Lời khen của Thủ tướng và phép thử lãnh đạo miền Trung
Mưa lũ tại các tỉnh miền Trung là “phép thử” chèo lái của lãnh đạo địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về tình hình mưa lũ tại miền Trung. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Ngày 17/12, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung.
Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh tình hình mưa lũ tại các tỉnh miền Trung đang diễn biến hết sức phức tạp. Đại diện Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong bản tin dự báo mưa lũ của mình, lần đầu tiên dùng cụm từ “lũ đặc biệt lớn”.
Còn theo báo báo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ giữa tháng 10/2016 đến nay, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, những nơi vừa hứng chịu đợt hạn hán lịch sử kéo dài, đã gặp liên tiếp 5 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng với cường độ cực đoan, bất thường và kéo dài.
Tổng lượng mưa tập trung trong khoảng 2 tháng qua tại nhiều nơi lớn hơn trung bình cả năm, đặc biệt một số khu vực mưa trên 2.500 mm như: Trà My (Quảng Nam) 2.611 mm, Minh Long (Quảng Ngãi) 2.729 mm.
Mưa lớn đã làm lũ trên các sông lên cao ở mức báo động 3, có nơi trên báo động 3. Nhiều khu vực xấp xỉ mức lũ lịch sử như ở sông Vệ, sông Kôn, sông Ba. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đã đầy nước, đang phải xả lũ. Nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt do ngập lụt, sạt lở. Sản xuất bị đình trệ. Đời sống trong vùng thiên tai gặp vô cùng khó khăn và tổn thất nặng nề.
Những ngày qua, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã liên tục có những chỉ đạo hết sức quyết liệt về ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ. Thủ tướng đã ban hành Công điện số 2263/CĐ-TTg về vấn đề này. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo tại chỗ để cùng địa phương khắc phục hậu quả nặng nề do lũ lụt gây ra.
Đặc biệt, Thủ tướng đã gửi thư khen các cô giáo trường Mầm non xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đã cứu giúp và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các cháu học sinh trong khi lũ về nhanh, gây ngập lụt nghiêm trọng tại trường, với tinh thần “thà cô chết chứ không để trò chết”. Điều đó thể hiện lòng dũng cảm, trách nhiệm và tình người sâu sắc.
Nay, tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cấp, các ngành trước hết phải ứng phó, cứu hộ, cứu nạn kịp thời, không để thiệt hại tiếp tục xảy ra. Tập trung cứu dân, không để người dân bị đói, khát, dịch bệnh. Giúp người dân dựng lại nhà cửa, không để người dân lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Từng tỉnh, thành phố huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần không để người dân phải chờ đợi.
Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng, phòng chống mưa lũ là điều kiện để thử thách khả năng lãnh đạo của các địa phương, “xem các đồng chí có sát dân không, có sáng tạo không, có quyết liệt không”, để làm sao khắc phục sớm hậu quả thiên tai, ổn định đời sống người dân.
Các cô giáo trường mầm non An Hiệp đã nêu một tấm gương sáng về tinh thần hết lòng vì học trò. Cũng tương tự như vậy, trong mưa lũ, điều người dân cần nhất có lẽ là một điểm tựa vững chắc từ chính quyền. Lời nhắc nhở của Thủ tướng - cũng như lời khen của ông với các cô giáo - đang đặt ra những yêu cầu dứt khoát với các cấp chính quyền. Một chính quyền phục vụ, do dân, vì dân, không có gì thể hiện rõ ràng hơn tinh thần, trách nhiệm với người dân trong những thời điểm căng thẳng như trên đỉnh lũ.
Theo baochinhphu.vn
TIN LIÊN QUAN |
---|