Lý do Mỹ quan tâm tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
(Baonghean.vn) - Trong chuyến công du 13 ngày tới châu Á, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tái khẳng định cam kết của nước này đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hãng tin DW đã nêu ra 4 lý do tại sao Mỹ quan tâm tới khu vực này.
Tổng thống Trump đã nhấn mạnh chính sách “Nước Mỹ trên hết”, khẩu hiệu mang đậm “bản sắc” của nhà lãnh đạo Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng nêu bật cam kết lâu dài của Washington đối với khu vực ông gọi là “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Quốc kỳ của Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: Getty |
1. Mở rộng thương mại khu vực
Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Mỹ. Ảnh: AFP |
Các doanh nghiệp Mỹ cần giao thương hàng hóa hoặc dịch vụ thành công, thì họ đặt mối quan tâm lớn vào việc tiếp cận tài nguyên thiên nhiên, doanh nghiệp và hàng tỷ khách hàng và lao động ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ- các nền kinh tế lần lượt đứng thứ hai, thứ ba và thứ 7 thế giới, đều là các đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ.
Mối quan hệ thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và Ấn Độ đã gia tăng đáng kể trong vòng 10 năm trở lại đây. Mỹ xuất khẩu tới 2 nước này với khối lượng gấp đôi giai đoạn 2006-2016. Cùng thời kỳ, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng hơn 60%, còn nhập khẩu từ Ấn Độ tăng hơn 100%.
Bất chấp những tuyên bố về “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Trump dường như không có ý định từ bỏ tất cả các biện pháp để củng cố mối quan hệ thương mại. Phát biểu tại Việt Nam ngày 10/11, ông Trump khẳng định mong muốn ký các thỏa thuận song phương với các nước trên, sẽ “tuân thủ nguyên tắc thương mại công bằng và có qua có lại”.
2. Tầm ảnh hưởng kinh tế gia tăng của Trung Quốc
Dưới thời ông Obama, Washington bắt đầu nỗ lực tập thể đối phó với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong thương mại khu vực. Ảnh: Reuters |
Bắc Kinh đang là đối thủ đáng gờm của Mỹ, với việc nổi lên là đối tác thương mại quan trọng nhất của nhiều nước trong khu vực. Một số quan chức Mỹ cho rằng Trung Quốc có thể tận dụng tầm ảnh hưởng để thiết lập quy tắc thương mại tại các nước đối tác, từ đó doanh nghiệp Trung Quốc hưởng lợi còn gây khó khăn cho doanh nghiệp Mỹ.
Hồi năm 2015, Tổng thống Obama đã dự đoán nỗi lo sợ này: “Ngay bây giờ, Trung Quốc muốn viết lên quy tắc cho thương mại tại châu Á… Chúng ta không thể điều này xảy ra. Chúng ta cần viết quy tắc”.
Chính tham vọng trên đã khiến Mỹ ủng hộ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bắt đầu vào năm 2011. Đây được xem là thỏa thuận quan trọng để đảm bảo việc Mỹ tiếp cận thị trường châu Á và thiết lập quy tắc thương mại khu vực.
Tuy nhiên, ông Trump đã rút khỏi TPP vào tháng 1 vừa qua, ngay khi nhậm chức Tổng thống Mỹ. Mặc dù sự rút lui của Washington không thể xóa bỏ TPP, song có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc trở thành người tạo nên luật chơi ở khu vực.
Bắc Kinh đã đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do với sự tham gia của 10 nước, được biết tới là “Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)” mà không có Mỹ.
3. Trung Quốc và Biển Đông
Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền làm nhiều nước láng giềng giận dữ, trong đó có đồng minh của Mỹ. Ảnh: CSIS |
Song sự lo ngại của Mỹ đối với Trung Quốc không chỉ là vấn đề tiền bạc, mà còn là cách hành xử của nước này tại khu vực láng giềng, mà nhiều quan chức Mỹ coi đây là thách thức an ninh.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã phớt lờ tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng ở Biển Đông và xây dựng các đảo nhân tạo, và thiết lập vùng cấm bay trên khắp khu vực.
Bất chấp sự phản đối của chính quyền tiền nhiệm Obama, quân đội Trung Quốc vẫn bảo vệ tuyên bố chủ quyền của mình, đe dọa tàu hải quân nước ngoài và máy bay đi quá gần vị trí của nước này. Nếu những đe dọa này khiến xung đột bùng phát, thì Mỹ sẽ “bị kéo vào” với tư cách là liên minh với các nước láng giềng của Trung Quốc.
4. Vũ khí hạt nhân
Mỹ luôn phản đối sự phổ biến vũ khí hạt nhân. Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là ngôi nhà của 4 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân: Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên, và Washington chỉ chấp nhận một quốc gia có quyền sở hữu, đó là Trung Quốc.
Mỹ chấp thuận bởi hiệp ước quốc tế về vũ khí hạt nhân có tên gọi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), trao cơ hội cho Bắc Kinh phát triển và sở hữu chúng. Tuy nhiên NPT không trao quyền này cho 3 nước còn lại.
Ngoài vấn đề luật pháp, còn có những lý do thực tiễn khác khiến quốc tế lo lắng nếu 3 nước Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân.
Nhiều nhà quan sát cho biết Ấn Độ và Pakistan có thể sử dụng vũ khí để tấn công lẫn nhau. Cả hai nước này đều đã bước vào cuộc chiến 3 lần, và cả 2 đều đe dọa sử dụng kho vũ khí hạt nhân nếu xảy ra một cuộc xung đột nữa. Pakistan cũng là một thách thức bởi nguy cơ từ các nhóm khủng bố Hồi giáo hoạt động tại nước này, có thể tiếp cận được kho vũ khí hạt nhân của đất nước.
Thời gian gần đây, Mỹ tập trung giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Quốc gia cô lập này dường như có năng lực không chỉ tấn công các đồng minh Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc, mà còn cả lục địa Mỹ. Đáp trả, Tổng thống Trump cảnh báo nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rằng sẽ phải hứng chịu “lửa thịnh nộ chưa từng có” nếu không chấm dứt chương trình tên lửa và hạt nhân của mình./.
Lan Hạ
(Theo DW)
TIN LIÊN QUAN |
---|