Men đời

30/07/2013 16:25

(Baonghean) - Mẹ đặt chiếc bát con xuống mâm cơm, nhìn cả nhà khích lệ. “Cà muối!”, nhóc em cuống quýt kêu lên, vụng về...

(Baonghean) - Mẹ đặt chiếc bát con xuống mâm cơm, nhìn cả nhà khích lệ. “Cà muối!”, nhóc em cuống quýt kêu lên, vụng về chan đầy bát canh rau vặt. Chậm rãi gắp quả cà tròn mẩy cho vào miệng, nhai “rốp” một cái, thấy ngập nơi đầu lưỡi một vị mặn gắt nhưng chua dìu dịu - cái thứ hương vị lạ kì cứ gợi ta nhớ về người bà, người mẹ, về người phụ nữ một đời quẩn quanh bên góc bếp mà trào nước mắt nhớ thương.

Trời mấy hôm nay hẩm hiu quá, nắng chỉ lên nửa vời một thoáng hửng đã thấy mù mịt mây đen. Người đàn bà ấy mở cửa, đi đôi ủng nhựa đen, đội nón lá, dắt chiếc xe đạp cà tàng ra sân, khoá cửa, cắm cúi đi, để lại trong không khí nơi chiếc xe vừa đi qua phảng phất mùi men chua, thơm và gắt nhẹ. 5 giờ, trời hơi hửng sáng, se se chút hơi đất ẩm và lạnh váng vất từ cơn mưa đêm qua. Người thiếu phụ thở dài lo lắng không biết trời mưa thế này có mua đủ các thức rau về muối không! Cái mùa mưa chỉ lợi cho những bà bán rau muống, thứ rau phải ăn ngay và ăn non, còn những thứ rau để muối ăn dần dính nước lạnh thì không sao chứ phải mưa là lầy ngay.

Lại nhắc trời mưa, không hiểu sao ngày xưa trời mưa người ta chuộng ăn những thức đồ muối chua, đứng múc toát cả mồ hôi mà vẫn không kịp cho khách. Chẳng bù cho bây giờ, bán buôn được chăng hay chớ, cũng vì cái thú ăn của khách nó khác đi rồi, vả lại, người muối dưa, muối cà bây giờ nhan nhản. Ngày xưa! Chị lại thở dài, nghĩ đến bà cụ mẹ chồng. “Ngày xưa” chị nhắc đến đích thị là thời mà bà cu Lý muối cà cả chợ Vinh ai cũng biết. Bà cu Lý bây giờ đã khuất núi rồi, có phải quả cà muối bớt giòn, bớt mặn hay người ta lãng quên cái vị mặn, vị chua thật thà không chút phô trương, bóng bẩy của đồ ăn dân dã này?

Người thiếu phụ len lỏi đi qua những gánh hàng lố nhố người mua bán ngược xuôi. Vòng xe quay đều, trầm ngâm và nhẫn nhịn trong tiếng gà vịt nháo nhác, tiếng chiếc xe tải lầm lì chậm chạp tiến vào kho, tiếng da thịt cháy xèo xèo của những con chó thui nâu bóng. Mấy người bán cá cầm chậu không đứng chờ mối cá về, nói chuyện ầm ĩ và làm cả một góc chợ sực lên mùi sông biển. Bà hàng thịt cắm cúi miết những đường dao sắc lẻm vào tảng thịt đỏ tươi rói, thi thoảng ngẩng lên nói chuyện với bà bán ngô bên cạnh, bàn tay phốp pháp vẫn nguyên con dao khua khoắng loạn xị khiến bà bán ngô cứ phải giơ bắp ngô đang ăn dở lên che chắn. Người phụ nữ dừng xe trước mấy bà hàng rau đang ngồi túm tụm ăn sáng, một bà đon đả chào mời, miệng phả ra mùi hành phi từ miếng bánh mướt cắn dở:

- Con dâu bà cu Lý bữa ni lấy mấy bao?

- Rau bữa ni mấy chị?

- Sáu mươi, o lấy đi chơ không ai có nữa mô, trời mưa rau hỏng hết!

- Hai yến trăm hai, đắt rứa chị, thôi để cho em trăm mốt vậy?

- Sáu mươi o lấy thì tui bán, trời mưa hàng không có mà nhập, lời lãi mấy đồng o mồ!
Chị khẽ thở dài, tất nhiên chị biết trời mưa không chỉ là nỗi lo của riêng chị mà của phường buôn lái nói chung. Vả lại, những hàng rau ở đây chị thuộc mặt cả rồi và những người buôn bán cũng không thường tính toán với nhau làm gì. Chị mở bao rau cải được lèn chặt, cặm cụi nhặt những bẹ lá héo ra ngoài, cẩn thận đảo nhẹ nhàng lớp rau ở dưới lên trước con mắt xét nét khó tính của người bán. Rau ngày mưa úng quá, chị nhăn mặt, tuyệt nhiên không thốt lên nửa lời chê bai với bà bán rau. Tính chị vốn thế, thuận mua vừa bán, không trả treo đôi co với ai bao giờ. Chị lành như quả cà im lìm dưới tảng đá lèn, không mảy may hoài nghi thế giới bên ngoài chiếc vại và lớp meo có vị gì khác ngoài vị mặn và chua của thứ nước muối cà màu nâu vàng đục.

- Chị cân cho em nhé, thừa thì bỏ bớt ra còn thiếu thì thêm vào, chốc nữa em quay lại!



Chọn cà

Người đàn bà trầm lặng ấy lại cần mẫn đạp xe đi, lại qua những hàng gà vịt, hàng thịt chó, hàng tôm cá, hàng thịt. Trời dần sáng và người dần đông. Một người đàn ông nói oang oang vào chiếc loa bằng giọng Bắc lơ lớ, hô những cái giá rẻ đến giật gân cho mớ quần áo hết được xếp vào thùng lại lôi ra bày trên tấm bạt trông đến thảm thương. Trong một thoáng, người thiếu phụ với ánh mắt buồn, nhìn những chiếc áo sơ mi và nghĩ đến 2 đứa con. Hơn nhau gần hai tuổi mà đứa học non, đứa học muộn, thành ra đi học cách nhau mỗi một lớp. Năm nay cái Thảo lên lớp 12 rồi, nhà ở Hồng Sơn mà đi học mãi Hà Huy Tập, thương con bé quá! Nó vẫn tần ngần chưa biết thi trường nào và chị cũng chỉ biết động viên nó học hành tử tế để sau này xin việc đỡ khổ. Còn thằng Quý, cái thằng ít nói, rất hiền và ngoan, vẫn cùng chị phụ mẹ cắt rau và cà, sang năm sẽ đến lượt nó thi đại học, cũng chẳng còn mấy chốc. Một bà bán cà muối ở mãi Quán Bánh ngồi bốc cà bên cạnh chị, luôn mồm than thở về đứa con trai vừa thi đại học xong:

- Sợ không đậu được trường quân sự, Toán với Hoá làm được còn Lý hấn kêu đề năm ni khó. Thời buổi khó khăn hình như con nhà ai cũng thi quân sự, đông người đăng kí nên khó chơ không phải chuyện đùa mô!

- Rứa à chị? - Người thiếu phụ nhỏ nhẹ, vẻ hơi lơ đãng vì tay vẫn mải nhặt cà thoăn thoắt. Chiếc đĩa nhôm cứ ăm ắp chất đầy những quả cà tròn, to đều nhau rồi trút vào bao xác rắn chị mang theo ban sáng. Cử động của đôi tay và chiếc đĩa mải miết đi về giữa nong cà và bao đựng đều đặn và nhịp nhàng như vòng quay cuộc sống.

Gần 8 giờ sáng, chị mới lọc cọc trên chiếc xe bây giờ chất đầy rau cải, cà, hành lá, không quên ghé lại mua một mớ rau ngổ và thì là để bán kèm cho khách về nấu canh chua cá. Chồng chị ra mở cửa. Chị dỡ rau, cất xe vào nhà, giục con ăn uống rồi xắn xở bắt tay vào làm cho kịp buổi chợ chiều.

Mớ dưa phơi 2 ngày trước sân nhà đã gieo lại và ngả màu hơi úa vàng, chị cẩn thận nhặt và phân ra làm ba chồng: một chồng đã héo nhiều để muối hôm nay, một chồng còn xanh để phơi tiếp, còn một mớ để bên trên chỉ cần phơi thêm chút nữa là ngày mai muối được - nếu như chiều nay không mưa và có chút nắng thì tốt biết mấy. Cô con gái lấy một chiếc rổ, bắt đầu ngồi cắt mớ dưa mẹ vừa mua về để muối xổi.

Đứa em trai lăng xăng cho bố sai bảo một chốc rồi cũng ra sân kê ghế ngồi, đổ cà ra cắt tai, thả vào nong phơi. Mùi sơn từ trong nhà không sao át đi mùi cà, dưa, bắp cải, nhút và dưa hồng lên men, cứ váng vất trong không khí và quấn quýt tay người. Mùi dưa muối chua thì thanh và mỏng, mùi dưa xổi hơi cay mà thơm, mùi bắp cải chua và hơi lợm, nhút mít thơm nhưng không ngọt lịm đi như mít chín mà chua một găn gắt, mùi dưa hồng rõ là mùi men nhưng không say nồng.

Còn cà, cái mùi cà muối lúc ta ăn nó khác hẳn với mùi dậy lên từ những lớp meo. Những vại cà sống nước trong và chưa dậy mùi chua là vừa muối hai, ba ngày. Được ba, bốn ngày thì một lớp meo trắng, xốp như được kết nên từ những sợi bông bắt đầu kéo váng, dậy mùi hơi chua và khẳm. Lớp meo đóng trên vại cà muối hơn tuần lại đổ màu nâu vàng, đã bớt xốp đi nhiều nhưng phập phồng bọt khí, mùi như mùi một thứ mốc.

Khi muối được khoảng mười lăm ngày thì cà chín, lớp meo bây giờ ngả màu thẫm như màu riêu cua sống, bọt xẹp xuống hẳn và mùi thì rất chua, nồng. Cứ thế, 6 vại cà sống có, chín có, ẩm ương có thay phiên nhau khi cạn khi đầy, được tính toán sao cho không có vại cà nào quá độ hay chín ép. Những vại nhỏ, vại to với cục đá lèn đen xì xúm xít nằm trong cái chái bếp hay ngoài mé vườn, là những vại cơm, vại áo, vại gạo, vại tiền của gia đình nhỏ. Thế nên người đàn bà lúc nào cũng phảng phất mùi men chua ấy cứ thường xuyên giở những thau, chậu đậy miệng vại ra để kiểm tra xem có vại nào bị hôi nước không.

May sao bàn tay muối đã lâu năm có lẽ thảo thơm nên những vại dưa, vại cà cứ ngoan ngoãn dậy mùi chua ngon lành. Rủi như mua phải rau cải phun thuốc thì muối lên sẽ đen dưa và bốc mùi hoá chất nồng nặc. Hoặc chỉ một giọt nước mưa vương vào cũng đủ khiến cả vại bị khú hay hôi nước, phải nhanh nhanh mà thay nước thì mới “chữa cháy” được.



Buổi chợ chiều.

Chốc chốc lại có người vào hỏi mua dăm nghìn cà, dăm bảy nghìn dưa và nhút. Một người phụ nữ vẻ quắc thước giục múc nhanh nhanh để kịp gửi theo xe ra Hà Nội cho đứa cháu gái xa nhà đã lâu. Phàm người Nghệ mình đã trót nghiện cái món cà là cứ thích cà phải mặn, phải giòn và ép chặt cắn ra không chảy nước, thấy cà muối xổi của đất Bắc nhạt nhẽo và lõng bõng, ăn cứ ngượng miệng thế nào. Một cô nàng trẻ măng, chắc là vừa lấy chồng ở xóm này, vâng lời mẹ chồng đến mua dưa về ăn kèm bữa cơm thịnh soạn thết khách cho đỡ ngán vì dầu mỡ.

Rồi đây, chính cô sẽ đánh bạn với cái mùi men thơm và chua đáo để này, cứ thế truyền lại cái duyên, cái quyến luyến, thủy chung với nghề cho con gái cô, rồi cháu chắt, chút chít cô, nếu như chòm xóm nhỏ này mai sau vẫn là cái rốn của đại gia đình nhiều thế hệ. Có được như thế không?. Người phụ nữ vừa nấu nước muối dưa vừa nghĩ ngợi. Liệu có tồn tại vĩnh hằng được không những giá trị mà ông bà, cha mẹ hằng nâng niu gìn giữ, hay sẽ phai nhạt và tan biến theo bước chân của người lữ hành trẻ tuổi, bỏ lại sau lưng hồn cha phách mẹ xiêu tán, tro cốt vẩn vơ cuốn về miền cực lạc hư vô?.

Chị cẩn thận nâng niu chiếc hũ nhỏ chứa nước dưa muối cũ, cái thứ nước vàng đục và chua rất đượm, rất nồng. Chính là vị chua mà những vại dưa muối chắt chiu, ấp ủ qua bao năm tháng. Cái vị chua nồng nàn mùi của những hoài niệm và dĩ vãng, cứ chực dậy lên, gọi tuổi xuân của người thiếu phụ lẫn với cái thảo thơm từ đôi tay bà cu Lý năm xưa chảy vào những vại cà, vại dưa mới muối.

Những quả cà sống, những lát dưa còn cay rồi đây sẽ lên hương bằng thứ men của những gì đã chín, đã chết. Những vại dưa cũ có chết thật không, hồn phách cụ Lý có xiêu tán thật không, hay lắng đọng lại trong thứ nước nồng như men rượu cũ mà ủ cho bình mới, đời mới đầy hương?

Những vại dưa, vại cà có nhạt bao giờ? Mồ hôi cũ, mồ hôi mới của người vẫn rơi, thấm vào từng lớp muối chất chồng cho cái chất, cái hồn của món ăn giản dị nhưng đáng quý lắng đọng, kết tinh lại. Không nền nã, thanh thoát như những món ăn đất Bắc Hà, không choáng ngợp, mơn trớn như ẩm thực đất phương Nam. Vị mặn mòi, rắn rỏi mà chua dịu, thiết tha của món ăn dung dị cũng là cái chất mộc mạc mà thâm sâu, mãnh liệt mà ân cần của người đàn bà xứ Nghệ.

Khi chiều đến, theo vòng quay bánh xe của chiếc xe đẩy, những quả cà, lát dưa thơm thảo và thuỷ chung sẽ theo chân người về gõ cửa những mái nhà, cho bữa cơm thêm đậm đà và ấm cúng. Người già nghiền ngẫm những hạt cà như những hoài niệm xưa. Người trẻ xuýt xoa thấm thía vị mặn mòi như vị của cuộc đời. Cây cầu nào nối hai bờ niềm vui và nỗi nhớ, hy vọng và luyến tiếc, tươi mới và già nua, hay chính là đôi bàn tay thảo thơm ủ những men đời của người đàn bà bên vại cà muối mặn?


Bài, ảnh: Hải Triều

Mới nhất
x
Men đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO