Lời nói tựa đao gươm…
(Baonghean.vn) -Hai chuyện dậy sóng Facbook tuần qua có một điểm chung, đó là đều phải gánh chịu thị phi cay nghiệt của người đời. Thị phi không hình không ảnh mà sắc bén hơn tất thảy vũ khí trên thế gian này. Lời nói tựa dao găm, tựa gươm sắc, thoả sức buông tuồng vung vãi mà không màng hậu quả.
Tuần qua, có hai chuyện “hot” nhất mạng xã hội đều liên quan đến tình cảm: một là đám hỏi của doanh nhân nổi tiếng với nữ diễn viên được nhiều người biết đến; hai là những chia sẻ chân thành sau khi đăng quang của một hoa hậu về bạn trai của mình. Đúng ra, cả hai đều là chuyện vui, song buồn thay, mạng xã hội như một cái phường nhuộm mà khi đi qua bao miệng lưỡi người đời, mọi sự việc dường như đều bị đổi màu!
“Nhìn như đắp mộ cuộc tình”, “Thiết kế thuỷ chung đầy âm vực”, “Lùm xùm như bia mộ”… là một vài trong hằng hà sa số những bình luận khiếm nhã về thiết kế không gian lễ ăn hỏi của cặp đôi nổi tiếng. Nhiều nhà thiết kế tiệc cưới cho biết, thiết kế ấy được lấy cảm hứng từ phong cách Indochine - sự kết hợp giữa hai nền văn hoá Đông - Tây, với tone màu trắng và xanh, tạo cảm giác mát mẻ, hoa sen gợi lên sự thanh tao, dịu dàng của người con gái Việt Nam truyền thống, những khóm trúc hàm ý chỉ người quân tử… Indochine cũng là phong cách thiết kế mà nữ diễn viên yêu thích, bởi qua hình ảnh chia sẻ trên facebook, có thể thấy căn hộ chung cư mà cô đang ở nhiều năm nay cũng được thiết kế đồng bộ theo cảm hứng như vậy.
Nói thêm như vậy cho rõ, còn thì rốt cuộc thiết kế ấy xấu hay đẹp, sang trọng hay quê mùa, ấn tượng hay nhạt nhoà… thì tuỳ thẩm mỹ của mỗi người cảm nhận. Thiên hạ chín người mười ý, chẳng ai có thể áp đặt ý chỉ chủ quan của mình lên bất cứ ai khác, nhất là những chuyện liên quan đến sở thích. Điều đáng nói ở đây là thái độ cư xử với chuyện vui nhà người.
Ông bà ta xưa đã dạy: “Không ai khóc đám cưới, không ai cười đám ma”, ẩn ý rằng cưới hỏi là chuyện vui trong đời, song trong quá trình tổ chức khó có thể thoả mãn, chiều ý tất cả, nên có gì thì vui vẻ bỏ qua; tương tự, việc hiếu đễ luôn cần thông cảm, bởi lúc gia sự bối rối tất có chỗ chưa được chu toàn… Sâu xa hơn, cưới và tang là hai việc lớn trong đời, ai cũng tất yếu phải trải qua, những lời dạy về thái độ cư xử đúng mực cũng chính là ngầm nhắc nhở mỗi người chừa lại đường lui cho chính mình, bởi “cười người hôm trước, hôm sau người cười”.
Lời ít ý nhiều, người Việt từ khi còn bé, chắc hẳn đều được mẹ cha bảo ban như vậy. Thế mà trong cái thời đại mạng xã hội lên ngôi này, những bộ não nhanh nhạy được tiếp sức bởi những phím bấm vô cảm, dấy thêm lên khoái cảm đám đông, để rồi cứ thế vô tư đăng tải những dòng chê bai, bỉ bôi cay nghiệt đến đáng sợ! Người thì bảo là đáng đời lắm, vừa lòng lắm (bởi cô dâu bị cho là “người thứ ba”); người thì độc địa dự đoán thời gian sớm nở tối tàn của mối quan hệ; có người thậm chí còn… làm thơ con cóc, với vần điệu mỉa mai giễu cợt, tưởng thế là hài hước…
Tương tự, chuyện hoa hậu vừa đăng quang ở tuổi 21 công khai bạn trai, chân thành sẻ chia về mối tình 6 năm của mình cũng tạo làn sóng dư luận vượt tầm kiểm soát. Người chúc phúc thì ít, người cười cợt thì nhiều. Hình ảnh bạn trai hoa hậu bị cư dân mạng tìm thấy chỉ trong chớp mắt, gán ghép đủ thứ biểu cảm lên khuôn mặt. Mối tình thanh xuân đẹp đẽ qua bàn phím người đời, biến thành thứ tình cảm trẻ con không được coi trọng. Nào là “thế là mất người yêu rồi anh gì ơi”, nào là “hạnh phúc mong manh”, nào là “hoa hậu phải yêu đại gia mới xứng”…
Khi hồn nhiên chia sẻ về tình cảm riêng tư của mình, chắc hẳn nàng hậu cũng chỉ đơn thuần nghĩ rằng mình đang nói lên sự thật, và cô ấy công khai điều đó một cách đầy tự hào, không giấu diếm. Đó là thái độ sống tích cực, thẳng thắn và trách nhiệm của một GenZ điển hình. Song, dường như cuộc đời nhiều biến cố khiến niềm tin trong phần lớn cư dân mạng vợi đi, nên sau phát ngôn ấy, tràn ngập mạng xã hội là những nhận xét, đoán định thiếu văn minh, kém duyên, thậm chí phải nói là vô văn hoá!
Hai chuyện dậy sóng Facbook tuần qua có một điểm chung, đó là đều phải gánh chịu thị phi, miệng lưỡi cay nghiệt của người đời. Thị phi không hình không ảnh mà sắc bén hơn tất thảy vũ khí trên thế gian này. Lời nói tựa dao găm, tựa gươm sắc, thoả sức buông tuồng vung vãi mà không màng hậu quả. Ẩn sau những màn hình lấp loá, những bàn phím vô tri, những tài khoản ảo không xác thực danh tính, tâm địa ác nghiệt cứ thế tuôn ra, chẳng bận tâm vài dòng bình luận của mình sẽ khiến người khác chịu áp lực, đau khổ đến nhường nào. Áp lực cuộc sống dường như dồn nén, tích tụ trong tâm trí, để rồi khi lên mạng xã hội, họ bung toả, xả những sân hận lên không gian ảo, nói cho sướng mồm đã miệng, bạ đâu nói đó. Mạng xã hội là nơi thể hiện chính kiến, nhưng đồng thời nó còn là con dao hai lưỡi: muốn chứng tỏ ta đây là người hiểu biết, kẻ thông tường đạo lý hơn người. Vậy nên, chỉ chực chờ có sự việc gì hot là nhảy vào bình bàn, phân tích, nói theo kiểu cho bõ tức, cho hả lòng hả dạ, thậm chí a dua vô thức theo tâm lý đám đông.
Nhà Phật có khái niệm ác ngữ, khẩu nghiệp. Nghe Phật pháp giảng về những hậu quả mà người ác ngữ phải gánh chịu thật đáng sợ biết bao. Một lời ác ngữ trong đời sống thực có thể gây phiền toáiđến một hay vài ba người khác; nhưng trên mạng xã hội, hệ quả của ác ngữ, của những nút like, share còn kinh khủng hơn nhiều, có thể nhân thành hàng vạn, thậm chí hàng triệu lời ác ngữ khác. Và như vậy, cái khẩu nghiệp của một người có thể cuốn vô số người khác bị khẩu nghiệp theo. Kể cả khi không là Phật tử, không biết đến và không tin vào những triết lý sâu xa, thì điều hiển nhiên mà một con người tử tế sống trong đời sống bình thường cần phải ngẫm nghĩ, đó là “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Vì lời nói có thể toả hương, cũng có thể là đao gươm sắc bén…