Màn so găng giữa AK-47 với súng Mỹ
Chuyên gia Robert Beckhusen của National Interest vừa đưa ra lý do khiến binh sĩ Mỹ thích dùng khẩu AK-47 của Nga hơn là súng trường M16 do Mỹ sản xuất.
Chuyên gia Robert Beckhusen cho rằng AK-47 đã trở thành một vũ khí tối thượng không chỉ giữa những kẻ xấu trong phim bom tấn Hollywood hay các trò chơi video có ngân sách lớn, mà còn đối với binh lính Mỹ.
"Đầu tiên, AK-47 chỉ có số lượng nhỏ trong các trận chiến Việt Nam ở miền Nam Việt Nam… Điều này dẫn đến thực tế rằng AK-47 là một thứ vũ khí uy tín", Kevin Dickery, chuyên gia National Interest cho biết.
Việc lính Mỹ thường bỏ khẩu M16 của họ và chiến đấu bằng súng AK-47 xuất phát từ thực tế khẩu súng của Kalashnikov đáng tin cậy hơn nhiều, đơn giản hơn với hộp đạn có thể chứa 30 viên đạn.
Binh sĩ Mỹ dùng súng AK-47. |
Để chứng minh nhận định của vị chuyên gia Mỹ, một cuộc tái đấu giữa khẩu AK-47 và M-16 đã diễn ra. Cuộc so tài được thực hiện bởi cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, diễn viên nổi tiếng Mỹ R. Lee Ermey và các đồng ngũ của mình. Mục đích của màn so tài này nhằm so sánh, khẩu súng nào tốt hơn, AK47 hay M16?
Dù kết quả trong cuộc tái đấu hòa bình này không được công bố chi tiết nhưng lợi thế đã thuộc về khẩu AK-47.
Trong lịch sử quân sự thế giới, AK-47 và các phiên bản của nó, cùng với AR-15 và bản cải tiến M16 luôn luôn tranh nhau ngôi vị số một trong các loại vũ khí cá nhân.
Tuy AR-15 (M16) có tốc độ bắn nhanh, tầm bắn xa, độ chính xác cao nhưng uy lực và độ tin cậy kém hoàn toàn so với AK.
Trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, AK-47 đã thắng một cách thuyết phục nhờ tính đơn giản và hiệu quả, đặc biệt là sự phù hợp tuyệt đối của AK-47 với chiến thuật đánh gần, đánh đêm của Việt Nam.
Kỹ năng điểm xạ hai viên một lần được Quân đội nhân dân Việt Nam rèn luyện tới mức điêu luyện trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Quân đội Mỹ vừa ngưỡng mộ khả năng tác chiến của AK-47, lại vừa sợ hãi uy lực của nó.
Đã có rất nhiều lý do đưa ra về việc lính Mỹ yêu thích AK-47, cụ thể, đây là loại súng được thiết kế với cơ cấu cò súng làm chậm phát đập búa để giảm tốc độ bắn, còn cơ cấu cò súng của M16 không thực hiện được điều này.
Để giải quyết vấn đề tốc độ bắn quá nhanh, các nhà thiết kế Mỹ đã đưa ra giải pháp làm yếu lò xo của bộ phận đẩy về. Tuy nhiên, cải tiến này lại trở thành một thảm họa, súng thường xuyên bị kẹt đạn do lò xo đẩy về không hết.
Khi kẹt đạn, người bắn sẽ ấn vào cái cần nhỏ này để đẩy khóa nòng về và lên viên đạn mới. Nếu không có bộ phận này người bắn phải giật "quy lát" về sau hoặc thay băng đạn mới và tốn khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, trong thực tế chiến đấu bộ phận "foward assist" không cải thiện được tình trạng này là bao.
Một khi đã xảy ra tình trạng kẹt đạn thì việc ấn vào "foward assist" cũng chỉ giúp súng bắn thêm một viên đạn nữa và đâu lại vào đó. Bộ phận "foward assist" là một cải tiến mang tính chắp vá bởi gốc rễ của tình trạng hay kẹt đạn của M16 nằm ở cơ cấu trích khí và bộ phận đẩy về.
Một nhược điểm khác của M16 là rất nhạy cảm với bụi bẩn trong điều kiện chiến trường khắc nghiệt. Các chi tiết bên trong của súng có độ chính xác cao và độ rơ rất thấp, do đó chỉ cần bám bẩn và không vệ sinh kịp thời là súng rất dễ kẹt đạn.
Vấn đề kẹt đạn của M16 đã trở thành một chủ đề đau đầu của binh lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Trong một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 1967, trong số 1.585 binh lính được đặt câu hỏi về độ tin cậy của M16 có đến 80% binh lính trả lời là họ đã từng bị kẹt đạn khi sử dụng loại súng này. Bất chấp kết quả khảo sát nghèo nàn, quân đội Mỹ vẫn tuyên bố M16 là súng trường tốt nhất để chiến đấu.
Mặc dù M16 sử dụng đạn nhỏ hơn nhưng lại không hề nhỏ gọn ngay cả khi so sánh với AK-47 sử dụng cỡ đạn lớn hơn. AK-47 có chiều dài tổng thể 870 mm, trong khi đó M16A1 có chiều dài 986 mm, M16A2 dài đến 1,06 m.
Xét về tổng thể, M16 mới chỉ đáp ứng tiêu chí nhẹ chứ chưa thực sự gọn. Trải qua quá trình sử dụng và nâng cấp, tình trạng kẹt đạn của M16 dần được khắc phục nhưng sức mạnh và độ tin cậy của khẩu AK-47 vẫn khiến người Mỹ khó cưỡng lại được.
Và đây chính là nguyên nhân khiến Mỹ quyết định sản xuất khẩu súng huyền thoại của Kalashnikov này.