Minh Châu ngày mới
Khi đưa đồng bào Mông về định cư ở Khu kinh tế Minh Châu, xã Tri Lễ (Quế Phong), trăn trở lớn nhất của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương là làm sao nhanh chóng ổn định đời sống, phát triển kinh tế bền vững, từ đó thay đổi tập quán du canh, du cư cho 120 hộ dân, để họ thực sự gắn bó với quê hương mới.
(Baonghean) - Khi đưa đồng bào Mông về định cư ở Khu kinh tế Minh Châu, xã Tri Lễ (Quế Phong), trăn trở lớn nhất của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương là làm sao nhanh chóng ổn định đời sống, phát triển kinh tế bền vững, từ đó thay đổi tập quán du canh, du cư cho 120 hộ dân, để họ thực sự gắn bó với quê hương mới.
Trở lại Minh Châu lần này, thay vì chứng kiến những sườn đồi um tùm cây dại, chúng tôi chứng kiến một cảnh tượng cực kỳ thú vị. Đó là hình ảnh các chàng trai, cô gái người Mông chăm chỉ, cần mẫn làm cỏ trên cánh đồng mía khoe sắc xanh mướt mát, vốn trước đây là những diện tích đất khai hoang trồng lúa năng suất thấp. “Vấn đề khó nhất là vận động nhân dân tham gia trồng mía. Vì, người dân chưa bao giờ biết kỹ thuật trồng mía; bên cạnh vốn hỗ trợ của chính quyền, người dân phải bỏ vốn ra để cùng làm thay vì được hỗ trợ 100% như các mô hình trước đó”, Thiếu tá Đàm Thiên Thương – Phó Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ mở đầu câu chuyện.
Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, Đảng ủy, chính quyền xã Tri Lễ thành lập ban chỉ đạo và lãnh đạo xã, cán bộ 30a, bí thư chi bộ, trưởng bản đã tiến hành vận động, giải thích các chủ trương, chính sách cho bà con thấu hiểu nhiều đêm liền. Theo đó, Nhà máy Mía đường cho bà con vay 13,5 triệu đồng và hỗ trợ 5 triệu đồng; huyện hỗ trợ tiền khai hoang 5 triệu đồng/ha; xã trích nguồn sự nghiệp hỗ trợ 3,7 triệu đồng/ha. Người dân chỉ phải vay thêm vốn từ Ngân hàng CSXH huyện 10 triệu đồng để đầu tư. “Lúc đầu vận động, bà con chưa “thông”. Nhưng đến khi mình chỉ rõ được hiệu quả kinh tế mà cây mía mang lại và hứa sẽ hướng dẫn kỹ thuật, chung tay cùng làm với bà con thì họ đồng ý tham gia”, anh Vi Văn Hiền – cán bộ 30a xã Tri Lễ tâm sự.
Bà con người Mông ở Minh Châu đang dần làm chủ kỹ thuật trồng mía.
Khi bà con đồng thuận thì vừa lúc lịch trồng mía cũng đã muộn, trong khi còn bao nhiêu công việc chuẩn bị bộn bề. Do vậy, Tri Lễ đã phát động phong trào giúp nhân dân khai hoang trồng mía. Đã có 320 học sinh Trường THCS Tri Lễ, 150 đoàn viên thanh niên, toàn bộ cán bộ xã, Đồn Biên phòng Tri Lễ, đoàn kinh tế quốc phòng đã tham gia phát quang, làm đất giúp gieo trồng kịp thời vụ. Hiện nay, 4,34 ha mía đã được hướng dẫn cho nhân dân trồng tại Minh Châu và đang phát triển xanh tốt, năng suất hứa hẹn rất cao. Nhìn cả làng, cả bản dồn sức vào giúp dân trồng mía, lòng đồng bào Mông lại càng vững tin vào chủ trương mới.
Kế hoạch ban đầu của chính quyền Tri Lễ là đưa vào trồng thí điểm 10 ha mía nguyên liệu, nhưng rõ ràng sự nghi ngại, e dè của đồng bào Mông đã trở thành rào cản không hề nhỏ. Lỳ Bá Chống kể: “Lúc đầu bà con đăng ký trồng mía nhiều nhưng rồi ai cũng bỏ cuộc, ai cũng sợ thất bại. Khi đó, chỉ còn 3/9 đảng viên trong chi bộ và 2 quần chúng kiên định tư tưởng trồng mía đến cùng. Nhưng, đến nay nghi ngại ban đầu dần được xóa bỏ, nhiều người ưng được làm mía như ta. Hiện đã có 5 hộ quay lại xin được trồng cây mía, thành ra bây giờ có 10 hộ trồng mía. Họ đồng ý chia sẻ khoản nợ ngân hàng với mấy hộ đứng tên vay nên ai cũng đỡ lo lắng”.
Tôi hỏi Lỳ Bá Chống, vay tiền ngân hàng trồng mía, nếu thất bại không sợ ôm nợ à? - Lỳ Bá Chống cười hiền, rồi tự tin: “Lâu nay, người Mông ta làm cái gì cũng trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước, thành thói quen rồi. Làm như vậy ý thức không cao. Bây giờ vay tiền làm thì ý thức cao hơn, phải chăm chỉ làm lụng để có tiền trả nợ. Mà ta tin tưởng cây mía sẽ không phụ lòng người dân”. Cùng với đảng viên Chống, còn có đảng viên Lỳ Nỏ Pó và Lỳ Bá Chài tham gia trồng mía theo chủ trương của huyện ngay từ buổi đầu. Tôi cùng ông đi thăm nương mía của gia đình, kề bên là nương mía của gia đình chị Dìa Ý Xỳ - 35 tuổi. Chị tâm sự: “Gia đình ta có 7 đứa con, phải trồng mía mới mong có tiền lo cho con ăn học chứ. Ta chưa khi nào làm mía nên lúc đầu còn bỡ ngỡ nhưng sau này quen rồi thì cũng dễ thôi. Ta cứ chăm chỉ làm đúng hướng dẫn của cán bộ là được”.
Hôm đó, cũng trên ruộng mía, tôi gặp đảng viên Lỳ Nỏ Pó, năm nay 50 tuổi. Ông Pó cho biết: “Chúng tôi chỉ quen phá rừng làm rẫy, rẫy bạc màu lại đi tìm vùng đất mới. Năm này qua năm khác cứ đi như những cánh chim trời. Bây giờ, Nhà nước tạo điều kiện cho ở định cư, hỗ trợ phát triển kinh tế, con cháu được học hành, chữa bệnh, tôi vui lắm! Đảng và Nhà nước đã hướng dẫn cho mình xây dựng cuộc sống tốt hơn. Vì vậy, tôi luôn ủng hộ các chủ trương mới, trong đó có trồng cây mía nguyên liệu. Ban đầu bỡ ngỡ, làm nhiều rồi cũng sẽ quen. Bà con dân tộc Mông ta vốn chăm chỉ nên tin chắc sẽ thành công”.
Hiệu quả của cây mía trên đất Minh Châu đến đâu thì còn phải chờ đợi mùa thu hoạch mới thống kê rõ ràng. Tuy nhiên, điều khiến lãnh đạo xã Tri Lễ phấn khởi là bà con đã bắt đầu tin tưởng vào thành công của cây mía trên đất này. Đó là kết quả của đảng viên các cấp, mà đi đầu là các đảng viên ở bản đã được khẳng định. Họ mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, áp dụng cái mới vào sản xuất để rồi lấy hiệu quả thực tiễn chứng minh, khuyến khích quần chúng làm theo.
Thiếu tá Đàm Thiên Thương khẳng định khi chia tay chúng tôi: “Đến nay, cây mía phát triển khá tốt, tỏ ra phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở đây. Chúng tôi tính sẽ đưa toàn bộ diện tích 50ha đất hoang hóa ở bản D1, D2 Khu kinh tế Minh Châu vào trồng mía trong các vụ tiếp theo. Đó sẽ thực sự là cuộc cách mạng xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào”.
Thành Duy