Quốc tế

Mật nghị - Quy trình bí mật để Vatican chọn người kế nhiệm Giáo hoàng Francis

Hoài Linh 22/04/2025 09:26

Việc Giáo hoàng Francis qua đời đã khởi động quá trình bầu chọn nhà lãnh đạo mới của Giáo hội Công giáo La Mã. Sự kiện có tên gọi "Mật nghị Hồng y" này thường diễn ra 15 - 20 ngày sau khi Giáo hoàng qua đời.

Các hồng y. Ảnh: MSNBC
Các hồng y trước khi bước vào cuộc bầu chọn Giáo hoàng mới tháng 4/2005. Ảnh: MSNBC

Hiện đã có một số hồng y nổi lên như những ứng cử viên hàng đầu. Theo các nhà quan sát, Hồng y Luis Antonio Tagle, 67 tuổi, người Philippines; Hồng y Pietro Parolin, 70 tuổi người Italia; Hồng y Peter Turkson, 76 tuổi người Ghana; Hồng y Peter Erdo, 72 tuổi người Hungary và Hồng y Angelo Scola, 82 tuổi, người Italia đang là những cái tên nổi bật cho vị trí kế nhiệm Giáo hoàng Francis.

Theo báo Guardian, Giáo hoàng mới sẽ do Hồng y đoàn, những nhân vật cấp cao nhất của Giáo hội Công giáo bầu chọn. Những người này sẽ tới Rome trong vài ngày tới để tham gia Mật nghị Hồng y, cuộc họp kín của Hồng y đoàn để bầu ra vị Giám mục của giáo phận Rome, người sẽ trở thành Giáo hoàng mới.

Mật nghị Hồng y không chỉ chọn ra nhà lãnh đạo tiếp theo của 1,37 tỷ người Công giáo, mà còn định hình lộ trình cho học thuyết, sự minh bạch và cách tiếp cận của Giáo hội đối với các tín đồ. Giáo hoàng Francis đã tạo ra những thay đổi đáng kể sau khi nhậm chức khi ông tập trung vào công bằng xã hội, các vấn đề môi trường và một giáo hội bao trùm hơn.

Liệu nhà lãnh đạo mới có tiếp tục các cải cách tiến bộ do Giáo hoàng Francis khởi xướng hay quay trở lại với chủ nghĩa thần học bảo thủ? Câu trả lời sẽ trở nên rõ ràng khi làn khói trắng tượng trưng bốc lên từ Nhà nguyện Sistine.

Việc bầu chọn Giáo hoàng mới sẽ tuân theo truyền thống có từ nhiều thế kỷ của Tòa thánh Vatican. Có hơn 220 hồng y từ hơn 70 quốc gia sẽ tụ họp về Vatican, song chỉ khoảng 120 người dưới 80 tuổi được quyền bỏ phiếu. Các hồng y sẽ không được bỏ phiếu bầu cho bản thân.

2/3 số hồng y cử tri đã được Giáo hoàng Francis chọn lựa trong 10 năm qua và phần lớn phản ánh tầm nhìn của ông về một giáo hội bao trùm hơn.

Sau khi các hồng y có mặt tại Rome, họ sẽ tập trung tại Nhà nguyện Sistine để thảo luận. Sau tuyên bố "Extra Omnes" - chỉ còn các hồng y có quyền bỏ phiếu và bác sĩ ở lại. Những người khác sẽ phải ra ngoài và cánh cửa nhà nguyện được khóa lại.

Các hồng y phải tuyên thệ giữ bí mật tuyệt đối và sẽ không được liên lạc với thế giới bên ngoài trong suốt quá trình bầu chọn Giáo hoàng mới. Họ sẽ bị thu giữ điện thoại và không được phép nghe đài, xem tivi hay đọc báo. Việc liên lạc qua thư từ và tin nhắn cũng bị cấm. Ngoài ra, nhà nguyện cũng được kiểm tra để tránh các thiết bị nghe lén hoạt động trước và trong khi diễn ra mật nghị.

Các hồng y sẽ ăn và ngủ trong Nhà lưu trú St Martha, gần Nhà nguyện Sistine, nơi Giáo hoàng Francis đã sống trong 12 năm qua.

Mật nghị Hồng y sẽ bắt đầu bằng một thánh lễ, sau đó là các cuộc thảo luận và bỏ phiếu. Mỗi ngày có thể diễn ra tới 4 cuộc bỏ phiếu vào buổi sáng và cả buổi chiều, cho tới khi một ứng viên giành được 2/3 số phiếu ủng hộ. Sau ngày thứ 2, 3 và 4 mật nghị sẽ là một ngày nghỉ để cầu nguyện và suy ngẫm. Nếu không có kết quả rõ ràng sau 30 lần bỏ phiếu, một ứng viên sẽ được bầu theo đa số phiếu đơn giản.

Mật nghị bầu Giáo hoàng kéo dài nhất trong lịch sử gần đây là năm 1922, khi các hồng y mất 5 ngày để chọn ra nhà lãnh đạo mới của Giáo hội.

Bất kỳ nam giới nào đã rửa tội đều có thể được bầu làm Giáo hoàng, song một hồng y đang tại vị luôn được lựa chọn. Mỗi hồng y cử tri sẽ được trao một thẻ bỏ phiếu có dòng chữ "Tôi bầu ... làm Giáo hoàng". Các hồng y sẽ ghi tên người họ lựa chọn, gấp thẻ lại và thả vào chén thánh.

Cuộc bỏ phiếu được tiến hành bí mật nhưng không có nghĩa quá trình này không có chia rẽ, âm mưu và vận động hành lang.

Sau mỗi vòng bỏ phiếu, các phiếu bầu sẽ bị đốt cháy vào sáng và chiều. Nếu các hồng y chưa thể bầu ra Giáo hoàng mới, các lá phiếu sẽ được đốt cùng với một hóa chất tạo nên khói đen.

Ống kính máy quay của các hãng tin sẽ hướng vào một ống khói trên nóc Tòa thành Vatican để chứng kiến sự xác nhận đầu tiên với thế giới về Giáo hoàng mới. Nếu khói trắng bốc lên, điều đó đồng nghĩa quá trình bầu chọn đã kết thúc và Giáo hoàng mới đã được bầu chọn.

Ứng viên trúng cử sau đó sẽ được hỏi liệu ông có chấp nhận kết quả bỏ phiếu không và nếu có, ông sẽ chọn tên hiệu nào. Các hồng y sẽ tuyên thệ phục tùng Giáo hoàng mới. Tân lãnh đạo Giáo hội Công giáo La Mã sẽ được mời tới một căn phòng gần đó để mặc áo trùng trắng, đội mũ và đi dép đỏ.

Theo truyền thống, khoảng 30 - 60 phút sau khi khói trắng bốc lên, tân Giáo hoàng sẽ xuất hiện trên ban công nhìn ra Quảng trường St Peter. Hồng y trưởng sẽ bước lên ban công chính của vương cung Thánh đường St Peter và tuyên bố trước hàng nghìn tín đồ công giáo cũng như khách du lịch rằng: "Tôi vui mừng thông báo với các bạn: Chúng ta đã có Giáo hoàng". Giáo hoàng mới sẽ phát biểu ngắn gọn và đọc lời cầu nguyện.

Giáo hoàng sống tại Vatican, quốc gia độc lập nhỏ nhất trên thế giới và tọa lạc bên trong thủ đô Rome của Italia. Giáo hoàng không nhận lương, nhưng mọi chi phí đi lại và sinh hoạt của ông đều được Vatican chi trả.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/mat-nghi-quy-trinh-bi-mat-de-vatican-chon-nguoi-ke-nhiem-giao-hoang-francis-2393664.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/mat-nghi-quy-trinh-bi-mat-de-vatican-chon-nguoi-ke-nhiem-giao-hoang-francis-2393664.html

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Mật nghị - Quy trình bí mật để Vatican chọn người kế nhiệm Giáo hoàng Francis
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO