Luật hóa thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ

21/10/2015 15:20

Sáng 21-10, Tờ trình về dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tại phiên họp Quốc hội.

Theo đó, dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (XNK) (sửa đổi) gồm 22 Điều, được bố cục thành 5 Chương, gồm: Những quy định chung; Căn cứ tính thuế, thời điểm tính thuế và biểu thuế; Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ; Miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế và Điều khoản thi hành.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, một trong những nội dung sửa đổi chủ yếu của dự thảo Luật là nhóm vấn đề về khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước phù hợp định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước và các cam kết quốc tế đã ký kết. Đồng thời, bổ sung một số nội dung quy định về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ để góp phần bảo vệ sản xuất trong nước trong điều kiện hội nhập quốc tế trên cơ sở kế thừa, nâng cấp một số quy định của các Pháp lệnh liên quan. Chương III dự thảo Luật (sửa đổi) được bổ sung, quy định về điều kiện, nguyên tắc, thẩm quyền và thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ trên cơ sở kế thừa quy định tại 3 Pháp lệnh hiện hành.

Ngoài ra, để đảm bảo có đủ cơ sở pháp lý để áp dụng các biện pháp về thuế mới có thể cần thiết để xử lý các trường hợp phát sinh như áp dụng thuế trả đũa được phép áp dụng trong khuôn khổ giải quyết cơ chế tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Hiệp định thương mại song phương và khu vực mà Việt Nam đã tham gia, tại Khoản 5, Điều 15 dự thảo Luật bổ sung nội dung quy định: “Trường hợp lợi ích Việt Nam theo các điều ước quốc tế bị xâm hại hay vi phạm, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định áp dụng biện pháp thuế phòng vệ khác phù hợp”, Bộ Trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Việt Nam sẽ sửa đổi, bổ sung về Luật thuế xuất - nhập khẩu để phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế. (Ảnh: CAO THĂNG)
Việt Nam sẽ sửa đổi, bổ sung về Luật thuế xuất - nhập khẩu để phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế. (Ảnh: CAO THĂNG)

Sửa đổi nguyên tắc, thẩm quyền ban hành Biểu thuế, thuế suất và thẩm quyền ban hành Biểu khung thuế xuất khẩu cũng là một nội dung đáng lưu ý khác trong dự thảo. Về thẩm quyền ban hành Biểu thuế dự thảo Luật quy định:

Thủ tướng Chính phủ căn cứ quy định tại Điều 10 Luật này, Biểu thuế xuất khẩu theo Danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất thuế xuất khẩu đối với từng nhóm hàng ban hành kèm theo Luật này; Biểu thuế ưu đãi cam kết tại Nghị định thư gia nhập WTO đã được Quốc hội phê chuẩn và các Điều ước quốc tế khác để ban hành: a) Biểu thuế xuất khẩu; Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi; b) Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt; c) Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Qua thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận định, việc sửa đổi Luật thuế XNK lần này nhằm đáp ứng được các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các Hiệp định thương mại về thuế quan mà Việt Nam đã và đang ký kết, theo đó dự kiến trong vòng 10 năm tới mức độ tự do hóa thương mại sẽ đạt 97-98% dòng thuế. Vì vậy, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ, ngoài việc đánh giá tác động tăng, giảm thu NSNN trong việc sửa đổi Luật thuế XNK, đề nghị bổ sung đánh giá một cách tổng thể của chính sách thuế, khả năng bù đắp số hụt thu NSNN do sửa đổi Luật thuế XNK từ các phương án khác để đảm bảo không làm giảm tỷ lệ huy động từ thuế, phí trên GDP trong giai đoạn tới, góp phần bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Về thẩm quyền ban hành biểu thuế, thuế suất, đa số ý kiến trong Thường trực cơ quan thẩm tra nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành mức thuế suất tối thiểu cho từng phân nhóm mặt hàng thuộc danh mục nhóm mặt hàng chịu thuế xuất khẩu (chủ yếu là tài nguyên, khoáng sản) và giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quy định như dự thảo Luật. Tuy nhiên, để bảo đảm về thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Hiến phám năm 2013, đề nghị làm rõ số dòng thuế còn lại về hàng hóa nhập khẩu mà Việt Nam chưa ký kết và thẩm quyền quyết định mức thuế suất trong biểu thuế do cơ quan nào quyết định; bổ sung quy định về thẩm quyền của Quốc hội trong việc phê chuẩn các Hiệp định về thuế quan do Chính phủ đàm phán và ký kết.

Ông Phùng Quốc Hiển cũng nói rõ, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Quốc hội có thẩm quyền quyết định về các thứ thuế. Do vậy, việc quy định như dự thảo Luật là chưa phù hợp với quy định của Hiển pháp năm 2013. Loại ý kiến này đề nghị quy định rõ trong dự thảo Luật Danh mục hàng hóa và biểu thuế suất của hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu mà Việt Nam chưa ký kết với các nước và tổ chức quốc tế. Đối với một số hàng hóa cần có sự điều chỉnh, thay đổi thường xuyên theo yêu cầu quản lý kinh tế trong thực tiễn, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Theo SGGP Online

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Luật hóa thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO