Mẹ Việt gợi ý cách dạy con vâng lời chỉ sau một lần nhắc nhở
Dạy con vâng lời là nỗi thách thức không phải của riêng cha mẹ nào. Tuy nhiên, trước khi tìm ra cách hiệu quả, cha mẹ cũng nên biết rõ nguyên nhân vì sao trẻ hay bướng bỉnh, lì lợm như vậy.
Phan Linh - mẹ Việt hiện đang sinh sống tại Na Uy, mẹ của bé Ốc - tác giả của cuốn sách "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu" gợi ý các giải pháp dạy con vâng lời chỉ sau 1 lần nhắc nhở của cha mẹ.
1. Nhìn nhận sự việc dưới góc nhìn của trẻ
Chẳng có đứa trẻ nào hiểu việc đi tắm quan trọng như thế nào, hay việc đi ngủ sớm cần thiết ra sao. Đối với trẻ con, những việc bé làm có thể không quan trọng với bố mẹ, nhưng đó lại là công việc chính của chúng, và công việc này thường là chơi, tự khám phá thế giới xung quanh, đây cũng là cách trẻ trưởng thành và làm quen với mọi thứ.
Giải pháp: Hãy tỏ ra quan tâm đến việc con đang làm, bạn có thể nói những câu đại loại như: "Ngôi nhà con xây đẹp quá, nói cho mẹ biết con định xây mấy phòng được không?".
Tiếp đến, bạn hãy nhẹ nhàng lồng ghép việc mình muốn con làm ngay thời điểm hiện tại bằng cách thỏa thuận với con kiểu: "Con yêu, đến giờ tắm rồi đấy, con nghĩ sao nếu dành 5 phút đi nhỉ, chỉ 5 phút thôi mẹ hứa, nó sẽ không làm gián đoạn công việc của con đâu, đồng ý không nào con yêu?". Bằng cách này, bé sẽ cảm thấy bố mẹ có sự quan tâm đến mình mà ngoan ngoãn nghe lời hơn.
2. Không vội quát mắng mà lại gần nhẹ nhàng bảo con nói chuyện
Trẻ con không phải là con búp bê vô tri, chúng rất thông minh và biết chỉ cần lờ đi là bố mẹ sẽ không còn chú ý. Đây là việc rất bình thường, vì vậy đừng quá ngạc nhiên khi đã nói vài lần mà bé vẫn không chịu nghe lời. Cũng đừng vội mắng bé vì điều này có thể sẽ tạo ra một tiền lệ xấu lần sau khi bạn phải mắng bé mới chịu nghe lời.
Giải pháp: Đừng vội quát tháo con, hãy lại gần con và nhẹ nhàng yêu cầu con quay lại nói chuyện với mình. Bạn có thể nói những câu như: "Con yêu, mẹ muốn nói chuyện với con một lát". Sau đó, hãy đợi đến lúc con quay ra và nhìn vào bạn, nếu con vẫn tiếp tục lơ là và chỉ chú ý vào việc mình đang làm, hãy cảnh cáo con rằng bạn sẽ cất đồ chơi hoặc tắt TV đi nếu con không chịu quay ra nói chuyện.
Lúc này đừng cố bắt con làm ngay việc bạn muốn, hãy đợi đến khi con hoàn toàn tập trung vào cuộc nói chuyện, còn nếu con vẫn tiếp tục liếc nhìn sang trò chơi còn dang dở, hãy cảnh cáo con và yêu cầu con thực hiện việc cần làm trong thời gian quy định.
3. Giúp trẻ hoàn thành công việc dang dở
Bạn có cảm thấy ngại phải ra dỗ con trong khi đang cực kỳ tập trung giải quyết một công việc nào đó hay không? Đối với bé thì việc bị bố mẹ liên tục nhắc nhở bé thực hiện điều gì đó cũng phiền giống như việc bạn phải gián đoạn công việc để đứng dậy dỗ bé vậy đó. Thế nên đừng vội cáu gắt và mắng con nhé, hãy cứ từ từ bình tĩnh giúp con thực hiện việc bạn yêu cầu.
Trước tiên hãy cho con một khoảng thời gian nhất định, ví dụ sau 5 phút con phải đi tắm chẳng hạn. Nếu sau 5 phút bạn vẫn chưa thấy bé có dấu hiệu thực hiện yêu cầu mình đưa ra, hãy nhắc nhở bé một cách khéo léo: "Đoàn tàu con xây đẹp quá, nhưng hình như con quên mất thỏa thuận của mẹ con mình rồi, qua năm phút rồi đó con yêu, đến giờ tắm rồi".
Tiếp theo, hãy tạo ra chiếc cầu nối giữa công việc bé đang làm và điều bạn muốn con thực hiện: "Con nghĩ sao nếu thử cho chiếc ô tô này chạy từ đây ra nhà tắm nhỉ, cái này nhé, nào con điều khiển nó đi nào."
4. Đưa ra giới hạn với sự cảm thông
Bé chưa phải là một người lớn trưởng thành như bạn, vậy nên phần vỏ não trước trán của bé đảm nhận nhiệm vụ ra quyết định vẫn đang phát triển và thường xuyên phải đấu tranh xem nên làm theo điều bạn muốn hay làm theo điều bé muốn. Mỗi khi bạn yêu cầu bé phải thực hiện một việc gì đó, bé sẽ phải cân nhắc rất kỹ mình nên làm gì.
Nếu bé nhận ra mối quan hệ của bé với bạn quan trọng hơn việc bé đang làm, bé sẽ nghe lời bạn, và những lúc như vậy, não bé đã phải hoạt động ở mức độ cao hơn khả năng thực tế của bé, đó cũng là cách bé tự tạo ra cho mình những nguyên tắc cá nhân. Tuy nhiên, bé chỉ thực hiện việc lựa chọn này nếu ở trong tâm thế sẵn sàng, còn nếu bị bố mẹ đánh mắng, quát nạt, bé sẽ không ngần ngại mà phản kháng lại.
Giải pháp: Để dạy con vâng lời hơn, hãy đưa ra những giới hạn nhưng cũng lồng ghép khéo léo cả sự cảm thông của bạn vào đó, như vậy bé sẽ dễ hợp tác và làm theo những gì bạn nói hơn.
5. Tôn trọng trẻ
Nhiều bậc cha mẹ luôn nghĩ phải đánh mắng thì con mới nghe lời, điều này vô tình khiến bé bướng và thậm chí còn rơi vào trạng thái sợ sệt nhút nhát, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý con.
Giải pháp: Hãy thể hiện sự tôn trọng với bé và cho bé một vài lựa chọn nếu có thể.
"Mẹ đang lắng nghe con nói đây. Con thực sự không thích tắm đúng không? Ý con là con sẽ không tắm ngay cả khi đã là người lớn? Nhưng mẹ nghĩ tối nay con cần đi tắm đấy, con có thể chọn tắm bồn hoặc tắm vòi tùy con".
Đôi khi lý do của con có thể sẽ hoàn toàn thuyết phục và khiến bạn thay đổi quan điểm, nhưng không sao, hãy cứ lắng nghe con nói, bởi như vậy là bạn đã cho con thấy con đang ở trong một tình huống win-win mà không hề bị ép buộc hay nạt nộ bởi bố mẹ.
6. Luôn ở cạnh con và đồng cảm với cảm xúc của con
Khi bé không chịu nghe lời bạn, điều này cho thấy bé đang cảm thấy mình bị mất kết nối với bố mẹ. Tại sao lại có điều này? Có thể là sáng nay bạn đã mắng bé, hoặc bạn đi làm cả ngày không có thời gian cho bé. Bạn không chịu lắng nghe mà chỉ bắt bé làm theo điều bạn muốn. Bạn chỉ quan tâm đến em gái của bé mà không chịu để ý tới bé, hoặc bé còn quá nhỏ và rất dễ rơi vào cảm giác sợ hãi… Có vô số lý do giải thích cho cảm giác này.
Giải pháp: Hãy luôn tỏ ra đồng cảm với những cảm xúc của con và ở bên cạnh xoa dịu con khi con cần. Khi bạn cho trẻ cơ hội bộc lộ cảm xúc của mình, trẻ sẽ cảm thấy mình và bố mẹ có sự gắn kết chặt chẽ, nhờ đó mà con sẽ biết vâng lời bạn hơn.
7. Kết nối với con bằng những hành động nhỏ nhất
Trẻ luôn tìm đến bố mẹ để nhờ sự giúp đỡ, chính vì vậy nếu bạn khiến con cảm thấy bạn lúc nào cũng đứng về phía con, bé sẽ dễ vâng lờibạn hơn. Ngược lại, nếu trẻ luôn tỏ ra chống đối hoặc khiến bạn rơi vào tình trạng tranh đấu thắng thua với con, đó là lúc mối quan hệ của bạn và con đã đến ranh giới của sự căng thẳng.
Giải pháp: Hàng ngày, hãy trò chuyện và lắng nghe con, tạo ra sự kết nối với con bằng những hành động nhỏ nhất. Bố mẹ có thể tự thiết kế những khoảng thời gian đặc biệt trong ngày, trong tuần để hiểu và gần con hơn. Khi mối quan hệ của bạn và bé rơi vào trạng thái căng thẳng, hãy xoa dịu nó bằng những trận cười vui vẻ. Chọc cho bé cười, ôm bé vào lòng sẽ giúp mối quan hệ bớt căng thẳng hơn.
8. Cho trẻ quyền lựa chọn
Chẳng có ai thích bản thân bị người khác kiểm soát, và trẻ em cũng không ngoại lệ. Bạn càng đẩy bé vào bước đường cùng, bé sẽ càng chống đối và vùng lên làm trái những gì bạn mong muốn.
Giải pháp: Hãy luôn để bé biết bạn ở bên cạnh bé, cho bé được lựa chọn nếu có thể, thay vì cố điều khiển trẻ, bố mẹ hãy đóng vai trò là những nhóm trưởng tích cực, lắng nghe và cho bé lời khuyên, hướng bé thực hiện những hoạt động tốt thay vì bắt bé làm theo điều bạn cho là đúng.