Mênh mang trên cung đường đẹp nhất miền tây xứ Nghệ

23/04/2017 21:57

(Baonghean) - Cung đường Tây Nghệ An có chiều dài ngót hai trăm cây số nối từ Quế Phong sang tận Kỳ Sơn được xem là con đường đẹp nhất miên biên viễn Nghệ An, đi qua 3 huyện thuộc diện nghèo nhất cả nước.

Con đường giờ đây được gắn biển 'Quốc lộ 16', là con đường đẹp nhất ở miền Tây xứ Nghệ. Tôi nhận ra điều này có lẽ hơi muộn màng. Trong quãng thời gian hơn 5 năm và hàng trăm chuyến đi về miền đất này nhưng mới là lần đầu tiên tôi đi hết chiều dài của nó. Mỗi bản, làng, ngọn núi, con khe đều mang những gam màu tươi sáng và tĩnh lặng khi đất trời chuyển sang mùa hạ.

Chúng tôi chọn điểm xuất phát của chuyến đi khám phá con đường đẹp nhất miền Tây Nghệ An từ xã Tri Lễ (Quế Phong), cũng là nơi đặt cột mốc đầu tiên của quốc lộ. Cảm giác mệt mỏi từ đợt nắng nóng đầu mùa mà cơ quan khí tượng thủy văn đo được có nơi lên đến bốn chục độ như qua đi nhẹ nhõm. Chỉ sau đó một ngày, nhiệt độ đã giảm xuống chỉ còn gần một nửa. Những cơn mưa đến rồi đi trong thoáng chốc. Chỉ 2 ngày sau, trời lại chuyển nắng chói chang. Trời đất xứ này cũng dễ trở tính, trở nết, đỏng đảnh khó lường đến thế là cùng.

Cung đường lá đỏ đoạn nối từ bản Xốp Tụ, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Ảnh: H.V-H.P
Cung đường lá đỏ đoạn nối từ bản Xốp Tụ, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Ảnh: H.V-H.P

Nắng mưa bất chợt vậy dường như lại là một “liều thuốc” trợ lực đối với những cánh đồng lúa. Mới hai ngày trước, lúa trên những thửa ruộng bậc thang còn khoác trên mình màu xanh non giờ đã lác đác trổ đòng. Như cách gọi của người Thái thì lúa đang kỳ “nứt ống cơm lam”. Hương phấn lúa khiến bầu không khí buổi ban trưa thoang thoảng thơm. Thật là dễ chịu. Tri Lễ là một trong những xã biên giới trồng nhiều lúa nước nhất ở miền Tây Nghệ An với truyền thống dễ chừng đến mấy trăm năm.

Mỗi khi qua đất này, tôi lại nhớ đến câu chuyện của ông Vi Phúc, quê gốc xã Môn Sơn (Con Cuông). Đây cũng là một xã biên giới có đến mấy trăm héc-ta lúa nước. Thế nhưng, câu chuyện của vị già bản từng làm đến chức Bí thư Huyện ủy này không phải về việc trồng lúa nước. Ông kể rằng, Tri Lễ xưa gọi là mường Chè Lè. Đây là điểm dừng chân của nhiều dòng họ người Thái khi di cư vào miền núi Nghệ An từ các tỉnh Tây Bắc và Tây Thanh Hóa. Từ đây, họ tỏa đi nhiều hướng. Điểm dừng chân xa nhất chính là xã Môn Sơn nơi mà cách đây hơn 80 năm dòng họ Vi của ông đã góp phần làm nên cuộc nổi dậy hưởng ứng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên ở miền Tây Nghệ An. Tri Lễ ngày nay trở thành vùng đa văn hóa nhất của huyện Quế Phong, là nơi cư ngụ của 3 dân tộc bản địa là Thái, Mông, Khơ mú. Mường Chè Lè cũng chỉ còn lại trong huyền tích nửa hư nửa thực.

Phải mất hơn một giờ đồng hồ, chú “ngựa sắt” mới “cõng” nổi 2 chúng tôi đi hết đất Tri Lễ. Trời vừa vào hạ, những khoảng rừng tre nứa hai bên đường đang kỳ ra hoa. Loài cây chỉ một lần trổ hoa và cũng là những ngày huy hoàng cuối cùng trước lúc tàn lụi. Trong mắt anh bạn phóng viên ảnh thì tre nở hoa là khoảnh khắc hiếm thấy dù gần như quanh năm suốt tháng lặn lội khắp các làng bản ở địa bàn miền núi nhưng hiếm hoi lắm mới có cơ may gặp được.

Đi qua cổng trời Tri Lễ và cũng là bản người Mông cuối cùng của Tri Lễ. “Chúng ta sắp sang xã Nhôn Mai (Tương Dương)”, giọng anh bạn vang lên trong tiếng gió rít. Lúc này chúng tôi vừa vượt qua cổng trời và bắt đầu đổ dốc. Con đường nhựa uốn khúc men theo sườn núi vắng lặng như thể đang dẫn chúng tôi vào một xứ không người. Thảng hoặc lắm mới gặp một chiếc xe máy đi ngược chiều. Núi rừng vắng ngắt hoang sơ mà chẳng hề đơn điệu. Chốc chốc, chúng tôi lại phải dừng chân trước những khóm rừng săng lẻ đỏ rực. Mùa này loài săng lẻ thay lá, rừng chuyển sang sắc đỏ, chỉ cần một làn gió thoảng qua là từng đám lá tản mác bay đi, bỏ lại từng chiếc cành khẳng khiu. Chỉ độ một tháng sau, qua vài trận mưa mùa hạ, chồi non sẽ tua tủa mọc lên trên chiếc cành tưởng như đã héo rũ. Thiên nhiên thật là kỳ diệu!

Từ ngày có con đường mà chính quyền quen gọi là đường kinh tế miền Tây, bộ mặt những bản làng sống dọc theo nó thay đổi theo một chiều hướng khác lạ. Những cái tên bản như Na Hỉ, Có Hạ vốn rất xa xôi, giờ việc đi lại đã trở nên dễ dàng. Đường lên Huồi Cọ, bản xa xôi nhất xã Nhôn Mai cũng đã đi được xe máy. Người ta chẳng còn phải mất đến 2 ngày mới về đến trung tâm tỉnh lỵ như trước kia nữa. Muốn đi “Bản Vinh” (cách gọi của người vùng cao với TP. Vinh) đã có thể ngồi xe khách. Một điều chỉ mới dăm bảy năm về trước chẳng ai dám nghĩ đến.

Bản Na Hỉ là một bức tranh xanh mướt và trầm lặng. Từng nếp nhà sàn nhỏ dọc hai bên đường như tạc vào sườn núi. Cạnh bản là những thửa ruộng bậc thang mướt xanh. Chỉ độ hơn một tháng nữa khi qua đây và mùa lúa chín ăn hẳn không ít người sẽ có cảm tưởng như lạc vào vùng lúa nước Màu Cang Chải thu nhỏ, đẹp mê mẩn.

Hoa ban nở trắng trên dãy núi Pha Bun. Ảnh: H.V-H.P
Hoa ban nở trắng trên dãy núi Pha Bun. Ảnh: H.V-H.P

Con đường phẳng phiu dẫn chúng tôi đi hết đất Nhôn Mai, Mai Sơn huyện Tương Dương rồi qua các xã Mỹ Lý, Huồi Tụ, Phà Đánh. Xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) là điểm cuối cùng của Quốc lộ 16. Trên mỗi cây số là một trải nghiệm lý thú về cảnh sắc thiên nhiên. Đó là quãng đường rực đỏ sắc lá săng lẻ, lá cây trạng nguyên ở bản Xốp Tụ, xã Mỹ Lý. Những khóm hoa ban nở trắng trên dãy núi Pha Bun xã Huồi Tụ. Hoa ban và màu lau trắng xóa gợi lên một nỗi u hoài man mác nhẹ nhõm như những làn mây quanh năm phủ trắng chóp núi Pha Bun.

Thật kỳ lạ làm sao, trên cung đường đa sắc đi qua những làng bản heo hút khiến những nhọc nhằn mưu sinh thoáng chốc tiêu tan như làn sương buổi ban mai. Để rồi khi ngồi đối diện với bức vách nhà mình hay khi nhắm mắt lại đón chờ giấc ngủ kéo đến, những bức tranh đa sắc lại hiện về trong tâm trí tôi...

Đường Tây Nghệ An có tổng chiều dài 184km và 41 cầu, đi qua các huyện: Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn 2.127 tỷ đồng. Đây là tuyến đường trọng điểm của tỉnh Nghệ An nằm trong đề án “Phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020” được Thủ tướng chính phủ đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư. Đường được khánh thành vào cuối năm 2015, được kỳ vọng sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy KT-XH khu vực miền Tây phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc; là tuyến đường kết nối đường vành đai biên giới với các tỉnh Nghệ An, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững thế trận quốc phòng, an ninh biên giới.

Hữu Vi - Hồ Phương

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Mênh mang trên cung đường đẹp nhất miền tây xứ Nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO