Lớp học chỉ có 1 học sinh đăng ký xét tuyển đại học

Mỹ Hà 26/04/2018 19:46

(Baonghean.vn) - Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Nghệ An có hàng chục ngôi trường có đến 70 – 100% học sinh không đăng ký vào đại học và có không ít lớp học, số học sinh đăng ký chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hoàng Quốc Khang là trường hợp đặc biệt và duy nhất trong tổng số 37 học sinh ở lớp 12 A5 - Trường THPT Cửa Lò 2 nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào đại học dù rằng em tự nhận học lực của mình chỉ ở mức khá. Để thực hiện ước mơ này, hiện tại Khang là học sinh chăm chỉ nhất lớp và mang tâm trạng lo lắng khi Kỳ thi THPT Quốc gia đã tới rất gần.

Số học sinh còn lại của lớp 12 A5 - Trường THPT Cửa Lò 2 mặc dù vẫn tập trung ôn thi nhưng tâm lý bình tĩnh, tự tin hơn vì đích đến của các em chủ yếu là du học.

Trường hợp duy nhất ở lớp 12A5 đăng ký xét tuyển vào đại học. Ảnh: Mỹ Hà.
Hoàng Quốc Khang là trường hợp duy nhất ở lớp 12A5 đăng ký xét tuyển vào đại học. Ảnh: Mỹ Hà.

Đến thời điểm này ít nhất 2/3 học sinh trong lớp đã đi học tiếng hoặc đã cơ bản hoàn thành thủ tục để đến hè là sang Nhật Bản hoặc Hàn Quốc du học.

Vào lớp, trên tấm bảng kế hoạch, song song với lịch ôn tập, giáo viên của lớp cũng có thêm một nội dung nhắc nhở học sinh lưu ý hoàn thành hồ sơ để đi “xuất khẩu lao động tại Nhật”. Trò chuyện với em Vũ Hồng Minh, em cho biết: Gia đình em có khá nhiều người đang làm việc tại Hàn Quốc nên sau khi học xong em cũng sẽ làm hồ sơ để đi du học. Em cũng chưa biết sang đó có đi làm không nhưng trước mắt sẽ cố gắng học để thông thạo tiếng Hàn Quốc, sau này về Việt Nam có thể xin vào các công ty Hàn Quốc làm việc.

Cạnh lớp 12 A5, lớp 12 A6 cũng chỉ có một học sinh đăng ký xét tuyển vào đại học. Trước đó, việc đi du học và xuất khẩu lao động sau khi tốt nghiệp thường chỉ ở đối tượng học sinh có lực học trung bình và khá nhưng nay thì học sinh giỏi của trường cũng hào hứng với lựa chọn này. Như với Lê Thị Huyền (học sinh lớp 12 A1), trong ba năm học, em liên tục đạt học sinh giỏi toàn diện. Trong đó, riêng Ngoại ngữ và Toán, điểm trung bình môn của em đều trên 9 điểm. Thế nhưng, thay vì thi vào đại học, Huyền đã học xong tiếng và hoàn thành hồ sơ để tháng 9 nhập học vào Trường Đại học Yeungnam - Hàn Quốc. Hỏi Huyền về lý do, em cho biết: Nếu thi đại học trong nước em nghĩ mình có nhiều cơ hội. Nhưng em muốn sang học ở nước ngoài để vừa trau dồi ngoại ngữ, vừa dễ dàng tìm kiếm việc làm sau khi ra trường.

Tấm bảng ghi nhớ ở một lớp học có đại đa số học sinh đi du học. Ảnh - Mỹ Hà
Tấm bảng ghi nhớ ở một lớp học có đại đa số học sinh đi du học. Ảnh: Mỹ Hà

Không khí thoải mái ở những lớp học có đến 99% học sinh không đăng ký xét tuyển vào đại học. Ảnh: Mỹ Hà
Không khí thoải mái ở những lớp học có đến 99% học sinh không đăng ký xét tuyển vào đại học năm nay. Ảnh: Mỹ Hà

Trò chuyện với thầy giáo Nguyễn Hồng Hải – Hiệu trưởng Trường THPT Cửa Lò 2, thầy cho biết: Năm ngoái, qua khảo sát, trường có khoảng 70 học sinh (chiếm 1/3 học sinh khối 12) đi du học hoặc đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Năm nay, con số này có thể sẽ tăng hơn bởi toàn trường có 214 học sinh nhưng chỉ có 46 học sinh đăng ký xét tuyển vào đại học (chiếm tỷ lệ 79%). Thực tế này dẫn đến việc nhiều lớp có tỷ lệ đăng ký rất thấp như lớp A5, A6 chỉ có 1 em, lớp A3 có 4 em và lớp A4 có 5 em. Lớp 12 A1, được xem là lớp chọn nhưng cũng chỉ có 13 em đăng ký xét tuyển.

Trên toàn tỉnh, tỷ lệ này cũng không hiếm, thậm chí có những trường tỷ lệ học sinh không đăng ký để xét tuyển đại học lên đến 90 - 100% như THPT Mai Hắc Đế (100%), THPT Nguyễn Văn Tố (96,49%), THPT Nguyễn Thúc Tự (96,43%). Riêng học sinh ở các Trung tâm GDTX, hầu hết 100% học sinh chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp.

Học lực loại giỏi những nữ sinh này chọn đi du học Hàn Quốc thay vì một trường đại học ở Việt Nam. Ảnh: Mỹ Hà.
Học lực loại giỏi nhưng nữ sinh Lê Thị Huyền, học sinh lớp 12 A1 - Trường THPT Cửa Lò chọn đi du học Hàn Quốc thay vì theo học một trường đại học ở Việt Nam. Ảnh: Mỹ Hà.

Tỷ lệ học sinh đăng ký để xét tuyển vào đại học thấp cũng xảy ra ở các trường có truyền thống về dạy và học. Trong đó, ngoài THPT Cửa Lò 2, còn có THPT Cát Ngạn (72,73%), THPT Hoàng Mai 2 (69,49%), THPT Yên Thành 3 (67,43%), THPT Nam Yên Thành (61,80%), THPT Nghi Lộc 5 (61,46%)…

Qua tìm hiểu, nguyên nhân chính khiến học sinh không hào hứng với các trường đại học chủ yếu là do lo ngại khó có cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. Tuy nhiên, việc lựa chọn đi du học hiện nay cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, nhất là với những học sinh có suy nghĩ đi du học để “vừa học, vừa làm”.

Hiện, khá nhiều công ty du học cũng đang quảng cáo du học với hình thức này. Trong khi đó, trên thực tế cơ hội tìm kiếm việc làm trong khi đang học với học sinh du học không nhiều. Hoặc nếu có cũng chỉ là những công việc bán thời gian, nặng nhọc. Khá nhiều trường hợp, vì có tâm lý đi làm nên sau khi đi du học đã bỏ trốn ra ngoài làm việc, tạo nên ấn tượng không tốt từ phía bạn đối với du học sinh Việt Nam, nhất là ở thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.

Những tấm biển quảng cáo của các công ty du học được treo ở nhiều trường THPT. Ảnh - Mỹ Hà
Những tấm biển quảng cáo của các công ty du học được treo ở nhiều trường THPT. Ảnh: Mỹ Hà

Tháng 1/2017, Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản đã về làm việc tại Nghệ An. Tại buổi làm việc bà Tanaka Mizuko – Bí thư thứ 2 phụ trách về giáo dục của Đại sứ quán đã nêu lên thực trạng lưu học sinh Việt Nam lưu trú bất hợp pháp và vi phạm pháp luật tại Nhật Bản, trong đó có học sinh Nghệ An.

Đoàn cũng đã đề nghị tỉnh cần định hướng, chỉ đạo các công ty du học trên địa bàn tỉnh cung cấp thông tin chính xác, không quảng cáo sai lệch hình thức du học “vừa học vừa làm” khiến học sinh, sinh viên sử dụng hình thức du học với mục đích làm việc kiếm tiền.

Mới nhất

x
Lớp học chỉ có 1 học sinh đăng ký xét tuyển đại học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO