‘Lửa thử vàng’
(Baonghean.vn) - Nếu những lần lấy phiếu tín nhiệm trước đây chỉ là "kênh thông tin tham khảo trong đánh giá cán bộ" thì nay, với Quy định 96, hoạt động này đã trở thành yếu tố để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.
Đây thực sự là một bước thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt, được ví như "lửa thử vàng", trở thành một thước đo quan trọng phản ánh năng lực, hiệu quả hoạt động của cán bộ lãnh đạo, quản lý
Quy định không chỉ để tham khảo trong đánh giá cán bộ
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ, việc lấy phiếu tín nhiệm là sự đánh giá, ghi nhận đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của từng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm không phải cốt để truy trách nhiệm và cũng không phải để loại trừ ai mà cần phải xem mỗi lá phiếu như một tấm gương soi, giúp mỗi người “tự soi, tự sửa”; tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác, hoàn thiện bản thân, xứng đáng với niềm tin và hy vọng của Đảng và nhân dân.
Tranh minh họa: Tư liệu |
Lâu nay, lấy phiếu tín nhiệm được xem là một cơ chế để giám sát quyền lực và nâng cao trách nhiệm chính trị. Đã là cán bộ lãnh đạo, quản lý thì phải không ngừng nỗ lực trong công việc để bảo đảm được sự tín nhiệm. Lấy phiếu tín nhiệm cũng như một biện pháp nhắc nhở, tạo ra áp lực cần thiết để người cán bộ được lấy phiếu phải thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với thử thách trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tất nhiên, người có tín nhiệm thấp, uy tín giảm sút thì sẽ không xứng đáng tiếp tục giữ chức vụ mà nên nghỉ để người khác thay thế.
Quy định 96 hướng cán bộ lãnh đạo, quản lý đến việc xem từ chức hoặc thuyên chuyển công tác là chuyện bình thường; giảm thiểu tình trạng làm việc kém mà vẫn cố ngồi “giữ ghế”, bất chấp liêm sỉ, danh dự, chỉ nghĩ đến lợi ích cho bản thân, gia đình.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu tín nhiệm vào hộp phiếu trong phiên họp của Quốc hội khóa 13, tháng 11/2014. Ảnh: Quochoi.vn |
Tất nhiên, điều tiên quyết vẫn ở ý thức rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên. Người nào thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc và tác phong, thái độ phục vụ nhân dân thì sẽ được trọng dụng. Ngược lại, ai mà vì chủ nghĩa cá nhân, xâm phạm đến lợi ích tập thể, lợi ích của nhân dân thì sẽ bị thanh loại. Quy định 96 như một lời cảnh tỉnh, đánh thức lòng tự trọng, đồng thời là sự răn đe cần thiết cho mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đây là một bước hoàn thiện thêm quy chế, quy chuẩn, thể hiện tính nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn trong công tác cán bộ của Đảng.
Quy định 96 được dư luận rất quan tâm và người dân đồng tình ủng hộ. Đây được kì vọng sẽ là một bước “luật hóa” các chủ trương của Đảng, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh đối với những người có chức, có quyền không để vòng xoáy quyền lực cuốn vào tham nhũng, tiêu cực. Quy định này được xem là tiếp tục cụ thể hóa Quy định 41 của Đảng về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Kết luận 20 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.
Nhiều điểm mới trong lấy phiếu tín nhiệm
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Đây được xem là bước thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt, được ví như "lửa thử vàng" mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Điểm mới của văn bản này là quy định cụ thể và chặt chẽ hơn việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Theo đó, người có trên 1/2 nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị đưa ra khỏi quy hoạch chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ các chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức; hoặc sẽ bỏ phiếu tín nhiệm. Theo quy định cũ, người có trên 1/2 phiếu tín nhiệm thấp chỉ bị xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch chức vụ cao hơn.
Người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ đến hết nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm. Theo quy định cũ, người có từ 2/3 phiếu tín nhiệm thấp sẽ được cho từ chức hoặc thôi chức nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được ví như "lửa thử vàng" mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý. Ảnh: Tư liệu |
Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 số người được triệu tập có mặt. Việc này thực hiện vào năm thứ ba (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp).
Đặc biệt, một điểm mới đáng chú ý hơn cả trong Quy định 96, đó là đã bổ sung thêm tiêu chí về sự gương mẫu của không chỉ của bản thân cán bộ lãnh đạo, quản lý đó mà còn của cả vợ, chồng, con cái họ trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thêm nữa, còn xem xét trách nhiệm nêu gương của cán bộ khi lấy phiếu tín nhiệm.