm đứa con thứ hai mới hơn 1 tuổi vào miền Nam làm thuê, còn chồng ở nhà làm ruộng, nuôi con trai đầu. Nghiệt ngã thay, khi chị Dung lãnh tháng lương đầu tiên được vài ngày thì chồng bị điện giật chết. “Nghe hung tin, tôi vừa khóc vừa ôm con bắt xe về quê chịu tang chồng. Anh ấy ra đi quá đau đớn, không một lời từ biệt vợ con”, giọng chị Dung nghẹn lại.
Chồng mất, giờ đây chị Dung lại mắc phải căn bệnh ung thư quái ác. Ảnh: Trần Vũ
Chồng mất, chị Dung lại mắc phải căn bệnh ung thư quái ác. Ảnh: Trần Vũ
Chôn cất cho chồng xong, góa phụ ấy ở nhà nuôi hai đứa con thơ. Tuy nhiên, vì nợ nần nên sau tết năm 2016, chị đành gạt nước mắt gửi con trai cho ông bà nội nuôi, ôm con gái vào miền Nam làm thuê.
Thế nhưng, bệnh tật vẫn tiếp tục bủa vây gia đình chị. Cô con gái theo mẹ đi làm đột nhiên ngã bệnh, phải nhập Bệnh viện Nhi đồng 1. Chi phí ăn uống, thuốc men đắt đỏ, người thân lại không có nên sau gần 1 tháng cầm cự, hai mẹ con đành bắt xe về quê. Lần nằm viện đó tốn hơn 30 triệu đồng.
Giấy chứng nhận hộ nghèo của gia đình chị Nguyễn Thị Dung
Giấy chứng nhận hộ nghèo của gia đình chị Nguyễn Thị Dung. Ảnh: Trần Vũ
Về quê, chị may mắn được hợp đồng nấu ăn cho trường mẫu giáo trên địa bàn. Tiền lương không nhiều nhưng cái chính là chị được ở bên chăm sóc hai đứa con thơ đã mồ côi bố.
Khi hợp đồng một năm với nhà trường đã hết, chị lại tất bật đi tìm công việc mới. Cũng trong thời gian này, chị thấy sức khỏe giảm sút, mệt mỏi trong người, chán ăn, cổ họng đau mỗi khi nuốt nước miếng và hay đau lưng... Thế nhưng, vì hoàn cảnh, chị chỉ uống vài liều thuốc cảm cho qua chuyện rồi âm thầm chịu đựng.
Mãi đến tháng 3/2018, chị Dung mới quyết định đến Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu thăm khám. Tại đây, chị được chỉ định vào Vinh gấp. “Lúc đó, dù bác sỹ không nói rõ nhưng tôi có linh cảm chuyện chẳng lành”, chị nói.
Ngay ngày hôm sau, chị đành gửi hai đứa con nhỏ cho người thân rồi bắt xe vào Bệnh viện Ung bướu Nghệ An khám. Câu nói bị ung thư hạch thể amidan giai đoạn 3 khiến chị Dung sụp đổ. “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến hai đứa con thơ. Chúng nó đã mất bố rồi, giờ tôi mà ra đi nữa thì không biết ai sẽ chăm chúng nó”, chị nghẹn ngào.
Giấy tờ liên quan đến bệnh ung thư của chị Dung
Giấy tờ liên quan đến bệnh ung thư của chị Dung. Ảnh: Trần Vũ
Đau đớn vẫn chưa dừng lại ở đó khi chị còn được bác sỹ chẩn đoán bị hở van tim, hở cuống phổi và viêm gan B tiềm ẩn. Chị Dung chia sẻ, các bác sỹ cho hay bệnh ung thư đã nguy hiểm, lại thêm bệnh về tim, phổi, gan khiến việc điều trị càng khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu. Do không thể can thiệp bằng dao kéo nên phác đồ điều trị của chị Dung chỉ truyền hóa chất.
Nhìn hai đứa con thơ đang hồn nhiên chơi đùa, chị Dung buồn lòng: “Hôm qua, khi tôi từ bệnh viện trở về, con gái liền thủ thỉ: “Mẹ ơi, mẹ chết thì con ở với ai”. Nghe con nói mà lòng tôi quặn thắt. Chẳng lẽ, ông trời nỡ để hai đứa con của tôi mồ côi cả bố lẫn mẹ”.
Dù đau buồn, nhưng góa phụ trẻ vẫn cố lấy lại tinh thần để chống chọi với bệnh tật. “Giờ đây, tôi phải sống vì hai đứa con. Đó cũng là động lực duy nhất để tôi vững lòng điều trị căn bệnh quái ác này”, góa phụ trẻ nói.
Ông Hồ Thế Viên, trưởng xóm 12 xác nhận hoàn cảnh chị Nguyễn Thị Dung thuộc diện hộ nghèo. "Chồng mất, hai con hay đau ốm, nay chị Dung lại mắc bệnh hiểm nghèo nên rất cần sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng”, ông Viên chia sẻ.
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ chị Nguyễn Thị Dung, xóm 12, xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. SĐT:  01638668861. Hoặc, Phòng Phát Hành - Công tác xã hội - Báo Nghệ An, số 03, Đại lộ Lênin - TP. Vinh - Nghệ An.

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.