Miền núi Nghệ An giảm sinh để giảm nghèo

Mỹ Hà 21/01/2020 10:45

(Baonghean) - Trong khi cả tỉnh, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn tiếp tục gia tăng thì ở nhiều huyện miền núi cao, tỷ lệ sinh con thứ 3 đang ngày càng giảm. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy nhận thức của người dân đã có nhiều thay đổi và là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng dân số.

Khi nhận thức được thay đổi

Gia đình anh Vi Văn Lâm ở bản Lìm, xã Châu Phong (Quỳ Châu) vốn sinh con một bề. Dù vẫn mong muốn có thêm một người con gái để đỡ đần việc nhà và “vui nhà vui cửa” nhưng vợ chồng anh đã bảo nhau dừng lại ở hai con để chăm lo cuộc sống. Qua nhiều năm kiên trì, giờ điều anh Lâm vui nhất là cả hai con đều chăm ngoan, học khá, trong đó, con đầu đã thi đậu vào Trường THPT DTNT của tỉnh. Vợ chồng anh cũng có điều kiện để phát triển kinh tế trang trại, vừa trồng cây lâu năm như keo, mía, vừa nuôi hàng chục con trâu, bò, lợn… cho thu nhập cao, nhờ đó xây dựng được nhà cửa khang trang.

“Gia đình nào cũng thích đông con nhưng sinh nhiều chúng tôi sợ khổ, sinh ra rồi không biết lấy gì để nuôi các con. Nếu sinh ít con thì các cháu có điều kiện để ăn học đàng hoàng, vợ chồng có thêm thời gian để chăm lo phát triển kinh tế vững vàng”.

Anh Vi Văn Lâm ở bản Lìm, xã Châu Phong (Quỳ Châu)

Sinh hoạt Câu lạc bộ Người cao tuổi lồng ghép công tác dân số kế hoạch hóa gia đình ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu. Ảnh: Mỹ Hà
Sinh hoạt Câu lạc bộ Người cao tuổi lồng ghép công tác dân số kế hoạch hóa gia đình ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đó, người làm thay đổi suy nghĩ của anh Lâm nhiều nhất chính là mẹ của mình, bà Vi Thị Nhâm. Bản thân bà cũng là một phụ nữ sinh đông con nên dù hiện tại ai cũng có gia đình riêng nhưng bà vẫn áy náy vì không có điều kiện để con cái học hành đến nơi, đến chốn.

Gặp chúng tôi, bà Vi Thị Nhâm tâm sự: “Giờ ở miền núi mọi người không sinh nhiều con nữa đâu, khổ lắm. Tôi cũng nói với con tôi là các con đừng sinh nhiều, đông con vất vả, kinh tế không bằng các gia đình khác”. Suy nghĩ của gia đình cụ Nhâm cũng là suy nghĩ chung của đa số người dân trong xã Châu Phong hiện nay. Thế nên, dù là xã 135, với hơn 50% người dân tộc thiểu số nhưng đến nay 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trong xã sử dụng các biện pháp tránh thai, 10/19 bản thành lập được các câu lạc bộ không sinh con thứ 3, nam nông dân với công tác dân số, xã có 4 bản 3 năm liền không sinh con thứ 3, tỉ lệ sinh con thứ 3 giảm 1,24%.

Ở xã Đồng Hợp (Quỳ Hợp), những năm gần đây, nhận thức của người dân về việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình cũng đã dần thay đổi. Tại xóm Đồng Ban, dù là 1 trong 3 xóm vùng vùng sâu, vùng xa của xã nhưng bản làng nơi đây lại trù phú, khang trang, cuộc sống người dân khá ấm no, đầy đủ. Có sự khởi sắc này là nhờ địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thoát nghèo, trong đó có vai trò quan trọng của công tác dân số. Người dân trong xóm cũng rất tự hào, bởi dù xóm khá đông với 130 hộ, trên 500 nhân khẩu nhưng nhiều năm liên tục xóm không có người sinh con thứ 3.

Nhờ sinh ít con, các gia đình có điều kiện để phát triển kinh tế và số hộ khá giả cũng ngày một nhiều hơn. Chị Nguyễn Thị Kim Ngân, viên chức dân số xã Đồng Hợp vui mừng cho biết: “Để làm tốt công tác dân số chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, tập trung làm tốt các đợt chiến dịch chăm sóc sức khỏe – KHHGĐ. Hiện toàn xã có gần 2.000 hộ trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai, người dân ý thức tốt việc sinh ít con để chăm sóc gia đình, nuôi dạy con tốt. Ngay như thời điểm này, mặc dù Chương trình Mục tiêu Quốc gia về chính sách dân số đã cắt giảm nhiều, nhưng người dân vẫn có ý thức mua và sử dụng phương tiện tránh thai đều đặn, không còn việc trông chờ, ỷ lại như trước đây”.

“Để làm tốt công tác dân số trên địa bàn, chúng tôi xác định truyền thông là nhiệm vụ hàng đầu với mục tiêu thực hiện gia đình ít con, khỏe mạnh, ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý để có cuộc sống ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và từng bước nâng cao chất lượng dân số. Điều này cũng nhằm từng bước làm chuyển đổi hành vi, nâng cao nhận thức về công tác Dân số - KHHGĐ”.

Bà Nguyễn Thúy Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Quỳ Hợp

Điểm sáng về công tác dân số

Mặc dù trên cả nước đã đạt mức sinh thay thế với tỷ lệ 2,1 con/phụ nữ thì tại Nghệ An mức sinh vẫn còn cao với 2,75 con, đứng thứ 2 cả nước. Điều này đặt ra rất nhiều thách thức trong công tác dân số hiện nay, đặc biệt là khi tỷ lệ sinh con thứ 3 trên toàn tỉnh còn rất cao, chiếm trên 23%.

Trong đó, riêng nhiều huyện vùng biển, tỷ lệ này là trên 28%. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn chung, một tín hiệu rất tích cực, đó là trong vài năm trở lại đây tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn ở một số huyện miền núi cao lại giảm so với mặt bằng chung.

Như ở huyện Quỳ Châu, năm 2019, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 17,5%, Quế Phong là 16,46% và Tương Dương chỉ còn 14,7%... Số xã, thôn, bản không có người sinh con thứ 3 trở lên cũng ngày càng nhiều, trong đó, số xã được UBND tỉnh khen thưởng vì có tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm từ 50% trở lên tập trung nhiều ở các huyện miền núi như xã Nghĩa Bình (Nghĩa Đàn), xã Đôn Phục, thị trấn Con Cuông (Con Cuông), xã Châu Kim, Đồng Văn, Châu Thôn (Quế Phong), xã Mường Ải (Kỳ Sơn), xã Châu Lộc, Nam Sơn (Quỳ Hợp), xã Thạch Giám, Yên Tĩnh (Tương Dương).

Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, Nghệ An cũng chỉ mới có 2 xã không có người sinh con thứ 3 trở lên và đều là 2 xã thuộc huyện miền núi cao, đó là xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) và xã Yên Thắng (Tương Dương).

Già làng bản Chà Luân (nay sáp nhập với Kim Liên, Xốp Pe thành bản Tân Lâm - Thanh Chương) vận động bà con dân bản thực hiện tốt Chính sách Dân số - KHHGĐ. Ảnh: Công Khang
Già làng bản Chà Luân (nay sáp nhập với Kim Liên, Xốp Pe thành bản Tân Lâm - Thanh Chương) vận động bà con dân bản thực hiện tốt Chính sách Dân số - KHHGĐ. Ảnh: Công Khang

Để có được những thành công này, những năm qua, các huyện miền núi đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động với nhiều nội dung và hình thức thiết thực như tổ chức nói chuyện chuyên đề, truyền thông nhóm nhỏ, cấp phát tờ rơi, triển khai thực hiện chiến dịch vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình.

Ngoài ra, các địa phương cũng đã tăng cường rà soát, theo dõi, nắm chắc số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, số người sinh con thứ 3 và có nguy cơ sinh con thứ 3 trở lên để có biện pháp truyền thông, tư vấn, vận động thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Thông qua việc chủ động tuyên truyền rộng rãi các chủ trương và biện pháp KHHGĐ, nhằm làm cho mọi người, trước hết là những người trong độ tuổi sinh đẻ hiểu rõ sự cần thiết và lợi ích của KHHGĐ, thực hiện gia đình ít con. Từ đó tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về Dân số -KHHGĐ, khắc phục được sự tăng nhanh dân số, chất lượng dân số từng bước được nâng cao.

“Không những giảm sinh mà nhận thức của ngườu dân về chăm sóc SKSS – KHHGĐ ở các huyện miền núi cũng đã được cải thiện, nhất là vấn đề khám thai, sàng lọc trước sinh, sơ sinh, khám định kỳ thai nghén... Ngoài ra, do ở các huyện miền núi người dân chủ yếu sinh đẻ tự nhiên nên không có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, thậm chí có nhiều địa phương tỷ lệ trẻ em gái cao hơn nhiều so với bé trai và đó là một tín hiệu rất tích cực. Về lâu dài, việc giảm sinh cũng sẽ là tiền đề tốt để các huyện miền núi cao từng bước nâng cao chất lượng dân số, cải thiện cuộc sống và tiến tới xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc”.

BS CK II Nguyễn Bá Tân – Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ Nghệ An

Mới nhất
x
Miền núi Nghệ An giảm sinh để giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO