Triều Tiên cảnh báo cuộc tập trận Mỹ-Hàn; Ông Zelensky và ông Putin sẽ lại nói chuyện qua điện thoại
(Baonghean.vn) - Triều Tiên cảnh báo tập trận Mỹ-Hàn ảnh hưởng đàm phán hạt nhân; Ông Zelensky và ông Putin sẽ lại nói chuyện qua điện thoại; Người di cư vì kinh tế hết cửa vào Mỹ; Phớt lờ lệnh trừng phạt của EU, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục thăm dò dầu khí... là những tin tức nổi bật của thế giới 24h qua.
Triều Tiên cảnh báo tập trận Mỹ-Hàn ảnh hưởng đàm phán hạt nhân
Xe tấn công đổ bộ của Hàn Quốc trong một cuộc tập trận với Mỹ. Ảnh: Reuters |
“Chưa đầy một tháng sau cuộc gặp ở Bàn Môn Điếm giữa lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ, phía Mỹ đang rục rịch khôi phục cuộc tập trận chung vốn đã được cấp lãnh đạo hứa cho dừng lại”, Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố, đồng thời gọi đây là sự vi phạm rõ ràng tinh thần của tuyên bố ngày 12/6/2018 ký giữa hai nhà lãnh đạo ở Singapore, và là sức ép đối với Bình Nhưỡng. “Rõ ràng cuộc tập trận nhằm huấn luyện, thực nghiệm cho cuộc chiến tranh nghiền nát nền cộng hòa của chúng tôi... Trong khi Mỹ không làm theo những cam kết của họ, thì lý do để chúng tôi giữ thỏa thuận cũng dần hết đi”, Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố.
Ông Zelensky và ông Putin sẽ lại nói chuyện qua điện thoại
Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky. Ảnh: Sputnik |
Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky, ông Vadim Pristayko cho là có khả năng tiến hành một cuộc điện đàm khác giữa tổng thống Nga và Ukraine, nhưng nói rằng hiện chưa có thỏa thuận nào về ngày thực hiện.
“Sẽ có cuộc nói chuyện qua điện thoại. Các bạn đều biết là, nền tảng của cuộc điện đàm này, trên thực tế, là 99% thời gian được dành để bàn về vấn đề giải phóng các thủy thủ và những tù nhân khác của chúng tôi. Về việc này - việc thả người của chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng nói chuyện mỗi ngày, nếu cần thiết cho sự tiến triển”, ông nói. Ông Pristaiko nhấn mạnh rằng việc tiếp xúc với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin không phải là điều gì cấm kỵ đối với ông Zelensky nếu việc đó giúp giải phóng công dân Ukraine.
Iran tuyên bố sẵn sàng đối thoại nếu Mỹ dỡ bỏ trừng phạt
Ảnh minh họa: SETA |
Ngày 16/7, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ NBC, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố Tehran sẵn sàng tham vấn với Washington, nếu các lệnh trừng phạt đã áp đặt chống Iran được dỡ bỏ. Ông Zarif nêu rõ: “Khi nào lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, khi đó sẽ xuất hiện cơ hội để đàm phán,” đồng thời nhấn mạnh các biện pháp áp đặt trừng phạt của Mỹ đang làm tổn thương người dân Iran, đặc biệt là những người có nhu cầu dùng thuốc chữa bệnh và chăm sóc đặc biệt.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Iran cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump không muốn khơi mào chiến tranh với Iran, tuy nhiên “những quan chức thân cận với ông chủ Nhà Trắng lại muốn điều này.”
Phớt lờ lệnh trừng phạt của EU, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục thăm dò dầu khí
Tàu Yavuz của Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã tới phía Đông quốc đảo Cyprus để tiến hành khoan thăm dò khí đốt. Ảnh: Reuters |
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/7 cho biết, các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể làm ảnh hưởng đến hoạt động khoan và thăm dò dầu khí của Ankara ở khu vực ngoài khơi đảo Síp. Tuyên bố này của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra trong bối cảnh EU thống nhất các biện pháp trừng phạt Ankara vì hành động kéo giàn khoan “trái phép” vào vùng đặc quyền kinh tế của Síp. Các biện pháp trừng phạt của EU bao gồm, ngừng các cuộc đối thoại cấp cao giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, đình chỉ các cuộc đàm phán về hàng không giữa hai bên và cắt 145,8 triệu euro tiền hỗ trợ gia nhập EU cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Đầu tư châu Âu được yêu cầu xem xét lại các điều kiện hỗ trợ tài chính cho chính quyền Ankara. Hồi tháng 6, EU đã lần đầu tiên lên tiếng và cảnh báo Ankara sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt nếu không rút giàn khoan ngoài khơi đảo Síp. Vùng biển này giáp với khu vực do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát trên đảo Síp sau cuộc xâm lược năm 1974.
Người di cư vì kinh tế hết cửa vào Mỹ
Người di cư ngủ bên ngoài một nhà thờ ở Mexico ngày 14/7 khi chờ xét tị nạn vào Mỹ. Ảnh: Reuters |
Hãng tin Reuters ngày 15/7 dẫn thông báo từ Bộ An ninh nội địa và Bộ Tư pháp Mỹ cho biết những người di cư vượt biên từ Mexico vào biên giới phía Nam nước Mỹ sẽ không được xin tị nạn vào nước này. Những trường hợp chưa từng xin tị nạn ở "quốc gia thứ ba" trên đường di cư đến biên giới Mỹ cũng hết cửa xin tị nạn tại Mỹ.
Quy định mới chỉ cho phép ngoại lệ với những trường hợp là nạn nhân của buôn người hay tra tấn. Tuy nhiên Mỹ coi hầu hết người di cư từ phía nam là vì lý do kinh tế và không đủ điều kiện cấp quy chế tị nạn. "Mỹ là một quốc gia rộng lượng, nhưng hoàn toàn quá tải bởi gánh nặng liên quan đến hàng trăm nghìn người đang bị bắt giữ và trong quá trình xét duyệt tại biên giới phía Nam" - Bộ trưởng Tư pháp William Barr nói, cho biết chính sách này nhằm hạn chế các lao động xuất khẩu nước ngoài và những người muốn lợi dụng hệ thống xin tị nạn để có thể vào Mỹ. Còn theo quyền Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Kevin McAleenan, đây là biện pháp cần thiết bởi những chính sách trước đó đều không thể ngăn được dòng người di cư.
Thủ tướng Thái Lan tuyên bố chấm dứt chế độ quân sự cầm quyền
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha. Ảnh: Reuters |
Thủ tướng Prayut Chan-ocha ngày 15/7 chính thức tuyên bố kết thúc chế độ cầm quyền của quân đội sau 5 năm. Ông Prayut đã từ chức người đứng đầu chính quyền quân sự và tuyên bố Thái Lan trở lại là một nền dân chủ bình thường sau 5 năm, theo Reuters.
Trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình toàn quốc, ông Prayut nói rằng chính quyền quân sự đã mang lại thành tựu trong nhiều lĩnh vực, từ việc giải quyết vấn đề đánh bắt cá trái phép, nạn buôn người, cho đến chiến dịch giải cứu đội bóng nhí bị mắc kẹt trong hang động ngập nước hồi năm ngoái. “Bây giờ, Thái Lan hoàn toàn là một quốc gia dân chủ với chế độ quân chủ lập hiện, có nghị viện được với các nghị sĩ thông qua bầu cử. Tất cả mọi vấn đề sẽ được xử lý bình thường dựa trên hệ thống dân chủ mà không sử dụng đến bất kỳ quyền lực đặc biệt nào", ông nói.