Lớp học đặc biệt 'truyền lửa' văn hóa đọc
Mặc dù là năm đầu tiên tổ chức nhưng lớp học “Kỹ năng đọc, viết, thuyết trình, giới thiệu, kể chuyện theo sách” do cán bộ, nhân viên Thư viện tỉnh Nghệ An tổ chức đã để nhiều dư âm tốt đẹp trong lòng các em nhỏ. Điều ý nghĩa nhất đó là giá trị lớp học mang lại không chỉ nằm trong khuôn khổ lớp học.
Lớp học đặc biệt
Cho đến thời điểm này, dù đã vào năm học mới 2024 - 2025 được 3 tuần, nhưng em Hoàng Thùy Anh (lớp 4D, Trường Tiểu học Hưng Bình, TP. Vinh) vẫn vô cùng hào hứng khi được kể về lớp “Kỹ năng đọc, viết, thuyết trình, giới thiệu, kể chuyện theo sách” mà mình đã tham gia trong dịp hè vừa qua. Ở đó, trong không gian phòng họp, các bạn nhỏ ngồi xung quanh, trên bàn là rất nhiều loại sách khác nhau, từ truyện tranh đến truyện chữ, từ lịch sử đến văn học, của những tác giả Việt Nam và nước ngoài… Bên cạnh vị trí hướng dẫn của thầy, cô giáo, có một cái bục để giúp các bạn nhỏ có cảm giác trang trọng, bao quát hơn khi thuyết trình.
“Gọi là lớp học nhưng nó không hoàn toàn giống lớp học, có nhiều độ tuổi trong cùng một lớp, chương trình học là những cuốn sách hay. Sau hướng dẫn của thầy, cô, chúng cháu được đứng lên bục cao, đeo micro ở tai để nói, được thầy cô chỉnh sửa, góp ý từng chút một, từ nội dung đến dáng đứng, biểu cảm. Vừa được đọc sách, vừa được tặng sách, lại có cảm giác mình như một người lớn nên ngày nào được đi học là cháu vui lắm” - Thùy Anh kể.
Kể từ khi tham gia lớp học, cô bạn nhỏ này đã có thêm một sở thích mới là mua sách. Thùy Anh đã ấp ủ dự định xây dựng một tủ sách của riêng mình và vẫn đang trong quá trình tiết kiệm tiền để sưu tầm những cuốn sách yêu thích. Thay đổi này của Thùy Anh đã khiến bố mẹ hết sức bất ngờ.
Kết thúc buổi học, các bạn nhỏ có thể vào khu vực đọc sách miễn phí, say sưa với những cuốn truyện nhiều màu sắc trong không gian mát rượi, sạch sẽ; hoặc tập trung ở sân chơi vận động phía bên trái thư viện. Những bạn lớn hơn còn tranh thủ đọc lại cho nhau nghe để sửa lỗi cùng nhau.
Cùng cảm nhận với Thùy Anh, sau khóa học, rất nhiều bạn nhỏ cũng đã có thêm những sở thích liên quan đến đọc sách. “Cảm ơn các thầy, cô đã tâm huyết tổ chức một chương trình bổ ích, thú vị cho các con trong mùa hè. Kể từ những buổi đầu tham gia chương trình, các bạn đã thực sự thay đổi thái độ với việc đọc sách, chủ động tìm sách hay, thích kể lại câu chuyện. Xem nội dung chương trình và nghe chia sẻ của các cháu, tôi đã quyết tâm cho cháu tham gia đến cùng. Dù nhà xa nhưng không nghỉ buổi nào. Đây là một “thành công” trong mùa hè này của các bạn. Nếu chương trình còn tổ chức vào mùa hè sang năm, chắc chắn các bạn sẽ tiếp tục tham gia” - một phụ huynh đã nhắn trong nhóm lớp.
Lớp học đặc biệt này diễn ra trong 10 buổi với mức học phí “tùy tâm” nhưng thật sự đã trở thành kỷ niệm đẹp đẽ và ý nghĩa cho hơn 40 bạn nhỏ trong mùa hè vừa qua. Với nhiều bạn, đây là cơ hội đầu tiên được đứng trước đám đông để thể hiện cảm nhận, suy nghĩ của mình. Hơn hết, các con được truyền cảm hứng với việc đọc sách, được tự mình tìm thấy những điều thú vị trong từng cuốn sách và được học cách chia sẻ chúng với mọi người.
Những thầy cô không đứng trên bục giảng
Điều gì có thể duy trì sự đều đặn, đông đủ của một lớp học mang tính tự nguyện với học phí “tùy tâm”? Đó chính là sự thú vị, thiết thực của nội dung lớp học.
Ngay từ đầu, khi nhen nhóm ý tưởng về việc mở lớp “Kỹ năng đọc, viết, thuyết trình giới thiệu, kể chuyện theo sách” bằng nguồn ngân sách hoạt động của đơn vị, ông Nguyễn Vinh Quang – Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An đã xác định: “Mục đích lớn nhất là đào tạo và phát hiện ra những nhân tố cho phong trào đọc sách nói chung và cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc nói riêng”. Đó cũng là lý do hơn 40 học viên được chia làm 2 lớp và chương trình kéo dài đến 10 buổi, đủ chất lượng và thời gian để hình thành đam mê, sở thích cho các em.
Là 1 trong 3 cán bộ đảm nhận vai trò giáo viên dẫn dắt lớp, Nguyễn Hà Phương chia sẻ: “Những người được phân công nhiệm vụ này đã có một khoảng thời gian là giáo viên thật sự, phải thức đêm soạn giáo án, phải viết lách, chữa bài, phải học cách làm slide, phải tập nói trôi chảy, đọc thêm sách thiếu nhi, tìm kiếm thêm tư liệu… Tôi có lợi thế tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm và yêu thích, đam mê công việc tiếp xúc với trẻ, nên việc đứng lớp không gặp quá nhiều khó khăn. Áp lực lớn nhất có lẽ đến từ việc tạo được hứng thú và kết nối cho một nhóm trẻ ở nhiều độ tuổi (từ 7 đến 15 tuổi) trong cả 4 kỹ năng đọc, viết, thuyết trình, kể chuyện. Việc trình độ chênh lệch giữa các nhóm trẻ yêu cầu người đứng lớp phải linh hoạt trong xây dựng giáo án, tâm lý trong hướng dẫn, tạo được hứng thú cho các cháu, đảm bảo cháu nào cũng được lên thuyết trình, được nhận xét cẩn thận. May mắn là tất cả những buổi học đã làm được điều này, tạo nên bầu không khí tập trung, tôn trọng, gắn kết cho tất cả các học viên. Động lực, niềm vui của tôi là khi được chứng kiến các cháu tiến bộ sau mỗi buổi học, chăm chú lắng nghe, hăng say phát biểu”.
Với nguồn kinh phí eo hẹp, để tạo điều kiện tốt nhất cho lớp học, cán bộ thư viện còn bố trí sẵn nước uống, bánh kẹo, bật điều hòa suốt quá trình học, ưu tiên nhường phòng họp cho các cháu… Thậm chí, để đảm bảo chiều cao của bục thuyết trình, những cán bộ thư viện đã cẩn thận mua và kê thêm một chiếc lốp xe ô tô phía dưới để các em nhỏ có thể đứng cao hơn.
Ông Nguyễn Vinh Quang chia sẻ thêm: “Đi kèm với yêu cầu đổi mới, những cán bộ thư viện cũng phải nỗ lực hoàn thiện hơn rất nhiều, từ kỹ năng lập kế hoạch, quản lý công việc đến kỹ năng mềm giao tiếp, hướng dẫn… Với những công việc mang tính chất “truyền lửa” như thế này, nếu không đam mê, trách nhiệm, nếu làm hời hợt, hình thức thì không thể nào thành công được. Phải đến khi tổ chức xong buổi học cuối cùng, trao chứng nhận cho đầy đủ những em đã đăng ký từ đầu mà không “rơi rớt” học viên nào sau 10 buổi, chúng tôi mới thực sự thở phào: Cuối cùng thì cũng đã làm được”.
Bên cạnh những giá trị mà lớp học “Kỹ năng đọc, viết, thuyết trình, giới thiệu, kể chuyện theo sách” mang lại, những năm gần đây, Thư viện tỉnh Nghệ An còn có nhiều đổi mới để đến gần hơn với độc giả và các em nhỏ. Điển hình như hoạt động phối hợp với các trường tổ chức hoạt động ngoại khóa tại thư viện, tổ chức các ngày hội liên quan đến sự kiện sách, mở và làm mới không gian đọc sách và học tập… Cùng với nỗ lực của đội ngũ cán bộ thư viện, chính quyền địa phương cũng đã rất tâm huyết với nội dung này. Được biết, Nghệ An là địa phương đi đầu trong ban hành kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Từ những quan tâm, đổi mới trên, suốt 5 năm qua, Nghệ An liên tục đứng đầu cả nước về thành tích tại giải Đại sứ Văn hóa đọc. Sau thành công của lớp “Kỹ năng đọc, viết, thuyết trình, giới thiệu, kể chuyện theo sách”, chúng ta có quyền tin đọc sách luôn là nguồn tri thức vô cùng hấp dẫn đối với các em thiếu nhi, cho dù ở thời đại nào nếu như chúng ta biết khơi gợi, lan tỏa.