Mẹ bắt con trần truồng trên phố vì trộm tiền: Phạt không có nghĩa là đày ải!
“Bố mẹ có quyền phạt khi con mắc lỗi nhưng không có nghĩa là là đày ải con, nhất là khi bắt con trần truồng đi ra phố. Đây là vi phạm nhân cách của con, là hành động giáo dục đầy bạo lực” - TS. Nguyễn Tùng Lâm cho hay.
Vừa qua, một người mẹ ở Hải Phòng phát hiện con trai 12 tuổi ăn trộm 500.000 đồng của cụ ngoại để mua đồ chơi và chơi điện tử. Quá tức giận, người mẹ này đã dùng roi quất lằn mông và bắt con trần truồng đi ngoài phố nơi có nhiều người qua lại. Người mẹ này cũng cho biết muốn con mình cảm thấy xấu hổ và bỏ ngay thói ăn cắp nên mới làm thế.
Người mẹ bắt con trần truồng trên phố (ảnh internet) |
Hành động này đã thu hút sự quan tâm của dư luận và gây ra không ít tranh cãi về cách dạy con.
Chị Nguyễn Ngọc Bích (Tây Hồ - Hà Nội) cho biết: “Với vai trò một người mẹ tôi rất hiểu và thông cảm cho hành động của người mẹ kia. Đứa con là tất cả sự kiêu hãnh, niềm vui, niềm tự hào của người phụ nữ, vậy mà sau bao ngày tháng dạy dỗ, yêu thương, uốn nắn, đứa con lại là một kẻ ăn trộm thì có người mẹ nào không đau lòng? Lúc ấy làm sao có đủ kiên nhẫn mà ngồi giảng giải và để con rút kinh nghiệm.
Tôi có thể chắc chắn rằng khi người mẹ kia khi đánh con, bắt con bắt con trần truồng ngoài phố người mẹ cũng cảm thấy đau đớn, bất lực và muốn con phải thức tỉnh. Đánh con, phạt con cũng là một cách thể hiện tình yêu thương với con. Có lẽ thế mà dân gian có câu: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi””.
Một phụ huynh khác thì cho rằng, con có lỗi thì cha mẹ cũng phải có phương pháp dạy bảo con chứ bắt con trần truồng đi ngoài đường khi cậu bé đã 12 tuổi là một cách làm nhục con. Rồi sau này, cậu bé sẽ phải xấu hổ khi ra phố, cậu bé sẽ thấy tự ti, mặc cảm với bản thân mình vì cái vết nhơ “ăn trộm bị mẹ cho cởi truồng ra phố”. Nhất là khi, sự mặc cảm quá nặng cậu bé này có thể bị mắc chứng trầm cảm. Lúc ấy thì có hối hận cũng đã quá muộn màng.
Cũng theo phụ huynh này, người mẹ cũng nên nhìn lại trách nhiệm của bản thân trước sự việc này. Vì trẻ có thói quen tiêu tiền hoang phí vào những điều vô bổ, là do trẻ không được giáo dục về hành vi của lòng tham, của việc trân trọng sức lao động nên mới đi ăn trộm tiền. Khi con mắc lỗi, có rất nhiều cách để phạt con chứ không nhất thiết phải bắt con trần truồng ngoài phố. Làm thế vô tình chúng ta đã “khơi mào” cho con vào những suy nghĩ và hành động tiêu cực sau này.
Liên quan tới vấn đề này, TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Việt Nam cho hay: “Khi phát hiện con mắc lỗi mà bắt con cởi hết quần áo đi ngoài phố để mọi người nhìn thấy đó là điều không nên.
Vì con mắc lỗi nên chúng ta có thể phạt để các con nhận ra lỗi sai của mình, từ đó rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, phạt con không có nghĩa là đày ải con, nhất là khi cậu bé đó đã 12 tuổi mà còn bắt con trần truồng đi ra phố là vi phạm nhân cách của con. Hơn thế, đó cũng là hành động xâm hại trẻ em.
Đây là một phương pháp giáo dục con mang đầy tính bạo lực, làm xấu đi hình ảnh con người. Đương nhiên, bố mẹ có quyền dạy bảo con cái nhưng chúng ta cũng cần tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật, tôn trọng nhân cách của các con.
Trong trường hợp này, chúng ta nên phân tích cho con thấy rằng, để có đồng tiền người ta phải lao động vất vả. Vậy mà con lại đi ăn trộm tiền chơi điện tử, thỏa mãn vui thích cá nhân là không được. Sau khi phân tích có thể phạt con bằng cách bắt con lau nhà, rửa bát hay giặt đồ, giúp con biết kiếm được đồng tiền là điều không dễ dàng, để con phải thức tỉnh”.
Còn TS. Mai Quốc Khánh - Giảng viên khoa Tâm lý giáo dục (Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay): “Hành động của người mẹ trong tình huống này không những không mang lại hiệu quả giáo dục con cái mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm lý, nhân cách của con.
Bởi lẽ, trẻ đang ở lứa tuổi thiếu niên, tính cách riêng và các mối quan hệ xã hội đa dạng của trẻ đã dần hình thành, trẻ luôn có mong muốn được người khác tôn trọng, đặc biệt là người thân trong gia đình. Sự tôn trọng, giúp đỡ, động viên của cha mẹ là yếu tố hết sức quan trọng giúp cho đứa trẻ ngày càng vươn lên để trở thành người lớn…
Trong trường hợp này, người mẹ nên: Thật bình tĩnh để đối mặt với tình huống xảy ra, tránh làm con sợ, tỏ ra yêu thương để con không cảm thấy bị đẩy xa, cần nhìn nhận con với tư cách là người đang phát triển, tạo cơ hội và sẵn sàng lắng nghe con giải thích hành động của mình, cùng con phân tích hành động mới diễn ra để con tự đánh giá về lỗi lầm của mình, sẵn sàng lắng nghe khi chúng cần, nhưng cần để chúng thoải mái và tự do bày tỏ chính kiến”.
Theo infonet