Mần

MẦN

Ngày còn đi học, tôi được nghe thầy giáo bộ môn Lịch sử kể câu chuyện về anh hùng Cù Chính Lan, một người lính mưu trí và dũng cảm, anh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quỳnh Lưu, Nghệ An. Chuyện rằng, trong một trận chiến tại Giang Mỗ (Hòa Bình), ngày 13/12/1951, bất ngờ có một xe tăng Pháp tiếp viện, bắn dữ dội vào đội hình, chặn đường rút và làm nhiều lính Việt Minh thương vong. Giữa lúc chiến trường đang ác liệt ấy thì không may súng của Cù Chính Lan bị hóc cò. Anh lập tức hô đồng đội tập trung l­ưu đạn đến cho mình rồi lại nhanh nhẹn nhảy lên xe, giật nắp mở chốt, chờ cho khói thuốc xì ra được một vài giây rồi mới ném vào buồng lái, lựu đạn nổ diệt hết lính tăng trong xe. Điều đáng khâm phục là trước khi trèo lên xe tăng địch Cù Chính Lan quay lại nói với đồng đội của mình “Chết cũng mần”!

Thật khẳng khái và đanh thép! Đó là câu nói của một người dám hiến dâng cả tuổi thanh xuân và mạng sống của mình cho Tổ Quốc thiêng liêng, câu nói của anh tạc vào lịch sử. Câu nói của một người lính xứ Nghệ đầy chất Nghệ! Thú thực, thuở ấy chúng tôi còn quá nhỏ để cảm nhận hết được giá trị nhân văn, cái tính cách “can đảm đến sơ suất, kiên quyết đến khô khan” của một người lính Nghệ. Tuy nhiên, dẫu vậy với chúng tôi thì chữ “mần” sau câu chuyện ấy bắt đầu hằn sâu vào tiềm thức, như một mệnh lệnh ngắn gọn trước từng quyết định quan trọng của mình. “Mần” hay không “mần”!

“Mần” là phương ngữ, nếu “quy đổi” ra tiếng phổ thông thì nghĩa tương đương của nó là “làm”. Tuy nhiên, mần không chỉ mang mỗi cái nghĩa làm thông thường mà nó nhiều hơn, rộng hơn thế. Mần đồng nghĩa với chữ làm nhưng nó được hun đúc, được tôi rèn, được lớn lên từ lũy tre bờ lúa, từ miền gió Lào cằn cỗi nắng trưa. Ở chữ mần có cái vị mặn mòi của mồ hôi, cái chai sần của bàn tay lao động. Trong cuộc sống, có những việc, có những tình huống phải dùng chữ mần mới thổi được cái hồn của người nói, mới thể hiện hết được cái chất của người làm. Nôm na là phải dùng chữ mần thì mới đủ đặm, đủ công lực, dùng chữ mần mới đã! Chữ mần gắn với người Nghệ đã đành nhưng hơn thế, chữ mần còn ẩn chứa trong đó tính cách người Nghệ. Một số tỉnh miền Trung cũng dùng chữ mần, nhưng có vẻ như chữ mần khi ở Nghệ An có sức nặng và độ chắc, độ gằn hơn thì phải. Khi người Nghệ đã nói “mần” thì đó là một lời cam kết chứa đựng cả danh dự và lòng quyết tâm.

“Choa đã nói là mần”, “Choa đã mần là ra mần”. Với người Nghệ thì chữ mần vốn đã đa nghĩa sẵn. Đôi khi ăn uống cũng gọi là mần. Trước khi đi ra ruộng thì tranh thủ “mần” mấy củ khoai, ăn xong khoai thì “mần” vài đọi chè chát, uống xong nước thì “mần” thêm điếu thuốc lào… Cứ thế, chữ mần đồng hành cùng cuộc sống thường nhật dung dị, hiền lành và mộc mạc. Tôi có chị hàng xóm, khi nghe cậu con trai cưng trình bày kế hoạch đưa bạn gái về ra mắt, người mẹ ấy đã thẳng thắng hỏi cậu rằng “Hai đứa bay đã mần chi chưa?”. À, “mần còn có cả ý nghĩa phồn thực nữa nhé!

Thế rồi chữ mần lầm lũi bước vào thế giới 4.0, không lạc lõng mà chẳng còn dung dị,  không dã man nhưng cũng bớt hiền lành. Vài năm lại nay, chữ mần cũng được phổ thông hóa phần nào, nó không là đặc quyền đặc sản của miền Trung nữa. Đây đó đã bắt đầu xuất hiện vài ba anh chị “Bắc Hà” thỉnh thoảng mượn đến chữ mần của miền Trung để dằn mặt con nợ. Mà chữ mần ngày nay hình như cũng đã khác, nó có vẻ không còn nguyên vẹn cái ngữ nghĩa xa xưa nữa. Cách đây chưa đầy tuần, một cậu choai choai sinh năm 2003 chở cô bạn gái cùng tuổi vượt đèn đỏ. Khi được người đi đường nhắc nhở cậu ta liền rút dao đuổi theo và lạnh lùng… mần. Khổ thân anh, một mạng người ngã xuống sau nhát dao cùng chữ mần gọn lọn, để lại vợ trẻ con thơ mẹ già ai oán khóc than.

Cũng cách đây mấy ngày, trên mạng Internet lan truyền hình ảnh công an bắt mấy chục nam thanh nữ tú đang phê ma túy trong khách sạn. Những người tuổi lao động nằm lăn la lăn lóc la liệt. Trời ơi, nếu cứ ma túy hàng tấn hàng tạ thế này, nếu cứ hô nhau “mần” tập thể như vậy thì mai mốt tương lai đất nước này sẽ đi về đâu? Thảm họa. Hôm kia, công an vừa bắt một vụ ma túy lớn ở đường PCK thành phố Vinh, báo chí được thông báo hạn chế đưa tin vì để các anh tiếp tục mở rộng vụ án. Vâng, chúng ta cảm nhận cuộc chiến ma túy đang ở giai đoạn khốc liệt và cam go nhất. Tương lai đất nước và giống nòi dân tộc đang báo động đỏ cực kỳ nghiêm trọng. Cần lắm một chiến dịch mạnh tay quét sạch ma túy. Ước gì có ai đó như Cù Chính Lan để lúc này thốt lên “chết cũng mần”!

Từ vụ đại án ma túy SG, HN, HP, giờ đến Vinh với quy mô khủng khiếp. Vụ sau lớn hơn vụ trước. Ma túy không còn tôm tép nữa mà là tạ, là tấn! Trong các quán ba nhà hàng, khách sạn là hàng loạt vụ sử dụng ma túy thác loạn được phanh phui, 100% trong số đó là người trẻ. Có cả cô giáo, viên chức nhà nước, thậm chí giám đốc ngân hàng nọ kia. Vì sao nên nỗi?

Trước khi ngồi vào máy viết những dòng này, thì mới hôm qua thôi, một cu cậu đã nói thật với tôi rằng “Thời bây giờ à giờ đã có cuộc vui là phải có cái ấy, không có cái ấy quê lắm, mà đã có cái ấy kiểu chi cũng phải… mần”! Tôi sững sờ khi được mô tả rằng: Thay cho lời hô “Một hai ba zô” tại các quán nhậu giờ thì trong các đại tiệc ma túy núp bóng liên hoan, sinh nhật, họp lớp  cũng hô: “Một hai ba… mần!”. Chao ôi. Sau chữ mần là họ quăng quật cuộc đời về phía không lành lặn và mờ mịt tương lai.

Lại nói về chữ mần trong cuộc sống. Xã hội có nhiều loại người. Loại thứ nhất là nói được mần được. Thường thì đây là những nhân tố tích cực có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Loại thứ hai chỉ có mần, không nói nhiều. Loại thứ ba nói nhưng không mần, loại này nguy hiểm lắm. Tuy nhiên, sợ nhất là đám người nói một đàng mần nột nẻo. Vâng, loại này rẫy đầy ra đó. Có những kẻ là hiệu trưởng là diễn giả thuyết trình cho chuyên đề chống xâm hại trẻ em, nhưng chính chúng nó lại lạm dụng hàng chục học sinh của mình. Có kẻ là viện phó viện này viện nọ, trước lúc về làm “người tử tế” còn là trưởng ban vì sự tiến bộ phụ nữ nữa cơ. Lúc trước diễn đàn chắc “nựng” chị em hay lắm. Vậy mà lúc vào thang máy chính y ép cháu gái 9 tuổi để làm điều ô uế. Loại này đúng là “Nói thì như thần, mần thì như ma”. Tệ hơn nữa là họ dám mần nhưng lại không dám chịu.

Cũng na ná như vụ bí thư chịu tiếng oan nọ. Rõ là suốt ngày lo cho miếng cơm manh áo cho dân, sơ suất đến mức con thi đại học bị người ta “mần điểm” mà không hề hay biết. Đến khi sự việc vỡ lở, ông ca thán rất buồn vì con mình bị kẻ xấu cố tình nâng điểm lên tầm thủ khoa. Thương ông, thương cả con gái của ông, bao nhiêu năm vén vun đạo đức chi cũng mần được mà lại nỏ biết mần… ngài!

Câu chuyện đề xuất thu phí đối với người nhà bệnh nhân cũng thế thôi. Dân thì cứ động tí là giãy nảy cả lên. Không chịu kiên nhẫn để nghe những lý giải đầy hàn lâm về lý luận và cũng đầy đúng đắn và rành mạch về khoa học tài chính. Vụ này dân đang phản ứng dữ dội, Bộ Yêu thì đang im lặng ghê gớm. Dự là Bộ Yêu vẫn chỉ đạo thu thôi. Dân muốn mần chi cũng được, để có tiền Bộ chỉ cần mần… ngơ là được! Đó là chưa nói ngày nay, đôi khi để có tiền thì “chết cũng mần”.