Mẹ mắc viêm gan B có nên cho con bú không?

vietnamnet.vn 13/12/2020 09:11

Đến nay, chưa có bằng chứng đầy đủ khẳng định virus viêm gan B lây qua sữa mẹ. Tuy nhiên, nếu em bé được dự phòng lây nhiễm đúng cách, việc bú sữa mẹ không làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Theo bác sĩ Phan Thị Huyền Thương,Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, viêm gan B là bệnh lý nguy hiểm, có thể gây xơ gan, ung thư gan dẫn tới tử vong. Một năm, thế giới có trên 1 triệu người chết vì bệnh này. Báo cáo thống kê mới nhất cho thấy tỷ lệ lưu hành viêm gan B ở Việt Nam hiện khoảng 8%.

Virus viêm gan B lây truyền qua 3 con đường: đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Trong đó, nguy cơ lây truyền sang con của người mẹ đã nhiễm bệnh lên đến 90%. Khi em bé đã bị lâyvirus viêm gan B từ mẹ, tỷ lệ diễn tiến viêm gan mạn tính rất cao (95%), trong đó 25-50% xuất hiện xơ gan, ung thư gan, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh.

Bác sĩ Phan Thị Huyền Thương thông tin, các nghiên cứu đã chỉ ra có 3 con đường chính lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con.

Thứ nhất là máu và dịch khi rau bị tổn thương trong quá trình chuyển dạ, các thủ thuật xâm lấn ở chẩn đoán trước sinh (lấy nước ối, sinh thiết gai rau) hay trong quá trình mang thai, mẹ có biểu hiện nhiễm trùng.

Thứ hai, virus lây qua đường tế bào bằng cách đi qua tuần hoàn máu mẹ, đi qua bánh rau, sau đó đi vào em bé.

Thứ ba, virus có thể lây qua gen, người ta cho rằng những tế bào trứng, tinh trùng từ trước đã bị nhiễm viêm gan B sẽ truyền sang phôi.

Về nhiều ý kiến cho rằng virus viêm gan B cũng có thể lây qua đường sữa mẹ, bác sĩ Thương chia sẻ, đến nay, chưa có bằng chứng đầy đủ khẳng định sự hiện diện của HBsAg, HBeAg và HBV DNA trong sữa mẹ (các kháng nguyên khẳng định mắc viêm gan B) làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong thời kỳ sơ sinh, trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, người ta chỉ ra rằng, nếu em bé được dự phòng lây nhiễm đúng phương pháp, thì việc em bé bú sữa mẹ (dù mẹ mắc viêm gan B) không làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh này.

Mẹ mắc viêm gan B có nên cho con bú không?
Mẹ mắc viêm gan B có nên cho con bú không?
Hiện nay, WHO, các tổ chức sản phụ khoa trên thế giới và Bộ Y tế Việt Nam đã đưa ra chiến lược sàng lọc viêm gan B cho phụ nữ có thai càng sớm càng tốt, ngay trong quý 1 thai kỳ, bất kể sản phụ đã tiêm phòng hay xét nghiệm trước đó chưa.

Những chiến lược dự phòng được đưa ra với trường hợp người mẹ được xác định mắc viêm gan B gồm dự phòng bằng vắc xin, kháng huyết thanh và sử dụng thuốc kháng virus.

Bác sĩ Thương nhấn mạnh, nếu chỉ dùngvắc xin tiêm phòng cho các em bé có bà mẹ mắc viêm gan B thì vẫn có tỷ lệ 30 % trẻ sẽ nhiễm bệnh. Nếu kết hợp giữa vắc xin và tiêm kháng huyết thanh trong 12 tiếng sau sinh, trẻ sẽ phòng được bệnh với tỷ lệ 90%, tuy nhiên vẫn còn 10% có nguy cơ mắc viêm gan B. Những trường hợp này đa phần là do mẹ có tải lượng virus trong máu cao.

Tuy nhiên, nếu kết hợp cả ba phương án dự phòng nói trên, chúng ta có thể giảm đến 96- 98% khả năng nhiễm bệnh cho em bé.

Riêng với thuốc kháng virus, bác sĩ Thương cho biết, thời gian điều trị được khuyến cáo hiện nay cho sản phụ mắc viêm gan B là thai từ 28 đến 32 tuần. Các nghiên cứu trên thế giới đều đã chỉ ra đây khoảng thời gian khá an toàn, hiệu quả. Với một số nghiên cứu cho rằng nên điều trị sớm hơn, trong 3 tháng đầu, theo bà Thương, để đưa ra khuyến cáo cần có nhiều bằng chứng lâm sàng mạnh hơn nữa.

Mới nhất
x
Mẹ mắc viêm gan B có nên cho con bú không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO