Luật hóa quản lý tài sản nhà nước
(Baonghean) - Kể từ khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009, quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (trong đó có xe ô tô công) đã được luật hóa. Hiện nay, với chính sách mới về quản lý và sử dụng xe ô tô công, mỗi năm, NSNN sẽ giảm chi ít nhất 500 tỷ đồng, tạo nên bước ngoặt trong công tác quản lý tài sản nhà nước (TSNN). Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với TS. Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) xung quanh vấn đề này.
Với chính sách mới về quản lý và sử dụng xe ô tô công, mỗi năm ngân sách Nhà nước sẽ giảm chi ít nhất 500 tỷ đồng. Ảnh minh họa: internet |
P.V: Thưa Cục trưởng Trần Đức Thắng, đâu là lý do chính để Bộ Tài chính tham mưu trình Chính phủ ban hành quy định mới về quản lý, sử dụng ô tô công?
Cục trưởng Trần Đức Thắng: Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSNN hiện hành, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải mua sắm, sử dụng TSNN đúng tiêu chuẩn, định mức, sử dụng đúng mục đích; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện quy chế quản lý, sử dụng TSNN thuộc phạm vi quản lý; chấp hành quy định về tiêu chuẩn, định mức quản lý, sử dụng TSNN và chịu trách nhiệm trước pháp luật thuộc phạm vi quản lý. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý TSNN, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng TSNN, trong đó có xe ô tô công; hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng TSNN.
Theo đánh giá của chúng tôi, việc trang bị, quản lý, sử dụng xe ô tô thời gian qua đã được các bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện cơ bản nghiêm túc; công tác quản lý, sử dụng xe ô tô công đã dần đi vào nề nếp, tiết kiệm và hiệu quả; đồng thời, đáp ứng yêu cầu hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Tuy nhiên, số lượng xe ô tô công của nước ta là khá lớn (gần 40.000 xe ô tô công, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang nhân dân, DNNN); vẫn còn hiện tượng mua xe vượt tiêu chuẩn, định mức; việc điều chuyển xe ô tô giữa các đơn vị không đúng thẩm quyền quy định. Việc thỏa thuận, mua sắm xe chuyên dùng chưa được chặt chẽ, các tiêu chuẩn định mức quy định chưa phù hợp với một số cơ quan, đơn vị. Việc mua sắm, thanh lý xe phức tạp, tốn kém thời gian và chi phí; chi phí cho việc sử dụng xe khá lớn trong điều kiện ngân sách còn khó khăn (khoảng 320 triệu đồng/1 xe/1 năm).
Ngoài ra, quy định về thời gian, số km sử dụng cũng chưa phù hợp với thực tế, quy định về khoán kinh phí xe ô tô hầu như không được áp dụng. Việc sử dụng xe ô tô vào việc riêng, sử dụng xe sai đối tượng, sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc với các chức danh không đủ tiêu chuẩn định mức vẫn diễn ra... chính vì vậy, nhằm khắc phục các tồn tại nêu trên, để phù hợp với tình hình mới khi các phương tiện giao thông công cộng, xe cá nhân đã phát triển hơn nhiều so với 7 năm trước đây; phù hợp với cơ chế tự chủ về kinh phí hoạt động tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/9/2015.
P.V: Trong các nội dung được ban hành mới, theo Cục trưởng, sẽ có những tác động cụ thể nào đối với quá trình giảm chi NSNN, tức là giảm bớt gánh nặng cho người nộp thuế?
Cục trưởng Trần Đức Thắng: Trong các nội dung của Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg, việc quy định thống nhất định mức xe ô tô phục vụ công tác chung là từ 1 đến 2 xe/đơn vị cho tất cả các cơ quan, đơn vị có đủ tiêu chuẩn được trang bị xe (bao gồm cả các đơn vị đã trang bị xe theo quy định trước đây) là rất quan trọng. Với quy định này, các bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm rà soát, sắp xếp lại số xe ô tô hiện có tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức. Số xe ô tô còn lại sẽ được điều chuyển cho các cơ quan, đơn vị, ban quản lý dự án thuộc phạm vi quản lý mà chưa đủ định mức xe ô tô theo quy định hoặc chuyển giao về Bộ Tài chính, đến tháng 3/2016 phải báo cáo kết quả.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quy định rõ hơn cách xác định mức khoán kinh phí trong trường hợp các chức danh có đủ tiêu chuẩn được sử dụng xe tự nguyện đăng ký nhận khoán kinh phí sử dụng xe công. Theo đó, mức khoán kinh phí được xác định theo từng tháng, trên cơ sở khoảng cách thực tế từ nhà ở đến nơi làm việc hoặc khoảng cách thực tế đi công tác; đơn giá bình quân của phương tiện vận tải công cộng (đơn giá của các hãng xe taxi phổ biến trên thị trường); số ngày làm việc theo quy định; số lượt đưa đón (2 lượt/ngày). Kế thừa quy định hiện hành, quy định lần này nêu rõ: chỉ có các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 và chức danh Thứ trưởng (hoặc tương đương) trở lên mới được phép sử dụng xe ô tô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc.
P.V: Đồng chí đánh giá như thế nào về tác động của chính sách mới đối với thực tiễn hiện nay?
Cục trưởng Trần Đức Thắng: Thứ nhất, việc xác định cụ thể số lượng xe ô tô trang bị cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị được làm theo từng nhóm: xe ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung và xe ô tô chuyên dùng. Việc phân loại này đảm bảo công khai, công bằng trong sử dụng xe ô tô công và cơ quan nhà nước có thể kiểm soát được một cách dễ dàng số xe ô tô công được trang bị so với tiêu chuẩn, định mức do Thủ tướng Chính phủ quy định. Với việc chuyển đổi phương thức trang bị xe ô tô công từ nguyên tắc “không vượt quá số xe ô tô hiện có” như trước đây sang trang bị theo định mức từ 1 đến 2 xe/đơn vị sẽ làm giảm một số lượng lớn xe ô tô phục vụ công tác chung. Theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung hiện có là 24.460 chiếc, nếu tính toán theo định mức mới ước tính sẽ giảm khoảng 7.000 xe so với hiện tại. Như vậy, mỗi năm ngân sách sẽ tiết kiệm được khoảng 500 tỷ đồng tiền mua xe thay thế, chưa tính chi phí vận hành trong quá trình sử dụng. Để đảm bảo thực hiện nghiêm tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg quy định cụ thể về chế độ quản lý, sử dụng, chế tài xử phạt vi phạm đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân sử dụng xe và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; từ đó sẽ góp phần hạn chế tình trạng sử dụng xe ô tô công lãng phí, sai mục đích.
Cán bộ phòng Ngân sách Sở Tài chính trao đổi công việc hằng ngày. ảnh minh họa - C. L |
Thứ hai, chúng tôi cho rằng các quy định mới sẽ từng bước thay đổi phương thức quản lý, sử dụng xe ô tô công theo cơ chế thị trường. Quy định thống nhất định mức từ 1 đến 2 xe/đơn vị, thuê dịch vụ xe ô tô và khoán kinh phí sử dụng xe ô tô theo giá thị trường sẽ là một bước thay đổi lớn trong việc trang bị, bố trí, sử dụng xe ô tô công tại các cơ quan, đơn vị. Việc này sẽ khuyến khích dần chuyển sang hình thức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô, thúc đẩy dịch vụ phương tiện vận chuyển công cộng, giảm biên chế hành chính và chi phí sử dụng phương tiện đi lại. Quy định này phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước trong quản lý tài sản công (trong đó có xe ô tô công) là tiến tới giảm dần việc trang bị hiện vật và chuyển sang cơ chế thuê/khoán. Đây là xu hướng phù hợp với nền kinh tế thị trường, hiệu quả, tiết kiệm đã được nhiều nước đang áp dụng.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Sông Hồng
TIN LIÊN QUAN