Lý giải về cung hoàng đạo trong chiêm tinh học
Cung hoàng đạo được xác định bởi vị trí của Mặt Trời trên bầu trời so với 12 chòm sao và có mối liên hệ chặt chẽ với chiêm tinh học.
12 cung hoàng đạo gắn liền với chuyển động của Trái Đất trên bầu trời. Ảnh: Wordpress. |
Cung hoàng đạo, hay 12 dấu hiệu (sign) được liệt kê trong tử vi, gắn liền với sự chuyển động của Trái Đất trên bầu trời. Do Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời trên một mặt phẳng, chúng ta sẽ thấy Mặt Trời xuất hiện và di chuyển qua phía trước các chòm sao khác nhau trong một năm, theo Earth Sky.
Cũng giống như Mặt Trăng xuất hiện tại một vị trí hơi khác trên bầu trời qua mỗi đêm, vị trí của Mặt Trời so với những ngôi sao nền ở xa dịch chuyển dần về hướng đông từ ngày này qua ngày khác. Ví dụ, nếu tháng này Mặt Trời đang ở vị trí chòm sao Song Tử thì tháng tiếp theo nó sẽ ở vị trí chòm sao Cự Giải.
Những ngày tháng cụ thể được liệt kê trong tử vi phương Tây dùng để nhận biết thời điểm Mặt Trời xuất hiện trong một cung hoàng đạo. Ví dụ, từ ngày 21/3 đến 19/4 là cung Bạch Dương. Hiện nay, cung hoàng đạo khi bạn sinh ra không nhất thiết trùng với tên chòm sao mà Mặt Trời đang đi qua.
Để hiểu lý do tại sao các chòm sao không còn phù hợp với cung hoàng đạo tương ứng, chúng ta cần biết thêm về cách Trái Đất di chuyển.
Trái Đất quay tròn và cực Bắc của nó không phải luôn chỉ về cùng một hướng. Giống như con quay, Trái Đất cũng lắc lư khiến cực Bắc chuyển động thành một vòng tròn trên Thiên Cầu. Sự rung lắc này diễn ra khá chậm với chu kỳ 26.000 năm, khiến Trái Đất không thực sự hoàn thành một vòng quỹ đạo trong một năm. Sau khoảng 2.000 năm, Mặt Trời sẽ ở vị trí chòm sao hoàn toàn khác trong cùng khoảng thời gian.
Vào ngày hạ chí trong tháng 6 cách đây 2.000 năm, Mặt Trời gần như đang nằm giữa vị trí chòm sao Song Tử và Cự Giải. Nhưng ngày hạ chí năm 2016, Mặt Trời ở vị trí giữa chòm sao Song Tử và Kim Ngưu. Năm 4609, Mặt Trời sẽ rời khỏi chòm sao Kim Ngưu để tới chòm sao Bạch Dương trong ngày hạ chí.
Các cung hoàng đạo trùng với chòm sao tương ứng mà Mặt Trời đi qua được xác định từ 2.000 năm trước. Nhưng vào giữa thế kỷ 21, sự rung lắc chậm chạp của trục quay Trái Đất khiến điểm hạ chí, đông chí và xuân phân, thu phân bị dịch chuyển khoảng 30 độ về phía tây so với các chòm sao. Hiện nay, các cung hoàng đạo và chòm sao lệch nhau khoảng một tháng. Khoảng 2.000 năm nữa, chúng sẽ lệch nhau khoảng hai tháng.
Những chòm sao hoàng đạo không có kích thước và hình dạng giống nhau. Hầu hết chúng xuất hiện trong văn bản của người Babylon cổ đại và được giới thiệu bởi Ptolemy, nhà thiên văn học người Hy Lạp sống trong thế kỷ 2.
Năm 1930, Hiệp hội Thiên văn Quốc tế phân định ranh giới các chòm sao hiện đại với tất cả 13 chòm sao nằm dọc theo đường đi của Mặt Trời. Chòm sao không được liệt kê trong tử vi phương Tây là Xà Phu (Ophiuchus) nằm giữa chòm sao Nhân Mã và Bọ Cạp./.
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|