Mặt trăng có màu gì?
(Baonghean.vn) - Mỗi khi ngước nhìn bầu trời đêm, tôi thường tự hỏi mình: Rốt cuộc thì mặt trăng có màu gì? Và rốt cuộc thì, bởi ai cũng làm như thế cả, cho nên mình cũng phải như thế sao, bất chấp việc mình nghĩ khác?
Năm học lớp 3, tôi từng bị giáo viên mỹ thuật yêu cầu mời phụ huynh lên gặp, bởi một cái tội rất to là dám cãi lời cô giáo. Chuyện là, giáo viên ra đề bài: Các em hãy vẽ một bức tranh về đêm rằm Trung thu. Cũng như các bạn, tôi vẽ cảnh sinh hoạt gia đình với ngôi nhà ngói đỏ, khoảnh sân nhỏ có vài đứa bé đang chơi đùa, và ánh trăng chiếu nghiêng nghiêng nhuộm đẫm không gian. Nhưng cái tội của tôi là thay vì vẽ mặt trăng màu vàng, ánh trăng màu bạc như thường lệ, thì lại tô màu đỏ cho mặt trăng, và ánh trăng thì dát màu tím. Giáo viên mỹ thuật nhắc tôi sửa lại, nhưng tôi khăng khăng bảo vệ cho bức tranh của mình rằng em thấy mặt trăng màu đỏ thật mà. “Nhưng mặt trăng phải màu vàng. Ai cũng vẽ như thế cả!” - cô giáo gắt lên.
Từ đó trở đi, mỗi khi ngước nhìn bầu trời đêm, tôi thường tự hỏi mình: Rốt cuộc thì mặt trăng có màu gì? Và rốt cuộc thì, bởi ai cũng làm như thế cả, cho nên mình cũng phải như thế sao, bất chấp việc mình nghĩ khác?
Năm 20 tuổi, tại một nhà sách ở Huế, tôi tình cờ nhìn thấy một cuốn sách về vũ trụ của Stephen Hawking. Những nghiên cứu của ông về vũ trụ song song, vũ trụ lạm phát, về hố đen… đã lật ngược hoàn toàn nhận thức của tôi, đặt tôi đứng trước vô vàn nghi hoặc về tạo hoá; đồng thời, ông cũng gieo vào tâm trí tôi những hạt giống tốt tươi của niềm tin vào những điều trái nghịch.
Tôi tin rằng ngoài trời có trời, ngoài vũ trụ có vũ trụ. Tôi cũng tin rằng mặt trăng, mặt trời, đám mây, ngọn gió, cơn bão và hạt mưa… có thể có rất nhiều màu sắc, không nhất định phải là màu vàng, màu trắng, màu xám… Cái đúng và cái sai, cái có và cái không, cái rõ ràng và cái ẩn lặng, cái chúng ta làm và điều chúng ta nghĩ… luôn có ranh giới thật mong manh, phi xác định. Vì vậy, chúng ta phải học cách chấp nhận sự khác biệt, học cách ngờ vực sự hiểu biết và thông minh biết tuốt của mình, học cách trao cho những giả thuyết, giả định mơ hồ một niềm tin dẫu mong manh…
Vũ trụ của Stephen Hawking thật lớn lao, còn tôi thì quá đỗi nhỏ bé, bởi vậy dù thật khó khăn, nhưng tôi cố gắng thoát khỏi những tư duy mô phỏng, cuộc sống mô phỏng theo khuôn mẫu như cô giáo mỹ thuật nói rằng ai cũng thế cả. Ai cũng thế cả chẳng có gì sai, chỉ là khi ai cũng thế cả, thì chúng ta thật khó trở thành chính mình, ta nhìn thấy ta trong tất cả mọi người, mà có khi ta cũng chẳng biết mình là ai. Chỉ khi ta nhận rõ mình là hạt bụi siêu vi trong vũ trụ rộng lớn này, ta mới biết sợ hãi trước sự vĩ đại của tự nhiên, để kìm bớt lòng tham lại mà sống tử tế hơn.
Những ngày tháng cách ly bởi đại dịch Covid-19 khiến tôi càng nghĩ nhiều hơn về điều này. Loài người tưởng rằng mình lớn lao. Chúng ta làm ra máy bay, tên lửa. Chúng ta nghiên cứu, chế tạo ngư lôi, hạt nhân có sức phá huỷ kinh hoàng. Chúng ta có thể bay lên trời, lặn xuống biển, đưa người sống trên mặt trăng, khát khao chinh phục vũ trụ. Chúng ta nắn dòng sông, bẻ dòng suối, xây cầu vượt biển, phá nát những cánh rừng nguyên sinh, xây nên những nhà máy chọc trời. Chúng ta nhìn vào những chỉ số phát triển mà tưởng mình ngon lành, giỏi giang, biết tất thảy và có khả năng làm chủ mọi thứ. Nhưng chỉ cần một con virus nhỏ đến cực điểm cũng dễ dàng đánh gục nỗ lực của loài người, khiến chúng ta trở nên mong manh, yếu đuối, bất lực vô cùng.
Rốt cuộc thì, điều tôi muốn nói là, mặt trăng có màu gì có lẽ cũng chẳng quan trọng bằng việc chúng ta nghĩ như thế nào về sự khác biệt trong nhận thức về mặt trăng. Với người này, mặt trăng có thể có màu đỏ, với người kia, mặt trăng có thể là màu xanh. Chẳng sao cả, điều quan trọng là biết cách chấp nhận sự khác biệt, thôi thúc trăn trở nghĩ khác và làm mới, thoát ra khỏi ranh giới và định kiến của đám đông.