Lý do măng cụt được ví là 'nữ hoàng' trái cây
Không chỉ là loại trái cây ngon, măng cụt còn là một dược liệu quý giá trong phòng và hỗ trợ điều trị một số bệnh.
Măng cụt được coi là "nữ hoàng" của các loại trái cây, được bày bán khắp nơi.
Trong Đông y, măng cụt có vị ngọt thanh, từng múi trắng như sữa là thứ trái nhiều người thích ăn. Bên cạnh đó, măng cụt còn có những công dụng chữa bệnh. Ít ai biết rằng từ ruột tới vỏ của măng cụt đều chứa các thành phần dược học có khả năng phòng, hỗ trợ điều trị một số bệnh. Măng cụt rất giàu dưỡng chất như chất đạm, chất béo, chất carbonhydrates, chất xơ, calsium, chất sắt, phốt pho và vitamin như B1, C.
Măng cụt là một loại trái cây rất được ưa chuộng ở những vùng nhiệt đới. Ở Australia, trái măng cụt được gọi là nữ hoàng trái cây. Măng cụt là một loại trái cây quý, ngoài hương vị thơm ngon còn là một dược liệu vô cùng quý giá. Măng cụt được dùng trong nền y học cổ truyền của một số nước để điều trị tiêu chảy, làm mau lành vết thương, chữa trị những rối loạn về da.
Măng cụt là trái cây nhiệt đới được nhiều người yêu thích vì vị ngon và giúp phòng nhiều bệnh tật. |
Bác sĩ Vũ cho biết, trong phần ăn được của quả măng cụt rất giàu dưỡng chất như chất đạm, chất béo, chất carbohydrates, chất xơ, calsium, chất sắt, phốt pho và vitamin như B1, C.
Thành phần có giá trị dược lý của măng cụt là một nhóm hợp chất có tên “xanthone”. Theo bác sĩ Vũ, chất này thuộc nhóm chống oxy hóa có nguồn gốc thực vật (polyphenol). Có khoảng 40 xanthone được nhận dạng trong măng cụt, nhiều nhất ở vỏ. Điều này giúp măng cụt là loại trái cây chứa nhiều xanthone nhất. Tác dụng của Xanthone cụ thể như:
- Tác động chống oxy hóa: xanthone là một hợp chất hóa học có hoạt tính chống oxy hóa rất cao, trên cả dâu tây.
- Kháng nấm: Nhiều loại xanthone và những dẫn chất của chúng đã được chứng minh có đặc tính kháng nấm và kháng vi khuẩn, kể cả những vi khuẩn có khả năng đề kháng kháng sinh.
- Kích thích hệ thống miễn dịch cơ thể, giúp cơ thể chống lại những vi sinh vật lạ xâm nhập.
- Ức chế sự oxy hóa của LDL, vì thế có tác động làm giảm cholesterol.
- Có tác dụng bảo vệ tế bào gan, ức chế những tế bào ung bướu, vì vậy được xem là một chất có tác dụng kháng ung thư.
- Tác động giảm đau: Một số xanthone có khả năng ức chế các hoạt động của men cyclo-oxygenase, nên măng cụt được dùng như một loại thuốc cổ truyền điều trị những chứng đau, viêm, làm hạ nhiệt độ cơ thể khi bị sốt...
- Xanthone còn được xem là “ứng viên tiềm năng” trong việc chữa trị những chứng bệnh Parkinson và Alzheimer.
Vì vậy, tại Australia, người ta đã dùng măng cụt để chế thành những viên thuốc có tác dụng giảm cân.
Cũng theo bác sĩ Vũ, dân gian thường dùng vỏ quả măng cụt làm thuốc chữa tiêu chảy, kiết lỵ, rối loạn tiêu hóa và giải trừ các chất độc do ăn uống. Tác dụng này của măng cụt chủ yếu là do chất tanin, chiếm 7-13% trong thành phần của vỏ quả. Khi bị đau bụng, đi tiêu lỏng, bệnh vàng da, người bệnh thường được cho uống nước sắc vỏ măng cụt.
Các bài thuốc từ vỏ quả măng cụt:
Thứ nhất, bạn cho chừng 10 vỏ quả măng cụt vào một nồi đất hay nồi đồng (tránh dùng nồi sắt hay nồi tôn), thêm nước cho ngập rồi đun sôi kỹ trong 15 phút. Ngày uống 3-4 chén to nước này.
Thứ hai, vỏ quả măng cụt khô 60g, hạt mùi 5g, hạt thìa là 5g, nước 1.200ml. Đun sôi, sắc kỹ cho cạn còn chừng một nửa (600ml). Mỗi lần uống 120ml. Uống mỗi ngày 2 lần.
Măng cụt là trái cây ngon nhưng bạn cũng không nên ăn quá nhiều. Những người bị hồng cầu đa nhân, rối loạn tiêu hóa, bệnh suy thận không nên ăn. Trung bình, bác sĩ Vũ khuyến cáo bạn chỉ nên ăn 2-3 quả/ngày./.