Mái ấm bình dị

23/10/2014 22:06

(Baonghean) - Ở xóm 8, xã Hùng Thành (Yên Thành) có một ngôi nhà nhỏ nép dưới tán cây, xây từ những năm 80 của thế kỷ trước. Đó là mái ấm của anh Lê Đình Trọng, một người đàn ông tật nguyền luôn bền bỉ trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc...

NỖI ĐAU TẬT NGUYỀN

Chúng tôi tìm đến nhà khi anh Trọng đang cặm cụi ngồi sửa mấy thứ đồ điện gia dụng cho khách, xung quanh đồ đạc ngổn ngang. Đôi chân bé tẹo dính sát vào bụng, tay phải cầm chiếc máy hàn nhỏ, tay trái bị tật co quắp nên cầm nắm đồ vật rất khó khăn. Nhưng lúc chuyện trò, từ nét mặt của người đàn ông ấy toát lên sự rắn rỏi, ánh nhìn toát lên vẻ thông minh và đầy nghị lực. “Đã có lúc, tôi nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ không thể rời xa chiếc giường. Những người thân thiết đã tiếp cho tôi nghị lực sống để vươn lên, đủ sức mạnh và tự tin để tìm kiếm và xây dựng hạnh phúc” - Lê Đình Trọng mở đầu câu chuyện, rất nhiều lần anh nhắc đến hai từ “nghị lực” và “vươn lên”...

Anh Lê Đình Trọng.
Anh Lê Đình Trọng.

Lê Đình Trọng sinh năm 1972, thời điểm bom Mỹ đánh phá ác liệt trên địa bàn Nghệ An, bao cơ sở kinh tế bị phá hoại, làng mạc bị tan hoang. Mỗi lần có hiệu lệnh máy bay xuất hiện, bố mẹ thường đưa anh xuống trú ẩn dưới hầm. Không hiểu vì sao, từ một đứa trẻ sơ sinh bình thường, khỏe mạnh, cơ thể anh ngày càng teo tóp, chân tay cử động ngày một khó khăn. Sau này, bà Bùi Thị Mai- mẹ anh Trọng cho rằng, có lẽ do mới sinh ra, chưa đủ sức đề kháng đã phải xuống hầm sâu, nước xăm xắp, nhiều hơi đất và vi trùng đã ảnh hưởng đến sức khỏe con trai mình. Thương con, trong cảnh bom rơi đạn nổ, bố mẹ anh Trọng đi khắp nơi tìm thầy giỏi, thuốc hay, cuối cùng các thầy thuốc đều lắc đầu. Chân tay của anh vẫn ngày càng nhỏ lại, cơ bắp cứ teo dần. Chiến tranh kết thúc, vợ chồng bà Mai quyết định bán đồ đạc, gia tài và chạy vạy thêm đưa con ra tận Hà Nội, hy vọng những thầy thuốc ở Thủ đô sẽ chữa trị được căn bệnh quái ác của con trai mình. Nhưng rồi, thêm một lần nữa, ông bà phải trở về trong nỗi thất vọng. Cũng từ đó, Trọng chấp nhận số phận tật nguyền.

Vợ chồng ông Lê Văn Bỉ và bà Bùi Thị Mai có 8 người con, Trọng là con thứ 6. Tuổi thơ của Trọng là những cơn đau buốt toàn thân, tay chân thường xuyên bị co giật, việc di chuyển và sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn. Cũng may nhà đông người, các thành viên trong gia đình đều thương yêu và quan tâm chăm sóc người bị thiệt thòi nhất. Từ bữa ăn, giấc ngủ đến tắm rửa đều được bố mẹ và các anh chị em nâng đỡ. Nhưng rồi, bố mẹ ngày càng già yếu; đến tuổi dựng vợ gả chồng, các anh chị em lần lượt ra cửa nhà để xây dựng cho mình một cuộc sống mới. Lúc đó, Lê Đình Trọng đã bước vào tuổi thanh niên. Thật may, ở thời điểm này, sức khỏe của anh khá lên nhiều so với trước, có thể tự mình ngồi dậy trên giường. Anh suy nghĩ nhiều về số phận của mình, về cuộc sống xung quanh để tìm cho mình một phương hướng. Trước tiên là phải gượng dậy, không thể cứ trông chờ mãi vào bố mẹ già, không thể suốt đời thành người vô dụng nên phải tập di chuyển trong nhà. Hai chân quắp vào bụng, anh phải di chuyển bằng tay. Những bước di chuyển ban đầu rất đau, có cảm giác như muôn vàn sợi dậy trong cơ thể bị néo căng, rồi thi nhau co giật khiến anh vật vã, nước mắt giàn dụa.

Có lúc, anh đã nghĩ đến chuyện đầu hàng số phận, đồng nghĩa với việc mãi mãi trở thành gánh nặng của bố mẹ, mãi mãi bị nhấn chìm. Rồi đến một lúc nào đó, bố mẹ cũng phải về với tổ tiên, khi ấy biết dựa vào ai? Nghĩ đến đó, Lê Đình Trọng lại quyết vượt qua đau đớn, luyện tiếp những bước đi. Nghị lực của anh đã được đền đáp, mấy tháng sau anh đã có thể tự mình di chuyển khắp nhà, tự mình vệ sinh cá nhân. Rồi bố mẹ mua cho anh chiếc xe lăn, giúp anh bước ra khỏi cổng, đi khắp trong vùng để thăm nom họ hàng, làng xóm. Anh ngày càng yêu đời hơn, gặp ai trước tiên anh cũng chào bằng một nụ cười. Rồi hạnh phúc lứa đôi mỉm cười với Trọng. Đám cưới của anh đã “mở đường” cho những người tật nguyền xây dựng hạnh phúc. Bởi lẽ, sau đó ở vùng quê này liên tục có 4 đám cưới của người khuyết tật. Trước đó, những người khuyết tật thường ít xây dựng gia đình, vì ở quê chủ yếu làm nông nghiệp, không có việc gì thích hợp để họ tìm kế sinh nhai. Gia đình và chính bản thân người khuyết tật không đủ tự tin để quyết định xây dựng hạnh phúc...

TÌM ĐƯỢC MÁI ẤM

Xung quanh mình, mỗi người đều có một công việc để mưu sinh, anh cũng muốn mình có một công việc để có cái ăn hàng ngày, để khỏi dựa mãi vào bố mẹ. Ở vùng quê thuần nông này, một người tàn tật như anh Trọng có thể làm được việc gì thích hợp? Việc cấy cày, gặt hái anh đành chịu, nghĩ mãi chỉ có nghề sửa đồ điện gia dụng là thích hợp với anh. Nhưng khi còn nhỏ, sức yếu, nằm liệt giường, không có cơ hội đến trường học cái chữ thì làm thế nào để có thể học sửa chữa đồ điện? Không chịu bó tay, Lê Đình Trọng ngồi mày mò, tháo từng loại thiết bị điện để tự nghiên cứu cấu tạo và nguyên tắc hoạt động, rồi lại lắp vào như cũ. Những thiết bị đắt tiền, anh xin những cái cũ, cái đã bị hỏng rồi tháo tung ra để tìm hiểu. Cứ thế, tháo rồi lại lắp, lắp rồi lại tháo, đến lúc công việc này trở nên nhuần nhuyễn cũng là lúc anh có thể bắt đầu hành nghề. Từ đó, mỗi khi nồi điện, quạt điện và các thiết bị điện gia dụng gặp trục trặc, bà con xóm giềng liền đem đến nhà Trọng. Người quê sống với nhau chân thành và vị tha, họ đem đến một phần là tin ở tay nghề của anh, phần khác họ muốn giúp anh có thêm đồng ra đồng vào. Không thể nói là kiếm được nhiều tiền, có điều việc sửa đồ điện đã giúp anh Trọng tích cóp được một ít vốn, và quan trọng hơn nó mang đến cho anh niềm vui, làm vơi đi nỗi buồn.

Ban ngày cặm cụi với việc sửa điện, ban đêm Lê Văn Trọng theo những người bạn cùng trang lứa đi chơi khắp làng, có khi sang các làng khác, xã khác. Một lần, anh cùng những người bạn của mình đánh đường sang xã Phúc Thành, tìm đến chơi nhà cô gái có tên Phạm Thị Công (sinh 1979). Cô thôn nữ này hiền lành, chăm chỉ, chuyện trò khá cởi mở và có nét duyên. Đêm ấy, chàng thanh niên tật nguyền gần như chỉ thao thức, không chợp mắt. Lòng cứ bâng khuâng, xao xuyến, hình bóng cô gái xã bên cứ thấp thoáng, chưa bao giờ anh có cảm giác lạ như vậy. Đêm hôm sau, rồi những đêm sau nữa, Trọng đều rủ bạn bè sang bằng được nhà Công. Cô thôn nữ vẫn chuyện trò vui vẻ, đôi mắt nhìn người thanh niên tật nguyền đầy vẻ trìu mến và cảm thông. Một đêm nọ, Trọng quyết định một mình đi xe lăn sang Phúc Thành, chặng đường chỉ khoảng 1 cây số với niềm hy vọng và có cả nỗi lo âu, hồi hộp. Hai người ngồi bên nhau rất khuya, ánh trăng dát vàng lên cánh đồng phía trước, anh quyết định tỏ tình. Cô gái nín lặng khá lâu. Anh thấp thỏm chờ câu trả lời. Cuối cùng, cô lên tiếng, giọng nhỏ nhẻ và ngập ngừng: “Em đồng ý nhận lời anh. Nhưng phải đợi ngày mai em xin phép bố me...”. Niềm hạnh phúc trong anh vỡ òa, không gian đang tĩnh lặng bỗng như cất lên muôn vàn giai điệu. Con đường lúc đi sao thấy dài dằng dặc, lúc về chỉ còn tựa gang tay, chiếc xe lăn dường như đang bay giữa không trung, không còn chạy dưới mặt đất...

Ít lâu sau cái đêm trăng sáng ấy, đám cưới của Lê Đình Trọng và Phạm Thị Công được tổ chức. Đó là một ngày giữa năm 2006, nhiều người dân ở xã Hùng Thành và Phúc Thành đã tạm gác công việc để đến dự đám cưới đặc biệt này. Chú rể ngôi trên chiếc xe lăn, khuôn mặt rạng ngời. Cô dâu đi bên cạnh, dáng vẻ e ấp, thẹn thùng nhưng vẫn không giấu được niềm vui. Dọc đường rước dâu người đông nghịt, bà con đều đến hôn trường để mừng hạnh phúc đôi uyên ương. Đến nay, sau 8 năm chung sống, tình cảm của hai người đã thực sự kết trái đơm hoa. Gia đình giờ đã có thêm 2 con là Lê Thị Ly (2008) và Lê Thị Linh (2012). Hai con gái của anh chị đều khỏe mạnh, phát triển bình thường, chăm ngoan. Bé Ly năm nay đã bước vào lớp 1. Ngôi nhà nhỏ bé, đơn sơ ấy luôn ăm ắp tiếng cười. Hằng ngày, anh Trọng sửa chữa đồ điện gia dụng. Trước khi mất, bố mẹ truyền cho anh nghề bốc thuốc Nam chữa một số bệnh thông thường, để có thêm thu nhập. Chị Công trở thành nhân lực chính của gia đình với hơn 2 sào ruộng, chăn nuôi lợn, gà và rảnh thì tranh thủ làm thuê, cuốc mướn hay chạy chợ. Cuộc sống chưa đủ đầy, nhưng cũng không quá gieo neo, túng quẫn. Nhìn ánh mắt và nụ cười của hai người, chúng tôi biết họ đang hạnh phúc.

Chúng tôi gọi chị Phạm Thị Công là người phụ nữ dũng cảm, bởi đã không ngần ngại khi nhận lời cầu hôn của một người đàn ông tật nguyền. Chị chia sẻ: “Tôi đến với anh, trước hết vì tình thương, nhận ra trong con người anh là cả một nghị lực phi thường và niềm khát khao hạnh phúc. Dù biết trước sẽ gặp nhiều khó khăn, vất vả và cả thiệt thòi nhưng tôi vẫn quyết định gắn bó cuộc đời với anh. Tình thương yêu, niềm cảm phục đã giúp tôi vượt qua rào cản...”. Qua chuyện trò, chị ngỏ ý muốn được hỗ trợ cho vay nguồn vốn khoảng 70 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, thời hạn dài để đầu tư kinh doanh hàng tạp hóa và phát triển chăn nuôi. Rồi khi trả hết nợ sẽ tính chuyện sửa sang, nâng cấp ngôi nhà. Ngôi nhà bố mẹ để lại, giờ đã xuống cấp, nền thấp hơn mặt đường cái, hễ mưa to là nước tràn vào.

Tiễn khách ra về, anh Lê Đình Trọng chia sẻ: “Số phận tật nguyền nhưng tôi luôn nhìn mọi người xung quanh để sống và phấn đấu. Nếu còn sức khỏe, tôi sẽ còn vươn lên nữa...”. Chị Phạm Thị Công thì nở nụ cười đôn hậu, rồi tiếp tục với công việc hàng ngày. Căn nhà nhỏ của họ ấm áp niềm hạnh phúc bình dị!

Bài, ảnh: Công Kiên

Mới nhất
x
Mái ấm bình dị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO