Luật Đặc xá cần xây dựng minh bạch, chặt chẽ
(Baonghean.vn) - Đại biểu Trần Văn Mão cho rằng, bản chất của đặc xá là chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội, do đó, cần quy định rõ hơn để tránh tạo dư luận hiểu sai về chính sách khoan hồng của Nhà nước.
Sáng 7/11, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).
Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, đại biểu Trần Văn Mão bày tỏ sự đồng tình với báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Đặc xá, đồng thời làm rõ thêm một số vấn đề.
Đại biểu Trần Văn Mão phát biểu tại nghị trường. Ảnh: Thanh Loan |
Về điều kiện được đề nghị đặc xá tại Điều 11, đại biểu Trần Văn Mão cho rằng, tại điểm c, khoản 1, Điều 11 dự thảo luật quy định điều kiện phải chấp hành xong án phí, các khoản tiền phạt mới được xem xét đặc xá là chưa hoàn toàn đúng. Bởi lẽ bản chất của đặc xá là chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội.
Theo ông Mão, tại thời điểm xét đặc xá, những trường hợp quá nghèo, không đủ tiền để nộp phạt, nhưng có cải tạo tốt hoặc công lớn, cần đề xuất lên Chủ tịch nước quyết định. Đồng thời, cần quy định rõ hơn về vấn đề này để tránh tạo dư luận hiểu sai về chính sách khoan hồng của Nhà nước.
Đối với khái niệm "lập công lớn", đại biểu Trần Văn Mão đề xuất cần làm rõ thêm khái niệm này tại điểm a, khoản 2, Điều 11: "Đã lập công lớn trong thời gian chấp hành hình phạt tù có xác nhận của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự, công an cấp huyện", hoặc đưa vào giải thích thuật ngữ tại Điều 3 cho rõ khái niệm "lập công lớn".
Đại biểu Trần Văn Mão cho rằng, có thể giải thích "lập công lớn" theo hướng trường hợp người phạm tội đã ăn năn, hối cải, tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm do họ thực hiện, đồng thời có những hành động giúp đỡ các cơ quan có thẩm quyền phát hiện, ngăn chặn các tội phạm khác tham gia, phát hiện tội phạm, bắt kẻ phạm tội, có hành động thể hiện sự quên mình vì lợi ích của Nhà nước, của tập thể, vì quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người khác được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng hoặc chứng nhận.
Ngoài ra, để bảo đảm minh bạch, chặt chẽ và tạo điều kiện cho các cơ quan trong quá trình tham mưu, trình Chủ tịch nước quyết định đặc xá, đại biểu Trần Văn Mão đề nghị bỏ quy định trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định tại điểm i, khoản 2, Điều 11. Nếu thuộc trường hợp đặc biệt, cụ thể, đã đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước thì Điều 22 dự thảo luật đã quy định Chủ tịch nước quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt mà không phụ thuộc vào các điều kiện quy định tại Điều 11 và Điều 12 của dự thảo luật.
Đại biểu Mão còn đưa ra những phân tích về thực hiện quyết định đặc xá đối với người nước ngoài. Tại Điều 19, trong trường hợp các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã thông báo cho các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người được đặc xá là công dân, nhưng các cơ quan này không đến nhận hoặc chưa đến nhận thì người nước ngoài được đặc xá sẽ được bố trí lưu trú tại cơ sở lưu trú do cơ quan thi hành án hình sự chỉ định trong thời gian chờ làm thủ tục cần thiết; đồng thời phải bố trí người giám sát chặt chẽ người được đặc xá.
Quy định này phù hợp với khoản 4, Điều 40, Luật Thi hành án hình sự, đồng thời cụ thể hóa chính sách khoan hồng của Nhà nước ta đối với người nước ngoài phạm tội. Do vậy, đại biểu Trần Văn Mão đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung những nội dung nêu trên để thực hiện quyết định đặc xá đối với người nước ngoài cụ thể hơn, không nên để Chính phủ quy định. Đồng thời cần cân nhắc kỹ lưỡng lưu trú của người nước ngoài được đặc xá phải bảo đảm phù hợp với các quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Về trách nhiệm của tổ thẩm định liên ngành tại Điều 36 quy định thành viên tổ thẩm định liên ngành bao gồm đại diện của các cơ quan Trung ương, trong đó không quy định thành phần cứng là đại diện của chính quyền địa phương là không hợp lý và dễ nhầm lẫn, bỏ sót hoặc không công bằng trong quá trình đặc xá. Đại biểu Trần Văn Mão đề nghị Ban soạn thảo xem xét để bổ sung thành phần cũng như các nội dung có liên quan về trách nhiệm, nghĩa vụ và các nội dung có liên quan của tổ thẩm định.
Ngoài ra, đại biểu Trần Văn Mão còn đề nghị một số vấn đề như: trách nhiệm giám sát của cơ quan trong tổ chức thực hiện đặc xá nhằm đảm bảo tính khách quan; xác định lại hiệu lực thời gian thi hành của luật.