Mắt chữ A mồm chữ O nghe giọng chợ Cồn

17/09/2016 12:13

(Baonghean.vn)- Nói rất nhanh, nặng và sử dụng tiếng địa phương là chủ yếu khiến cho người vùng khác nghe chỉ biết tròn mắt nhìn. Đó là giọng nói người dân vùng chợ Cồn (Thanh Chương).

Tiếng chợ Cồn nổi danh là một trong những chất giọng đặc trưng của Nghệ An bởi mang nhiều thổ âm và thổ ngữ. Chính người dân ở đây cũng không thể giải thích được vì sao vùng đất này lại "sản sinh" ra giọng nói “đặc trưng” như vậy.

Người dân vùng chợ Cồn bàn kế hoạch đón Tết Trung thu cho các em thiếu nhi

Đang vào mùa gặt, trên những cánh đồng lúa chạy dài theo quốc lộ 46, những người nông dân đang hối hả thu hoạch mùa vụ. “Va, mới đi ghếnh ló vìa!” (Ơ, mới đi gánh lúa về à?), “ ló nhà o năm ni được mái tạ” (lúa nhà cô năm nay được mấy tạ?), “rọng nhà o reènh hẻn” (ruộng nhà cô rành thích)...Những câu nói vang lên khiến chúng tôi há hốc miệng, đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.

1
Người dân chợ Cồn sử dụng giọng địa phương của mình giao tiếp hàng ngày.

Người bạn "thổ địa" đồng hành với chúng tôi giải thích: Giọng chợ Cồn "chuẩn" chỉ có ở 3 xã là Thanh Dương, Thanh Lương và Thanh Yên. Thổ âm và thổ ngữ của 3 xã cơ bản giống nhau, nhưng âm phát ra độ nặng nhẹ vẫn có chút ít khác biệt. Ví dụ: Thanh Lương thì dùng từ gánh ló, còn Thanh Yên dùng từ “ghếnh ló” (gánh lúa). Một số thổ âm đặc trưng của giọng chợ Cồn có thể kể đến như: “răng rứa – năng nứa” (sao thế), “hẳn – hẻn” (được dùng chỉ một cái gì đấy rất thích, rất tốt), “gạch – ghịch” (hòn gạch), “dầu hỏa – dù hỏa”, "bắp ngô - bắp ngâu”, “bò điên – bò đen” (con bò có màu đen), “mái – mấy” (ý hỏi bao nhiêu).

2
Trẻ em ở vùng chợ Cồn nói tiếng địa phương ngay từ nhỏ

Bên cạnh thổ âm thì tiếng chợ Cồn còn dùng nhiều thổ ngữ. Ví dụ như cái “gầu” thì gọi là cái “đài”; “sân” thì gọi là “cươi”; “thích” thì gọi là “sèm”; “bát” thì gọi là “đọi”, “muối” thì gọi là “mói”… Bởi vậy, những người từ vùng khác đến nghe người chợ Cồn nói chuyện, nhiều khi nghe được phát âm thì lại không hiểu được ý tứ.

Bạn Nguyễn Phương Thảo (26 tuổi) xa quê hơn 7 năm, hiện đang làm việc tại Nhật Bản, là người vẫn giữ được nét đặc trưng của giọng chợ Cồn

Âm phát ra nặng, ngữ điệu nhanh và sử dụng nhiều thổ ngữ đã tạo ra giọng nói lạ, khó nghe, khiến nhiều người lần đầu tiên nghe qua còn lầm tưởng đang nghe tiếng nước ngoài và có ấn tượng cực kỳ mạnh. Người ta còn lưu truyền nhiều tình huống hài hước như chuyện mua gà: Có người từ vùng khác đến chợ Cồn bán gà, người dân nơi đây hỏi mua “O ơi, con ga ni mái” (Cô ơi, con gà này giá bao nhiêu?) khiến người bán cứ nằng nặc trả lời “Đây là gà trống mà”.

Người chợ Cồn khi nói với nhau thì sử dụng tiếng “quéo” (tiếng nói) đặc trưng của vùng mình, nhưng khi nói với người xã ngoài thì vẫn "cố gắng" dùng từ phổ thông. Dù vậy, chất giọng độc đáo vẫn không thể lẫn vào đâu được và lưu truyền đi như một thứ "đặc sản" tinh thần.

Ông bà nói, bố mẹ nói và những đứa trẻ nơi đây đều nói giọng chợ Cồn, cứ thế truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thậm chí có nhiều người xa quê đã lâu năm, giọng nói pha tạp nhiều nhưng khi trở về quê vẫn nói đặc sệt tiếng chợ Cồn. Trên mạng xã hội, nhiều diễn đàn về tiếng chợ Cồn được lập ra, chủ yếu là những người xa quê, họ cùng nói chuyện, bàn luận về chất giọng đặc biệt của quê hương mình.

2
“ O ưi. Chơ! Nấu bénh chưng en rèm cho cun nít đến mâu rồi hầy?” (Cô ơi. Chứ nấu bánh chưng ăn rằm cho con nít đến đâu rồi nhỉ?).

Nghệ An với đặc điểm là tỉnh có diện tích lớn nhất nhì cả nước nên cũng nổi tiếng là nơi có nhiều giọng nói địa phương độc đáo. Trong đó, giọng chợ Cồn là một trong những giọng nói "đình đám" nhất, khiến nhiều người phương xa phải ấn tượng và nhiều người con đi xa phải nhớ về.

Vương Vân – Phương Thúy

Kỹ thuật: Dương Tuân

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Mắt chữ A mồm chữ O nghe giọng chợ Cồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO