Lòng dân thuận, cao tốc thông – Bài 1: Dự án trọng điểm quốc gia

Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đi qua Nghệ An với chiều dài khoảng 87,84km thuộc 2 dự án thành phần là Nghi Sơn – Diễn Châu và Diễn Châu – Bãi Vọt. Xác định tầm quan trọng của “siêu” dự án này, tỉnh Nghệ An và các cơ quan, ban, ngành, địa phương đã bằng nhiều giải pháp, quyết tâm dồn sức góp phần tạo ra diện mạo của một công trình trọng điểm quốc gia. Đặc biệt, với sự hỗ trợ, đồng hành của bà con nhân dân tại những nơi tuyến đường đi qua đã cho thấy khi lòng dân đã thuận thì không có khó khăn nào không thể vượt qua.

Ngày 21/1/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 140/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, nối từ Hà Nội đến Cần Thơ, với tổng vốn đầu tư trên 300.000 tỷ đồng. Tuyến cao tốc này có chiều dài khoảng 1.811km, bao gồm 16 đoạn tuyến, quy mô 4 – 8 làn.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Theo đó, Dự án có tổng chiều dài 654 km, gồm 11 dự án thành phần: Cao Bồ – Mai Sơn; Mai Sơn – Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 – Nghi Sơn; Nghi Sơn – Diễn Châu; Diễn Châu – Bãi Vọt; Cam Lộ – La Sơn; Nha Trang – Cam Lâm; Cam Lâm – Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo – Phan Thiết; Phan Thiết – Dầu Giây; cầu Mỹ Thuận 2. Trong đó, có 8 dự án đầu tư công và 3 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công – tư, đi qua địa phận 13 tỉnh, thành phố với tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và theo hình thức PPP. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án là 3.736ha, trong đó đất trồng lúa là 1.037ha. Giải phóng mặt bằng tất cả các dự án thành phần theo quy mô 6 làn xe, dự án Cam Lộ – Sơn La theo quy mô 4 làn xe như quy hoạch đã được phê duyệt.

Bản đồ hướng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Diễn Châu (Nghệ An).
Bản đồ hướng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Diễn Châu (Nghệ An).
Sơ đồ hướng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu (Nghệ An) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh).
Sơ đồ hướng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu (Nghệ An) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh).

Đến ngày 30/9/2020, với việc 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam gồm đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45, đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết và đoạn Phan Thiết – Dầu Giây đồng loạt được khởi công, trục cao tốc xuyên Việt đầu tiên của Việt Nam từng bước thành hình. Hiện nay, toàn bộ 11/11 dự án thành phần đã khởi công xây dựng, trong đó có 1 dự án là dự án Cao Bồ – Mai Sơn đã hoàn thành và đưa vào khai thác.

Việc xây dựng đường cao tốc Bắc Nam có ý nghĩa nhiều mặt, cả về kinh tế, chính trị, văn hóa. Cao tốc Bắc – Nam sẽ trở thành trục xương sống của mạng lưới giao thông quốc gia. Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định: “Khi dự án cao tốc Bắc – Nam hoàn thành, Việt Nam sẽ có được tuyến đường cao tốc tốt nhất đi qua nhiều địa phương, chạy dọc theo chiều dài đất nước, kết nối rất nhiều cảng biển, cảng hàng không lớn từ Bắc đến Nam. Đặc biệt, tuyến cao tốc này còn kết nối với nhiều tuyến Quốc lộ, khu vực xung quanh tuyến đường cao tốc, các địa phương có thể xem xét để quy hoạch lại khu kinh tế, khu công nghiệp, dựa vào lợi thế của đường cao tốc để phát triển kinh tế, tạo nguồn công ăn việc làm. Về lâu dài, cao tốc Bắc – Nam sẽ tác động rất lớn đến việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của các địa phương”.

Giải phóng mặt bằng ở xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai).
Giải phóng mặt bằng ở xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai).

Tuyến đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông có tổng chiều dài 2.063km được xác định là hành lang xương sống quốc gia trong thời kỳ mới. Khi công trình hoàn thành sẽ kết nối hai trung tâm chính trị – kinh tế – văn hóa lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Cao tốc còn đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, tác động đến 62,1% dân số, đóng góp 65,7% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 74% các cảng biển (loại I, II), 75% các khu kinh tế, kết nối với 16/23 cảng hàng không với 91% lưu lượng hành khách… Việc đầu tư, đưa vào khai thác toàn tuyến sẽ tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần  thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ thi công cao tốc Bắc-Nam tại Nghệ An. Clip: P.B - L.T

Sáng mùng 4 tết Nhâm Dần 2022, trong khi người dân vẫn đang vui Xuân, đón Tết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ trực tiếp kiểm tra tiến độ thi công dự án và chủ trì cuộc họp về dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam tại tỉnh Nghệ An. Điều này cho thấy, sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với công trình có ý nghĩa chiến lược, khẳng định vai trò, tầm vóc cùa một quốc gia trong xu thế hội nhập quốc tế. Hoạt động này của Thủ tướng cũng đồng thời nhắc nhở, thúc giục các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Nghệ An đặt quyết tâm cao để thi công dự án.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu. Ảnh: Nhật Bắc

Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đi qua Nghệ An với chiều dài 87,84km. Dự án có tổng mức đầu tư gần 7.500 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; thuộc 2 dự án thành phần đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu và dự án thành phần đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt. Dự án đi qua thị xã Hoàng Mai và 5 huyện: Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên. Trong đó, đi qua đất nông nghiệp 79,31km (90%); qua đất khu dân cư 8,53km (10%) và số hộ tái định cư khoảng 606 hộ. Trong số 6 địa phương ở Nghệ An mà cao tốc đi qua, huyện Diễn Châu có chiều dài nhất với 26,88 km; huyện Yên Thành ngắn nhất với 3,76 km (tại xã Đô Thành); huyện Hưng Nguyên có số hộ tái định cư nhiều nhất với 211 hộ và 12 khu tái định cư… Đây cũng là đoạn cao tốc có vốn đầu tư lớn nhất trong số 11 đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

San lấp mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai.
San lấp mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai.

Hai nhiệm vụ chủ yếu của Nghệ An trong thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa phương là giải phóng mặt bằng và cấp các mỏ đất, đá san lấp. Trong đó công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ khó vì tác động trực tiếp đến đời sống dân sinh.

Xác định tầm quan trọng của dự án, ngay sau khi Chính phủ khởi động, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tỉnh chỉ đạo tập trung ưu tiên thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Quá trình triển khai thực hiện UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để kịp thời chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương và cơ quan liên quan phối hợp tốt với Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) để giải quyết các khó khăn, vướng mắc và các vấn đề liên quan. Đồng thời UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện các dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Nghệ An (kiện toàn hàng năm).

Thi công hầm Trường Vinh đoạn qua xóm 7, xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai).
Thi công hầm Trường Vinh đoạn qua xóm 7, xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai).

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án 6 trong triển khai giải phóng mặt bằng và thực hiện các nhiệm vụ liên quan của địa phương đối với các dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đi qua địa phận tỉnh Nghệ An; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Ngày 3/7/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị về việc thực hiện công tác bồi thường GPMB Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An. Đến nay, công tác bồi thường GPMB đã cơ bản đã hoàn thành 87,54/87,84 km đạt 99,66%. Các địa phương cũng phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý công trình hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng đến dự án như: điện cao thế, trung thế và hạ thế; cáp viễn thông VNPT, Viettel, tín hiệu đường sắt…

Đối với việc cung cấp vật liệu xây dựng, đất đá, nhu cầu của dự án đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An là 13,5 triệu m3. Hiện trên địa bàn tỉnh có 47 mỏ đã được cấp phép hoạt động khoáng sản, tổng dự kiến trữ lượng đất đắp khoảng 70,96 triệu m3. Nhu cầu vật liệu đá của dự án là 2,68 triệu m3. Hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 75 mỏ đá xây dựng, trữ lượng mỏ khoảng 93,313 triệu m3, công suất khai thác 7,98 triệu m3/năm. Nhu cầu về cát sỏi của dự án là 3,026 triệu m3, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 61 mỏ cát, sỏi xây dựng, trữ lượng khoảng 21,165 triệu m3. Vì vậy, nhu cầu về vật liệu phục vụ thi công dự án đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An đáp ứng đảm bảo và kịp thời.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thi công dự án gặp một số vướng mắc, Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An (Nghi Sơn – Diễn Châu) phải thực hiện chuyển đổi đầu tư dự án, từ hình thức PPP sang hình thức đầu tư công. Cùng đó, quá trình triển khai dự án gặp nhiều vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, nguyên nhân chủ yếu là do chậm trễ trong công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, một số người dân chưa đồng thuận về giá đền bù. Khó khăn còn đến từ sự thiếu quyết liệt, chậm giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra của cấp ủy, chính quyền các địa phương…

(Còn nữa)

Thi công cầu bắc qua kênh Vách Bắc (Yên Thành).
Thi công cầu bắc qua kênh Vách Bắc (Yên Thành).