Lời ru buồn giữa đại ngàn Pù Mát

Ở các bản Cò Phạt và bản Búng (xã Môn Sơn, Con Cuông), người dân cho rằng 18 tuổi mà chưa lấy chồng là ế. Có trường hợp cả mẹ lẫn con đều kết hôn ở tuổi 13, khi chưa hề có một chút kiến thức cơ bản để làm mẹ.

Ngày cuối tháng 5, trong căn nhà sàn xiêu vẹo ở bản Cò Phạt (xã Môn Sơn, Con Cuông), chị Lương Thị Th. (31 tuổi) nói rằng, giá như thời gian quay trở lại, chị sẽ không kết hôn sớm như vậy. Chỉ mới ngoài 30, nhưng với khuôn mặt đen nhẻm, lộ rõ vẻ khắc khổ, chị Th. trông già hơn rất nhiều so với tuổi. Bốn năm trước, chị Th. chính thức được “lên chức” bà ngoại khi vừa tròn 27 tuổi.

Sinh năm 1987, chị Th. kể rằng, hồi nhỏ, cũng như nhiều đứa trẻ khác trong bản, chị không được đi học.

Những đứa trẻ cứ thế lớn lên tự nhiên như cây pơ mu trong rừng, con cá ở dưới suối.

Chị Th. vì thế chẳng viết nổi tên mình. Năm 2000, khi vừa tròn 13 tuổi, Lương Thị Th. được bố mẹ gả cho một người đàn ông trong bản lớn hơn một giáp. Gần một năm sau, chị sinh người con gái đầu lòng Lương Thị M., khi vừa bước sang tuổi 14. “Lúc đó mình chẳng nghĩ gì cả. Cứ yêu thì cưới. Về nhà chồng mới bắt đầu học làm vợ, làm mẹ”, chị Th. kể.

Gia đình chồng cũng nghèo, phải chạy ăn từng bữa, cuộc sống của chị Th. những ngày về làm dâu chủ yếu ở trên nương, trên rẫy. Những ngày không làm mùa, hai vợ chồng lại kéo nhau vào rừng làm thuê. Họ làm “thợ đụng”, tức đụng việc gì làm nấy, miễn có người thuê. Phần lớn trong số tiền ít ỏi kiếm được, vợ chồng chị Th. dành dụm cho hai con ăn học, với hy vọng lớn lên sẽ thoát được cái nghèo, cái khổ. Tuy nhiên, năm 2014, khi đang còn học lớp 6, cô con gái đầu lòng của họ bất ngờ bỏ học. Lương Thị M. lúc đó chỉ chưa đầy 13 tuổi. M. đòi bố mẹ cho lấy chồng.

“Mẹ lấy chồng sớm đã khổ rồi nên tôi cũng không muốn cuộc sống của nó sẽ như mình. Nhưng vì hai vợ chồng thường xuyên vắng nhà làm thuê, không thể quản lý nổi con”, chị Th. kể. Mặc dù chỉ chưa đầy 13 tuổi nhưng M. phổng phao, trắng trẻo. M. lớn trước tuổi, xinh như bông hoa rừng giữa đại ngàn Pù Mát. Cô được mệnh danh là hoa khôi của cả hai bản.

Những năm đó, chính quyền địa phương đang đầu tư xây dựng để mở một con đường nhỏ đi vào bản Cò Phạt và bản Búng. Hàng chục công nhân cầu đường được đưa lên đây để thi công. Nhà Lương Thị M. ở ngay bên đường, bố mẹ hay vắng nhà nên thường xuyên qua lại với đám công nhân. Chỉ không lâu sau, M. có tình cảm với một trong những công nhân làm đường đó.

Cậu ta tên Định, cũng rất trẻ. Quê ở tận Quỳnh Lưu. Tôi cũng đã xuống nhà nó chơi một lần, họ rất giàu”, mẹ Th. nói và cho hay, khi M. bất ngờ bỏ học, gặng hỏi mãi, vợ chồng chị Th. mới tá hỏa khi biết được cô con gái đã mang bầu nhiều tháng với cậu công nhân cầu đường vẫn hay ghé nhà chơi.

Những tưởng đám cưới của đôi trẻ sẽ được tổ chức thì cậu công nhân nhanh chóng “cao chạy xa bay”.

Kể từ ngày nhận được tin bạn gái nhí mang bầu, cậu ta cũng mất tích khi con đường lên bản còn chưa kịp làm xong. Cái thai trong bụng cứ thế ngày một lớn, trong khi “chủ nhân” của nó thì vẫn biệt tăm. Đến tháng 9/2014, Lương Thị M. sinh được một cậu con trai kháu khỉnh. Lúc này, chị Th. chính thức làm bà ngoại khi ở tuổi 27, còn con gái vừa tròn 13. “Lúc đó, công an cũng vào đây lấy lời khai của chúng tôi về cậu công nhân đó, nhưng từ đó đến nay không thấy tin tức gì thêm”, chị Th. kể.

Mặc dù chưa được mặc áo cưới, hay cầm trên tay tời giấy đăng ký kết hôn, nhưng đối với người dân nơi đây, M. đã phải mang tiếng có một đời chồng. Có con khi còn quá trẻ, vì thế mà mọi công việc lại đổ dồn lên vai bà ngoại. Từ những việc đơn giản nhất như cho con bú, M. vẫn còn rất vụng về.  Một năm sau khi sinh con trai, trong một lần đi dự đám cưới, M. quen biết với người đàn ông ở một xã tái định cư thuộc huyện Thanh Chương. Chỉ hơn một tuần sau ngày đầu gặp gỡ, Lương Thị M. quyết định “đi bước nữa”. Nhưng bước đi này của cô sơn nữ nổi tiếng xinh đẹp lại còn tồi tệ hơn bước trước.

“Cưới nhau được vài tháng thì nó phát hiện chồng nghiện ma túy nặng, chẳng chịu làm ăn mà suốt ngày chích hút. Trong khi gia đình nhà chồng cũng rất khó ở nên quyết định bỏ. Nó lại đành phải bế con về gửi cho tôi rồi vào miền Nam làm công nhân”, chị Th. kể. Làm công nhân ở đây được một thời gian, M. có tình cảm rồi về sống chung với đồng nghiệp quê ở huyện Yên Thành. Năm 2017, cả hai dắt nhau về quê chồng sinh sống. Hiện nay, M. đang mang thai đứa thứ 2. Cô chính thức trải qua ba đời chồng khi tuổi vừa tròn 16.

Nói về trường hợp này, bà Vy Thị Lý – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Môn Sơn cho biết, do chưa đủ tuổi nên Lương Thị M. không lên đăng ký kết hôn nên chính quyền không phát hiện được. “Chúng tôi cũng đã tuyên truyền, vận động người dân không tảo hôn nhưng đối với những bản này thì không mấy hiệu quả”, bà Lý nói.

Cách bản Cò Phạt của chị Th. chưa đầy 5 km là bản Búng. Nơi tình trạng tảo hôn cũng dai dẳng suốt nhiều năm qua. Người dân ở đây cho rằng, con gái 18 tuổi vẫn chưa lấy chồng được xem là ế.

Năm nay chỉ chưa đầy 29 tuổi nhưng Lê Thị Xuân đã kịp có đến 5 người con. Đứa đầu 13 tuổi, đứa nhỏ nhất còn đang nằm trong nôi. Tuy nhiên, người phụ nữ này nói rằng, sắp tới vợ chồng chị còn đẻ tiếp.

“5 người con nhưng chỉ mới được một đứa con trai. Kiếm thêm đứa nữa cho chắc”, chị Xuân hồn nhiên nói.

Kết hôn từ rất sớm, không biết chữ, mọi kiến thức chăm sóc con cái chị còn chưa được rành. Vì vậy, việc nuôi con đối với chị Xuân rất vất vả. Từ khi lấy chồng đến nay, công việc của chị chủ yếu là đẻ và chăm sóc con. Cũng như nhiều phụ nữ khác trong đại ngàn Pù Mát này, khuôn mặt của chị Xuân già dặn hơn so với cái độ tuổi 30.

Tiếp chúng tôi khi tay bồng, tay bế, câu chuyện liên tục bị ngắt quãng bởi những đứa trẻ khóc quấy. Mỗi lần như vậy, chị Xuân chỉ biết vén áo cho con bú, dù lớn hay nhỏ. “Em lấy chồng lúc đó cũng 15 tuổi rồi, như vậy là còn muộn đấy. Ở đây con gái 18 tuổi mà không lấy chồng thì coi như ế”, chị Xuân nói.

Sinh sống trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát, nhà chỉ có ít ruộng nhưng thường xuyên không canh tác được vì thiếu nước. Cuộc sống của gia đình chị Xuân chủ yếu dựa vào nguồn trợ cấp của chính quyền và những đoàn từ thiện thi thoảng vào thăm. Từ khi kết hôn đến nay, hai vợ chồng chị Xuân sống chen chúc trong ngôi nhà chật chội của gia đình chồng.

Bản Cò Phạt và bản Búng sống tách biệt hoàn toàn với bên ngoài, người Đan Lai chỉ quẩn quanh trong một không gian nhỏ hẹp. Hôn nhân chủ yếu lại diễn ra giữa những người chung huyết thống. Ông Lê Văn Khai (60 tuổi), có đến 6 người con nhưng 5 người con gái lần lượt lấy chồng khi chưa đầy 17 tuổi.

5 năm trước, cậu con trai út Lê Văn Khoa lúc đó chỉ mới 18 tuổi cũng nằng nặc đòi gia đình cho cưới, người vợ cùng tuổi tên Lê Thị Hương. Không chỉ tảo hôn, hai vợ chồng Khoa còn được xem là hôn nhân cận huyết bởi hai người cùng một họ tộc.

“Ở các bản Đan Lai này chỉ có 2 họ là Lê và La. Trước đây thì hai họ lấy qua lấy lại, nhưng lấy dần rồi cũng hết. Trong khi chúng tôi ít giao tiếp với bên ngoài, nên đành phải lấy nhau trong họ vậy”, ông Khai nói. Hiện nay hai vợ chồng Khoa vẫn chưa dám đến chính quyền địa phương để đăng ký kết hôn vì sợ bị phạt.

Kết hôn từ khi còn quá trẻ, Khoa và Hương sống luôn trong nhà bố mẹ chồng để được chu cấp. Hàng ngày, Hương vẫn thường chơi đùa với đám trẻ con gần nhà. Trong khi đó, Khoa rong ruổi đi uống rượu với nhóm thanh niên trong bản. Đợi bố mẹ nấu cơm xong hai vợ chồng mới lên ăn.

Cách nhà ông Khai một quả đồi là nhà của phó bản Búng, anh Lê Văn Chín. Chín năm nay, chỉ mới 27 tuổi nhưng cũng đã kịp có tới 5 người con. Mặc dù là con trai của bí thư chi bộ bản Búng, nhưng từ khi 15 tuổi, Chín đã yên bề gia thất.

May mắn hơn nhiều thiếu nữ khác trong bản, chị Lê Thị Hoa (20 tuổi, bản Cò Phạt), trước đây được ăn học “đến nơi đến chốn”. Tuy nhiên, khi vừa chuẩn bị lên lớp 10, chị trúng tiếng sét ái tình của chàng trai cùng bản La Văn Nam. Lúc này, Hoa chỉ mới 16 tuổi còn Nam chưa đầy 18.

“Em cũng chưa muốn cưới, vì còn đang đi học. Nhưng lúc đó cái bụng đã to rồi nên về nhà chồng luôn”, Hoa nói. Từ biệt những người bạn học, Hoa thu dọn đồ đạc về sống với Nam. Chỉ vài tháng sau thì đứa con đầu ra đời. Tuy nhiên, không may, đứa con này bị bại não. Nhiều người cho rằng, đứa trẻ bị tàn tật là do Nam và Hoa kết hôn cận huyết. “Bọn em không phải cận huyết, hai họ khác nhau mà. Ở đây con anh, con em lấy nhau rất nhiều, nhưng nhà em thì không”, Nam một mực khẳng định. Chỉ sau đám cưới của Hoa ít tháng, người em gái Lê Thị Quai cũng theo chị kết hôn khi vừa đủ 13 tuổi.

Người Đan Lai nhỏ oặt, còi cọc một phần nguyên nhân chính cũng bởi xuất phát từ những đám cưới không đợi tuổi, hôn nhân cận huyết. Khi đã kết hôn, cũng chỉ có một số ít phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai. Những phụ nữ Đan Lai cho rằng, cứ đẻ đến khi nào không đẻ được nữa mới thôi. Đẻ đến khi nào nhà có 2-3 đứa con trai mới dừng lại.

Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Môn Sơn, từ năm 2011 đến nay, toàn xã có hơn 90 trường hợp tảo hôn. Trong đó phần lớn tập trung ở bản Cò Phạt và bản Búng. Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Đại – Phó Giám đốc Trung tâm Dân số và kế hoạch hóa gia đình huyện Con Cuông cho hay, một năm nay đơn vị không có thống kê về tình hình tảo hôn. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, toàn huyện có đến 28 trường hợp. Con số này của cả năm 2016 là 41. Tuy nhiên, trên thực tế những con số này lớn hơn nhiều.