Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng: Tất cả về vạch xuất phát với cách mạng 4.0

(Baonghean.vn)- Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có cơ hội lớn với cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng không nên quá lạc quan.

Hình dung cơ bản về cách mạng công nghiệp 4.0

Để nói định nghĩa chung về cách mạng công nghiệp 4.0 thì đã có nhiều người nói, và nhìn chung thì khó tưởng tượng. Nhưng hình dung thực chất cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng gồm những lĩnh vực nào, nội dung  gì thì sẽ dễ tưởng tượng hơn. Cụ thể, cách mạng công nghiệp 4.0 gồm những nội dung sau:

Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ.
Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Thứ nhất là Internet của vạn vật, tức là kết nối với vạn vật và điều hành các sản phẩm, các dịch vụ, các mối quan hệ, xử lý quan hệ, xử lý giao dịch qua khả năng kết nối với Internet. Ví như chỉ với một chiếc đồng hồ, một chiếc điện thoại anh có thể kết nối với nhà của anh, với ngân hàng của anh, kết nối với bác sĩ của anh, nhắc anh huyết áp cao và hướng dẫn anh uống thuốc gì, theo dõi con anh học ở trường như thế nào,cho anh biết điện ở nhà anh tắt hay chưa, anh muốn tưới rau ngoài vườn vào lúc nào...

Tất cả cái đó kết nối với nhau và thực hiện dịch vụ trên cơ sở đó. Ví như có những doanh nghiệp lên danh sách những người nấu ăn giỏi, và lên danh sách người thích món ăn ngon, rồi để họ kết nối với nhau. Thế là người muốn nấu món mình nấu giỏi sẽ được nấu, người muốn ăn món mình thích sẽ được ăn, người cần thu nhập có thu nhập. 

Thứ hai là việc sử dụng các cơ sở dữ liệu lớn, cơ sở giữ liệu sẽ giúp anh làm mọi thứ. Ví như Uber có cơ sở giữ liệu lớn về ai lái xe, ai cần, và sử dụng công nghệ kết nối. Bây giờ hãng ô tô lớn nhất thế giới là hãng không có ô tô nào, nhưng lại có dữ liệu và khai thác dữ liệu lớn nhất. Cơ sở dữ liệu sẽ cho biết với thị trường như thế này thì sản xuất bao nhiêu là vừa, quá nữa là thừa, sẽ định hướng được mọi thứ và do đó mà sẽ kinh doanh tốt. Trên nhiều quốc gia việc khai thác cơ sở giữ liệu được thực hiện tốt và khai thác dữ liệu là một mảng kinh tế khủng.  

Thứ ba là công nghệ in 3D. Đó là công nghệ làm thay đổi thế giới. Bây giờ từ may áo, đến làm nhà, làm tai giả cho người, làm máy bay… đều có thể làm công nghệ in 3D.

Thứ 4 là trí tuệ nhân tạo. Bây giờ nhiều ngân hàng sử dụng trí tuệ nhân tạo thay thế nhiều hoạt động lao động của con người, nhất là ở Nhật Bản. Trí tuệ nhân tạo có thể thay con người ở rất nhiều khâu, từ bán vé, phân tích tài chính, kiểm soát nguồn ra nguồn vào, báo cáo... Mà trí tuệ nhân tạo thì có thể làm việc 24/24, lúc nào cũng chất lượng như nhau, làm bất cứ lúc nào, bao nhiêu thời gian. 

Một lĩnh vực nữa là robot hóa hay người máy hóa. Con người ta làm việc 8 tiếng, có lúc tỉnh lúc không, nhưng robot làm 24 tiếng nhưng chẳng lúc nào khác lúc nào. Làm sao độ chính xác và năng suất lao động của con người bằng robot được? Người ta nói 60% robot thế giới do Trung Quốc làm, càng ngày càng rẻ, và bán ra thế giới ào ạt. Dự đoán đến lúc ở Việt Nam mình 70 % lao động trong giày da là do robot làm, vậy thì có cách gì ngăn doanh nghiệp Việt Nam không mua robot Trung Quốc để sử dụng lao động Việt Nam. Và liệu có nhất thiết phải ngăn không mua, vì lí lẽ đơn giản dễ hiểu là thế giới mua được thì sao mình không mua. Chẳng ai ngăn được cả. 

Rồi tự đồng hóa. Ví như xe tự lái, một số nơi đã ứng dụng rồi. Như người Nhật sử dụng xe tự lái để chở nhân viên đi làm. Đã có thí nghiệm cụ thể cho biết trong một số trường hợp xe tự động lái ít tai nạn hơn con người lái 10 lần. Xe tự động lái còn kết nối với GPS để biết được mọi thứ diễn ra trong không gian gần và xa ở mọi nơi như thế nào.

Các lĩnh vực nói trên chính là những mũi nhọn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các lĩnh vực đó tạo ra những đột phá về sản xuất sản phẩm, về cách thức tổ chức sản xuất. Ví như, trước đây do sử dụng sức lao động bằng sức người, con người, nên phải có phòng tổ chức nhân sự, có công đoàn, nhưng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì sẽ khác vì khi đó cơ bản đã tự động hóa. Rõ ràng cách mạng 4.0 đang mang những biến đổi rất lớn đến với thế giới hôm nay.

Có nên lạc quan khi Việt Nam có cơ hội lớn?

Hiện đang có nhiều ý kiến cho rằng cách mạng công nghệ 4.0 là cơ hội tốt cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Điều này không khó hiểu, nhưng cũng tránh cách hiểu đơn giản. Nói Việt Nam hay các nước đang phát triển có cơ hội tức là khi thay đổi hệ chuẩn thì tất cả đều về số mo, đều trở về vạch xuất phát ban đầu. Tức là dù nước phát triển hay đang phát triển thì cũng phải quay về đích xuất phát ban đầu. Có nghĩa là lợi thế, khoảng cách, sẽ không còn đáng kể, vì tất cả các nước đều quay lại đích xuất phát ban đầu trong cách mạng công nghệ 4.0.

Nói Việt Nam có cơ hội là vì Việt Nam có cơ sở hạ tầng thông tin rất phát triển. Nếu kết nối vạn vật qua Internet thì cơ sở hạ tầng rất quan trọng. Cơ sở hạ tầng thì nước mình không thua nước nào. Mạng viễn thông quân đội Viettel phủ sóng 4G cả nước rồi. Tất cả những cái giá trị gia tăng vào công nghệ đã có sẵn, nền tảng ta có rồi. Đó chính là cơ hội. 

Cơ hội nữa là con người Việt Nam có những nét mạnh đã được khẳng định.  Toán học của người Việt Nam, sự sáng tạo của con người Việt Nam, năng lực thẩm mỹ của người Việt Nam… đều được khẳng định trên thế giới. Riêng chuyện thiết kế các hàng hoá sản phẩm đẹp, người Việt Nam có thể không tinh xảo nhưng có nhiều lĩnh vực chưa chắc người Nhật, người  Trung Quốc đã hơn. Mà thiết kế thẫm mỹ thì con robot thì không làm được. 

Nhưng, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đưa Việt Nam đứng trước nhiều thách thức, thậm chí thách thức rất lớn. Đó là các lĩnh vực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như nói trên thì người Việt sẽ tiếp cận và đi vào lĩnh vực nào, bằng cách nào, điều này đến nay quả thực là chưa rõ. Người Việt phải trả lời cho mình chứ ai trả lời?

Bên cạnh đó, vấn đề việc làm là vấn đề rất lớn. Hiện nay có số liệu cho rằng 200 nghìn (có số liệu là 300 nghìn) sinh viên Việt Nam tốt nghiệp đại học ra trường bị thất nghiệp, muốn có việc thì phải dấu bằng đại học, lấy bằng trung cấp hoặc bằng phổ thông đi xin việc. Sắp tới nếu robot thay thế con người nhiều hơn thì vấn đề việc làm còn nan giởi tới mức nào? Đó là vấn đề lớn. 

Tiếp theo nữa đó là cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi năng lực tri thức, năng lực sáng tạo rất nhiều. Nhưng cách học của Việt Nam hiện nay, cách thức giáo dục và đào tạo hiện nay đã đáp ứng được chưa. Khi mà chúng ta còn tổ chức học thêm, học đếm, học số liệu, chứ không phải học sáng tạo, thì làm sao đáp ứng được? Vậy nên không nên chỉ vui mừng, lạc quan, mà cần nhận thức rõ là cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội lớn nhưng cũng mang lại thách thức rất lớn.

NPV