Luận tội Tổng thống Trump - Lịch sử sẽ không lặp lại

(Baonghean) - Ngày 18/12 (theo giờ Mỹ), Hạ viện Mỹ đã tiến hành phiên họp toàn thể để bỏ phiếu thông qua hai điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump mà Ủy ban Tư pháp đã đệ trình. Như vậy, ông Donald Trump đã trở thành Tổng thống thứ ba trong lịch sử nước Mỹ bị luận tội. Bất chấp những nỗ lực của phe Dân chủ, các nghị sĩ đảng Cộng hòa đang “siết chặt hàng ngũ” tạo nên một “bức tường lửa” đảm bảo sự an toàn cho vị Tổng thống của mình.

“Cuộc chơi chính trị”

Kể từ khi nắm quyền kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi năm 2018, phe Dân chủ đã luôn tìm cách đưa Tổng thống Donald Trump vào vòng lao lý. Không thành công trong cuộc điều tra mối quan hệ của Tổng thống Donald Trump với Nga trong cuộc bầu cử hồi năm 2016, phe Dân chủ đã tìm ra một “lá bài” khác là Ukraine.

Những nỗ lực của phe Dân chủ sau rất nhiều cuộc điều trần, phỏng vấn nhân chứng, sau những tranh luận nảy lửa giữa các nghị sĩ tại Quốc hội đã đưa cuộc điều tra luận tội Tổng thống tới một bước ngoặt quan trọng: Tổng thống chính thức bị Hạ viện luận tội với hai tội danh là lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội. Tội lạm dụng quyền lực được chỉ định cho việc ông Trump “treo” viện trợ quân sự cho Ukraine nhằm gây áp lực Ukraine điều tra đối thủ chính trị Joe Biden, còn tội cản trở Quốc hội được chỉ định cho việc ông ngăn cản các nhân chứng cung cấp lời khai và không tuân theo các trát hầu tòa.

Ông Donald Trump bị luận tội với tội danh lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội. Ảnh: Financial Times
Ông Donald Trump bị luận tội với tội danh lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội. Ảnh: Financial Times

Ngay từ trước khi Hạ viện Mỹ tổ chức phiên tranh luận bổ sung và tiến hành bỏ phiếu thông qua hai điều khoản luận tội mà Ủy ban Tư pháp đã đệ trình, nhiều  người đã khẳng định rằng việc ông Donald Trump bị luận tội là không thể đảo ngược khi đảng Dân chủ nắm giữ tới 325 ghế trong tổng số 435 ghế của Hạ viện.

Theo quy định của Hiến pháp Mỹ, sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, Tổng thống Trump sẽ phải đối diện với một phiên xét xử tại Thượng viện để xác định ông có nên bị kết tội và bãi nhiệm hay không. Phiên xét xử này dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 7/1 sau kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới của Quốc hội Mỹ. Sau phiên xét xử với một lịch trình làm việc dày đặc, trong đó các thủ tục tố tụng diễn ra từ 6 ngày đến 6 tuần, Thượng viện sẽ tiến hành bỏ phiếu thông qua nghị quyết kết tội và bãi nhiệm Tổng thống Trump.

Một nhóm biểu tình trước Trụ sở Quốc hội Mỹ ủng hộ việc luận tội ông Trump. Ảnh: Getty Images
Một nhóm biểu tình trước Trụ sở Quốc hội Mỹ ủng hộ việc luận tội ông Trump. Ảnh: Getty Images

Đảng Dân chủ đã rất cố gắng khi triệu tập được nhiều nhân chứng để cung cấp những lời khai bất lợi cho ông Donald Trump. Nhưng trong một nền chính trị bị chi phối mạnh mẽ bởi ý thức đảng phái và khuynh hướng chính trị của nước Mỹ, việc thắng - thua sẽ không phụ thuộc vào việc các chứng cứ luận tội có thuyết phục hay không, mà phụ thuộc vào khả năng tập hợp phiếu của các lực lượng. Nếu phe Dân chủ muốn “hạ bệ” Tổng thống, họ phải tìm cách có được 67 phiếu tại Thượng viện - một điều gần như là “không tưởng” khi hiện nay phe Cộng hòa nắm giữ tới 53 ghế trong tổng số 100 ghế.

Bởi thế, Tổng thống Donald Trump chẳng có gì phải lo lắng khi Thượng viện vẫn nằm trong quyền kiểm soát của phe Cộng hòa. Việc ông Donald Trump gửi bức thư cho Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, trong đó chứa đựng những ngôn từ gay gắt chỉ trích cuộc điều tra luận tội của đảng Dân chủ, gọi đây là “cuộc thập tự chinh đảng phái” nhằm “lật đổ nước Mỹ dân chủ” cũng chỉ được nhìn nhận là động thái tăng thêm tính gay cấn cho “cuộc chơi chính trị” mà đảng Dân chủ đã kích hoạt mà thôi.

Ông Donald Trump không lung lay trước sức ép từ phe Dân chủ do bà Nancy Pelosi lãnh đạo. Ảnh: Getty
Ông Donald Trump không lung lay trước sức ép từ phe Dân chủ do bà Nancy Pelosi lãnh đạo. Ảnh: Getty

“Bức tường lửa” của ông Trump

Trước Tổng thống Donald Trump đã từng có hai Tổng thống khác của nước Mỹ từng bị luận tội là Andrew Johnson và Bill Clinton. Nhưng dư luận Mỹ lại không so sánh Tổng thống Donald Trump với Andrew Johnson hay Bill Clinton, mà họ so sánh với cựu Tổng thống Richard Nixon bởi những tội danh bị cáo buộc quá giống nhau giữa hai vị Tổng thống này.

Giống như ông Donald Trump, cựu Tổng thống Richard Nixon cũng bị cáo buộc tìm kiếm lợi thế chính trị so với đối thủ đảng Dân chủ một cách bất hợp pháp, và cuộc đột nhập vào trụ sở Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ ở Watergate đã trở thành một vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử chính trị Mỹ. Không chỉ giống nhau về tội danh bị cáo buộc, hai vị Tổng thống đều “vướng vòng lao lý” ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên, trong thời điểm quan trọng là họ đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2, và đều đối mặt với quy trình điều tra, luận tội do đảng Dân chủ khởi xướng.

Thứ mà ông Richard Nixon không thể có, nhưng ông Donald Trump lại có, đó chính là “bức tường lửa” được thiết lập bởi các nghị sĩ Cộng hòa.

Nhưng bên cạnh rất nhiều điểm giống nhau đó, chỉ cần một điểm khác biệt trong trường hợp của Tổng thống Donald Trump so với cựu Tổng thống Richard Nixon đã đủ làm thay đổi lịch sử: ông Richard Nixon buộc phải từ chức, còn ông Donald Trump thì không! Thứ mà ông Richard Nixon không thể có, nhưng ông Donald Trump lại có, đó chính là “bức tường lửa” được thiết lập bởi các nghị sĩ Cộng hòa. Thời điểm vụ bê bối Watergate làm rúng động chính trường Mỹ, rất nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa đã “quay lưng” với vị Tổng thống của mình, và ông Richard Nixon đã phải quyết định từ chức để tránh bị phế truất sau cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện.

Các nhà làm luật xuất thân đảng Cộng hòa kịch liệt phản đối động thái điều tra luận tội ông Trump. Ảnh AFP
Các nhà làm luật xuất thân đảng Cộng hòa kịch liệt phản đối động thái điều tra luận tội ông Trump. Ảnh AFP

Nhưng hiện nay, không có một nghị sĩ Cộng hòa nào bày tỏ ý định ủng hộ bỏ phiếu kết tội ông Donald Trump. Trong khi đảng Dân chủ phải “cay đắng” nhìn một số thành viên “đào thoát” sang phe đối thủ sau các cuộc tranh luận nảy lửa tại Hạ viện, thì phe Cộng hòa đang có sự đoàn kết tuyệt đối. Họ công khai ủng hộ ông Donald Trump, công khai gọi cuộc điều tra luận tội của phe Dân chủ là “vớ vẩn”, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell còn khẳng định “chắc như đinh đóng cột” rằng Tổng thống Donald Trump “sẽ không bao giờ bị phế truất”!

Sự tín nhiệm của cử tri với Tổng thống Donald Trump được xây dựng trên nền tảng vững chắc là mức tăng trưởng kinh tế khá cao và tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện đang ở mức 3,5% - mức thấp kỷ lục trong vòng nửa thế kỷ qua.

Có thể, đảng Dân chủ không mong muốn phế truất ông Donald Trump, mà hướng tới mục tiêu xa hơn là “khuấy đảo” mức độ tín nhiệm của các cử tri dành cho ông chủ Nhà Trắng trước thềm cuộc bầu cử quan trọng vào năm sau. Nhưng theo giới phân tích, chiến thuật này của phe Dân chủ cũng khó mang lại kết quả khi tỷ lệ ủng hộ ông Trump ở thời điểm này vẫn đạt mức cao, trong đó 92% những người theo đảng Cộng hòa ủng hộ hành động của ông. Sự tín nhiệm của cử tri được xây dựng trên nền tảng vững chắc là mức tăng trưởng kinh tế khá cao và tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện đang ở mức 3,5% - mức thấp kỷ lục trong vòng nửa thế kỷ qua.

Dù ông Donald Trump có thể có phong thái làm việc, phát ngôn không giống những mẫu hình truyền thống, nhưng nhiều người phải thừa nhận những việc làm của ông thể hiện rõ tinh thần “Nước Mỹ trên hết” từng được đưa ra khi tranh cử. Bởi thế, nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng như hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp thấp và thị trường chứng khoán Mỹ ổn định, không những Tổng thống Donald Trump sẽ không có số phận như ông Richard Nixon, mà còn có rất nhiều cơ hội đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.

Ông Donald Trump sẽ không lặp lại số phận của cựu Tổng thống Richard Nixon. Ảnh: The Vox
Ông Donald Trump sẽ không lặp lại số phận của cựu Tổng thống Richard Nixon. Ảnh: The Vox

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.