Lội suối cõng con đến trường ở Chà Lúm

10/08/2017 16:04

(Baonghean.vn) - Vào mùa lũ học sinh và người dân ở xã rẻo cao Yên Tĩnh, huyện Tương Dương thường xuyên phải vượt suối trên những cây cầu tạm. Nhiều cha mẹ phải cõng con vượt suối tới lớp.

Nhiều năm qua, phần lớn học sinh tiểu học và mầm non ở bản Chà Lúm, xã Yên Tĩnh (Tương Dương) phải vượt dòng suối Chà Hạ để đến lớp. Con suối lớn nhất chảy qua bản là mối nguy hiểm rình rập đối với các học trò nhỏ ở bản người Thái này.

Bản Chà Lúm có 138 hộ sinh sống dọc 2 bên bờ suối rất khó khăn cho việc đi lại. Ảnh: Hữu Vi
Bản Chà Lúm có 138 hộ sinh sống dọc 2 bên bờ suối Chà Hạ rất khó khăn cho việc đi lại. Ảnh: Hữu Vi

Ông Pay Văn Thông, trưởng bản Chà Lúm cho biết, điểm trường này thành lập từ năm 1997. Năm học vừa qua bản có 65 học sinh tiểu học và 27 cháu mầm non. Cả bản có 7 phòng học.

Bản Chà Lúm có 138 hộ dân sinh sống dọc theo hai bên bờ suối Chà Hạ. Ngôi trường bản đặt ở phía hữu ngạn, dân cư ít hơn. “Số học sinh phía bên kia trường học chỉ bằng 1/3 phía bên này.” - ông Thông cho biết.

Trường Tiểu học và Mầm non bản Chà Lúm đều nằm phía bên kia suối khiến hàng chục học sinh muốn đến trường phải có người lớn cõng qua. Ảnh: Đào Thọ
Trường Tiểu học và Mầm non bản Chà Lúm đều nằm phía bên kia suối khiến hàng chục học sinh bên này muốn đến trường phải có người lớn cõng qua. Ảnh: Đào Thọ

Là người sinh ra và lớn lên ở bản Chà Lúm, theo ông Thông, việc cha mẹ cõng con qua suối đi học đã diễn ra từ 20 năm nay và chưa có gì thay đổi. Khi đến lớp hay cần việc gì đó, người lớn phải cõng trẻ em vượt suối. Trong khi đó suối Chà Hạ luôn tiềm ẩn nguy cơ lũ ống, lũ quét.

“Trong một năm học, không dưới một lần, các thầy cô giáo phải thông báo cho học sinh nghỉ học dài ngày. Có khi lên dến 2 tuần” - trưởng bản Chà Lúm thông tin thêm.

Một cây cầu tạm bắc qua suối bị lũ cuốn trôi sau cơn bão số 2. Ảnh: Hữu Vi
Một cây cầu tạm bắc qua suối bị lũ cuốn trôi sau cơn bão số 2. Ảnh: Hữu Vi

Không có cầu không chỉ gây bất tiện cho học sinh tới lớp, các hộ dân ở phía bên kia suối gần như bị cô lập hoàn toàn khi có lũ lớn. “Trong đợt lũ do cơn bão số 4 năm ngoái (2016) các hộ dân phía bên kia suối bị cô lập một tuần liền. Nhiều nhà phải vòng vào bản Na Cáng cách 1,5km để đi mua gạo” - ông Pay Văn Thông nói.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Tĩnh 2 cho biết: Đầu mỗi năm học cán bộ giáo viên và phụ huynh học sinh đều phải làm cầu tạm vượt suối ở điểm trường bản Chà Lúm. Mỗi năm vài lần làm lại cầu tạm là chuyện rất thường tình ở điểm trường này.

Mẹ cõng con vượt suối. Ảnh: Đào Thọ
Mẹ cõng con vượt suối. Ảnh: Đào Thọ

Ông Vi Văn Khiêm - Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh cho biết: Hiện việc xây cầu vượt suối ở bản Chà Lúm chỉ mới nằm trong kế hoạch xây dựng trung hạn đến năm 2020 của huyện Tương Dương. Việc xây dựng như thế nào còn phải phụ thuộc huyện.

Yên Tĩnh là vùng rốn lũ của huyện miền núi Tương Dương. Trận mưa kèm với lũ quét năm 2009 đã khiến 5 người thiệt mạng. Trong đợt lũ tháng 9/2016 đã cuốn trôi nhiều nhà cửa, cơ sở vật chất gây thiệt hại nặng nề. Một số trường học trên địa bàn phải nghỉ học 2 tuần liền.

Hữu Vi - Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Lội suối cõng con đến trường ở Chà Lúm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO