Mẹo chăm trẻ hen phế quản trong đợt Tết lạnh
Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương khuyên cha mẹ nên mặc ấm, đeo khẩu trang, vệ sinh tay chân, dinh dưỡng tốt, tiêm văcxin cúm và phế cầu cho trẻ hen phế quản.
Theo Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu, dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2017 trùng với tháng chính Đông. Bắc Bộ đón các đợt không khí lạnh dưới 18-20 độ, trời hanh khô, miền núi có thể rét đậm, rét hại. Thời tiết rét sâu về đêm và sáng sớm dưới 12 độ C; trong khi ban ngày nhiệt độ có thể lên tới 22 độ C. Sự chênh lệch nhiệt độ lớn dễ khiến trẻ hen phế quản tái phát.
Tháng cận Tết, chị Ngọc Anh (Đống Đa, Hà Nội) phải đưa con 2 tuổi đến chuyên khoa hô hấp điều trị 3 lần vì bệnh hen. "Ban đầu cháu chỉ bị viêm phổi, sau chuyển qua hen. Hơn tháng nay, cháu nằm viện được một tuần, về mấy ngày lại tái bệnh", chị Mai kể.
Trong hoàn cảnh lo lắng tương tự, chị Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, thời tiết đợt này thay đổi liên tục khiến hai bé ở nhà lần lượt ho, khò khè. Đứa bé có tiền sử mắc hen phế quản, nên lúc nào chị cũng như ngồi trên đống lửa, chỉ sợ con tái phát cơn hen. Đứa lớn chỉ ho kích ứng thời tiết, nhưng nhà neo người, chị đành phải xin nghỉ để chăm các con.
Trẻ hen nên đeo khẩu trang khi ra ngoài đường ngày Tết. |
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dinh - nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, thời tiết thay đổi ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ nhỏ có sức đề kháng kém. Giai đoạn chuyển mùa từ đông sang xuân, thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm… khiến trẻ hen phế quản thích nghi kém với môi trường thường xuyên tái phát cơn hen.
Ngoài yếu tố thời tiết thì cảm cúm, ho, sổ mũi, nhiễm lạnh… cũng khiến trẻ dễ lên cơn hen. Phụ huynh cũng cần chú ý tới các yếu tố khác làm khởi phát cơn hen như mùi vécni, gỗ mới, khói thuốc, thú lông, phấn hoa, thuốc chứa aspirine, căng thẳng…
Để dự phòng hen phế quản tốt nhất, phải tránh các yếu tố gây khởi phát cơn hen. Phụ huynh cần theo dõi kỹ các dấu hiệu bệnh hen, không nên xem thường các triệu chứng đơn giản như ho, khò khè. Trong 2-3 năm đầu đời, nếu trẻ ho, khò khè, khó thở lặp lại nhiều lần khi thời tiết chuyển mùa, thì phụ huynh nên đưa tới bác sĩ chuyên khoa xác định có mắc hen hay không.
Trẻ bị hen phải tuân thủ đúng và đều đặn chỉ định của bác sĩ, tái khám định kỳ. Nên sử dụng các thuốc thảo dược được cấp phép điều trị cho trẻ để hạn chế tác dụng phụ.
Dịp cuối năm, lễ Tết là lúc nhiều gia đình cho trẻ đi du xuân. Phó giáo sư Dinh khuyến cáo, nếu trẻ quá mẫn cảm thì không nên đến chỗ quá đông người. Nếu trẻ có nhu cầu vui chơi thì phải mặc áo ấm, đeo khẩu trang, vệ sinh tay chân, tiêm văcxin cúm và phế cầu, dinh dưỡng tốt để tăng sức đề kháng.
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|