Mẹo rút, chuyển tiền không gặp sự cố trong Tết

27/01/2017 16:47

Bạn nên kiểm tra kỹ thông tin người thụ hưởng trước khi chuyển tiền, không đóng màn hình giao dịch trên ebank cũng như thoát khỏi màn hình ATM khi chưa nhận được kết quả.

Các ngân hàng đã chính thức nghỉ Tết từ ngày 26/1 (tức 29 Tết) và chỉ hoạt động trở lại từ mùng 6 Tết. Dù hệ thống ATM, ebank của hầu hết các nhà băng vẫn duy trì hoạt động nhưng thực tế, việc khiếu nại, tra soát của khách hàng sẽ khó đáp ứng ngay nếu xảy ra sự cố. Do đó, người dùng cũng nên cẩn trọng trước mỗi thao tác rút và chuyển tiền để tránh gặp phiền phức trong những ngày này.

Sự cố khi rút tiền mặt

Nhiều chuyên gia cho biết, một trong những nguyên nhân khiến ATM nuốt thẻ có thể đến từ việc người sử dụng thao tác thiếu cẩn trọng. Trên thực tế, trước khi cho phép rút, ATM của một số ngân hàng đòi hỏi chủ thẻ trả lời rút tiền từ tài khoản nào. Không ít người do vội vàng, không để ý đã lựa chọn tài khoản tiết kiệm, tín dụng... thay vì "tài khoản thanh toán".

meo-rut-chuyen-tien-khong-gap-su-co-trong-tet

Thao tác với máy ATM cẩn trọng cũng là cách để hạn chế gặp trục trặc. Ảnh: Lệ Chi.

Ngoài ra, dù máy nhả thẻ cũng không có nghĩa giao dịch của bạn đã kết thúc. Nhiều người không để ý, sau khi ATM nhả thẻ liền bỏ đi mà không đợi lấy tiền. Các chuyên gia khuyến cáo, khách hàng nên chờ trong thời gian ít nhất 60 giây để chắc chắn giao dịch đã kết thúc.

Trong trường hợp màn hình ATM thông báo "giao dịch không thực hiện được", bạn có thể thử lại bằng cách lựa chọn số tiền rút nhỏ hơn hoặc nằm trong những mệnh giá được máy gợi ý sẵn trên màn hình thay vì tự nhập số mới. Các nhân viên IT của ngân hàng giải thích, đôi khi ATM gặp trục trặc nếu nhận yêu cầu cho các mệnh giá lớn.

Bên cạnh đó, điều gây phiền phức nhất trong dịp Tết là bị nuốt thẻ bởi các nhà băng sẽ khó hỗ trợ hoàn thẻ ATM trong thời gian nghỉ lễ. Do đó, bạn cần thao tác hết sức cẩn trọng trên máy. Không vội vàng và không tự ý đóng hay thoát màn hình nếu thấy giao dịch xử lý quá lâu. Trường hợp xấu, bị nuốt thẻ mà vẫn cần rút tiền mặt, sau khi báo cho ngân hàng qua đường dây nóng, bạn có thể dùng Internet Banking, Mobile Banking để chuyển bớt số tiền của mình sang người thân và nhờ họ rút hộ.

Ngược lại, nếu bạn nhất định cần trả ngay một số tiền lẻ và ở nơi khó đổi tiền, bạn lại nên thử đặt lệnh rút số tiền lẻ (ví dụ 600.000 thay vì 500.000 đồng) để hạn chế việc máy chỉ nhả ra tiền chẵn.

Ngoài ra, với những ATM chưa trang bị phần che bàn phím, bạn nên cố gắng dùng tay để che khi nhập mã PIN để tránh bị kẻ gian lợi dụng, lộ thông tin thẻ. Thực tế cho thấy, rất nhiều người dù chưa đến lượt mình rút tiền cũng cố tình lao vào trước màn hình khi bạn đang thao tác. Do đó, mỗi chủ thẻ nên chủ động tìm cách bảo vệ thông tin cá nhân khi giao dịch.

Sự cố khi chuyển tiền trên ebank, ATM

Trong Tết, bạn vẫn có thể lì xì hay chuyển tiền cho người thân, dù khác hệ thống ngân hàng nhưng cần kiểm tra kỹ thông tin người thụ hưởng, thông tin chuyển tiền chỉ gồm các ký tự chữ cái không dấu và chữ số; không bao gồm ký tự đặc biệt (ví dụ dấu ‘&’, ‘_’, ‘+/-‘, ‘%’, ‘$”….). Sau khi xác nhận chuyển tiền, khách hàng cần chờ và kiểm tra kết quả giao dịch chuyển tiền hiển thị trên màn hình giao dịch. Không đóng màn hình giao dịch cho đến khi nhận được kết quả giao dịch.

Với những trường hợp có sai sót khi chuyển tiền, vệc đối soát hoặc tra soát khiếu nại sẽ được thực hiện theo yêu cầu của bên nào đến trước (bên khách hàng, khi khách chủ động thông báo lên đường dây nóng hoặc bên tổ chức phát hành thẻ). Do đó, nếu chuyển tiền nhưng người thụ hưởng chưa nhận tiền, bạn nên bình tĩnh để từng bước thực hiện các quy trình.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Mẹo rút, chuyển tiền không gặp sự cố trong Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO