Kinh tế

Mất mùa, chè xanh Nghệ An giá tăng gấp đôi

Thanh Phúc 27/03/2025 09:14

Thời tiết cực đoan, mưa rét kéo dài kèm sương muối nên chè xanh Nghệ An mất mùa. Hiện, dù giá cao gần gấp đôi năm ngoái nhưng ở các vùng trồng vẫn khan hàng…

bna_doi-che(1).jpeg
Những đồi chè gay ở xã Cao Sơn (Anh Sơn) dù đã cuối Xuân nhưng vẫn chưa đâm chồi, nảy lộc. Ảnh: T.P

Gia đình chị Nguyễn Thị Hà ở xóm 4, xã Cao Sơn trồng 1ha chè gay. Mọi năm, từ tháng 2 âm lịch, chè cho thu hoạch lứa đầu tiên trong năm, đây cũng là lứa chè cho năng suất cao nhất. Trung bình, mỗi ngày, chị cắt bán cho thương lái khoảng 100 bó chè xanh. Thế nhưng năm nay, vào thời điểm này, lứa chè xanh thu hoạch trước Tết vẫn chưa đâm chồi.

Chị Hà cho biết: “Lứa chè đã thu hoạch cách đây 2-3 tháng vẫn chưa đâm chồi dù đã tập trung làm cỏ, bón phân cẩn thận. Năm nay, thời tiết rét đậm kéo dài mãi sau Tết nên cây chè không bật mầm, vươn cành được. Hiện, chè đã thu hoạch hết, thương lái hỏi mua mà không có chè cắt bán”.

Không chỉ gia đình chị Hà mà hầu hết diện tích chè ở xã Cao Sơn hiện đã cắt cành bán hết từ trước Tết nên chè chưa kịp đâm chồi, vươn cành. Những đồi chè chỉ trơ lại gốc, người dân mất đi một nguồn thu nhập chính.

bna_doi-3(1).jpeg
Hàng trăm ha chè mất mùa do thời tiết cực đoan. Ảnh: T.P

Ông Hà Huy Thạch - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cao Sơn cho biết: “Toàn xã có trên 560 ha chè xanh thực phẩm, cắt cành bán. Đây là cây trồng chủ lực của địa phương, mỗi năm đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng. Có những hộ trồng nhiều, mỗi ngày có thu nhập 1-1,5 triệu đồng.

Thế nhưng năm nay, do thời tiết rét đậm kéo dài kèm sương muối, cây chè đã cắt lứa trước đó vẫn không nảy lộc, đâm chồi, không phát triển được. Hiện, bà con đang tập trung chăm sóc. Đáng lo nhất, sắp tới, khi chè vừa đâm chồi lại gặp nắng hạn thì sẽ mất mùa nặng, thất thu lớn”.

chè 1
Nếu như năm ngoái, mỗi ngày, chị Giang cung ứng ra thị trường cả trăm bó chè thì năm nay, đến thời điểm này, trên các vườn đồi, chè chưa kịp đâm chồi, vươn cành. Ảnh: T.P

Chè mất mùa đẩy giá tăng gần gấp đôi, từ 10-12 lên 15-18 nghìn đồng/bó, nhưng nguồn cung khan hiếm. Chị Nguyễn Thị Giang, thương lái thu mua chè cho biết, dù giá cao vẫn khó tìm hàng.

Không chỉ người trồng chè thất thu, mà cả thương lái, lao động cắt và vận chuyển chè cũng bị ảnh hưởng. Nhiều tiểu thương từ Vinh, Đô Lương, Diễn Châu lên tận nơi thu gom nhưng không có chè để cắt, nhiều người phải quay về tay không.

chè 2
Chè khan hiếm nên các thương lái cũng rất khó thu mua. Ảnh: T.P

Ông Nguyễn Văn Trí, một hộ trồng chè ở xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn) cho biết: “Cây chè là thu nhập chính của gia đình, tiền chi tiêu hàng ngày đều dựa vào đó. Hiện đã sắp sang tháng 3 âm lịch, cuối Xuân rồi và chè vẫn chưa đâm chồi nên bà con mất nguồn thu lớn. Năm nay, nhuận 2 tháng Sáu âm, theo kinh nghiệm sẽ hạn nặng, cây chè nảy lộc, đẻ nhánh muộn, gặp nắng thì coi như mất mùa nặng…”.

Do “vựa chè” Cao Sơn mất mùa nên chè xanh ở các địa phương khác được giá, mặc dù không phải là chè gay chính gốc nhưng chè xanh ở Thanh Chương được thương lái tìm mua với giá cao gấp đôi các năm trước. Gia đình chị Yến Đạt (Hạnh Lâm, Thanh Chương) trồng 3 sào chè cắt cành, trước chị bán mỗi bó 1,5-2kg với giá 10.000 đồng/bó, nay, giá chè tăng gấp đôi, lên đến 20.000 đồng/bó.

chè chợ
Ở các chợ dân sinh, thời điểm này, chè xanh tăng vọt lên 35.000 - 40.000 đồng/bó, gấp đôi so với trước. Ảnh: T.P

“Trước đây, chè được cắt đi nhập cho các mối bán lẻ ở các chợ dân sinh. Từ sau Tết đến nay, thương lái vào tận vườn đặt mua, có cả thương lái ở Vinh lên. Chè đắt, dễ tiêu thụ nên những hộ trồng chè xanh cắt cành như chúng tôi phấn khởi lắm”, chị Yến cho biết.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, ngoài vựa chè gay Cao Sơn nổi tiếng thì chè xanh cắt cành được trồng nhiều ở xóm Thống Nhất, xã Đông Sơn (Đô Lương), một số địa phương ở huyện Thanh Chương như Thanh Đức, Thanh Hương, Hạnh Lâm và một vài xã vùng bán sơn địa ở Nam Đàn, Hưng Nguyên.

ban-sao-bna_che-1(1).jpg
Nhiều vùng trồng chè xanh cắt cành trong tỉnh cũng mất mùa, cây chè kém phát triển. Ảnh: T.P

Nhu cầu chè xanh làm nước uống hàng ngày tăng mạnh trong những năm gần đây, trong khi đó, diện tích chè ngày càng giảm do nhiều vùng trồng, người dân chuyển sang trồng chè công nghiệp; diện tích vườn trồng của nhiều hộ bị thu hẹp… do đó, chè xanh thực phẩm ngày càng “được giá”.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Mất mùa, chè xanh Nghệ An giá tăng gấp đôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO