Mạng Internet sẽ chập chờn trong 4 ngày tới
Việc truy cập internet tại Việt Nam bị chập chờn từ ngày 6/1 đến ngày 9/1 do tuyến cáp quang biển AAG và APG di dời và cấu hình lại.
Cụ thể, theo thông báo từ hệ thống cáp APG, để phục vụ việc mở rộng sân bay Changi (Singapore), hệ thống sẽ tiến hành di chuyển cáp tại Singapore dự kiến từ 00h00 ngày 6/1 đến 22h00 ngày 7/1/2018.
Cũng theo kế hoạch của đối tác quốc tế, kể từ ngày 6/1, đối tác sẽ tiến hành cấu hình lại nguồn tuyến cáp AAG và dự kiến đến ngày 9/1/2018 sẽ khôi phục xong hoàn toàn tuyến cáp AAG.
Trong quá trình 2 tuyến cáp biển được di dời và cấu hình hệ thống, lưu lượng kênh truyền kết nối Internet quốc tế trên các tuyến cáp biển này sẽ tạm thời bị gián đoạn, ảnh hưởng đến các nhà mạng quốc tế và Việt Nam đang khai thác trên các tuyến cáp quang biển này.
Ảnh minh họa |
Để hạn chế ảnh hưởng, theo đại diện VNPT, một trong những đơn vị khai thác trên 2 tuyến này, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức định tuyến, ưu tiên lưu lượng trên các hướng cáp biển khác và tuyến cáp quốc tế chạy trên đất liền đang hoạt động nhằm đảm bảo chất lượng kết nối quốc tế cho các khách hàng. Tuy nhiên, chất lượng kết nối Internet của một số khách hàng sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, VNPT đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác để cập nhập tình hình.
Cáp quang biển APG (Asia Pacific Gateway) có khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Tuyến cáp có chiều dài khoảng 10.400 km đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương. Cáp có điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Trong khi đó, AAG được đưa vào hoạt động từ tháng 11/2009 có tổng chiều dài 20.191 km và tổng dung lượng lên đến 2Terabit/giây có tổng vốn đầu tư 560 triệu USD. Tuyến AAG có các điểm cập bờ tại Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Tungku (Bruney), Currimao (Philippinnes), South Lantau (Hong Kong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)…Tuyến AAG cập bờ Việt Nam tại Vũng Tàu, nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km.
Bên cạnh kế hoạch di dời và cấu hình lại theo kế hoạch nêu trên, cáp quang biển AAG và APG nhiều lần gặp sự cố ngẫu nhiên kể từ khi đi vào hoạt động. Trong năm 2017, tuyến AAG đã xảy ra vấn đề ít nhất năm lần. Trong khi đó hệ thống APG mới hoạt động từ đầu 2017 nhưng đến giữa năm cũng đã bị đứt.