Mô hình HTX ở Quỳnh Lương

27/11/2011 16:06

(Baonghean.vn) Năm 1998 xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu chuyển đổi gần 200 ha trồng lúa sang trồng rau, cho hiệu quả kinh tế cao. Nếu như trồng các loại cây lương thực khác thu nhập bình quân mỗi năm chỉ đạt 9-10 triệu đồng/năm/ha, chuyển sang trồng rau thu nhập tăng gấp 5 lần, thậm chí có lúc gấp 10 lần.

(Baonghean.vn) Năm 1998 xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu chuyển đổi gần 200 ha trồng lúa sang trồng rau, cho hiệu quả kinh tế cao. Nếu như trồng các loại cây lương thực khác thu nhập bình quân mỗi năm chỉ đạt 9-10 triệu đồng/năm/ha, chuyển sang trồng rau thu nhập tăng gấp 5 lần, thậm chí có lúc gấp 10 lần.

Từ hiệu quả kinh tế, diện tích và năng suất không ngừng tăng, thị trường rau Quỳnh Lương đã được mở rộng ra ngoài tỉnh như Đà Nẵng, Huế, Đông Hà, Quảng Trị, Hà Tĩnh. Tháng 9/2003 rau Quỳnh Lương chính thức lên mạng. Chỉ sau 10 ngày lên mạng, đại diện một công ty của Mỹ gửi thư mời Quỳnh Lương tham gia xúc tiến xuất khẩu rau an toàn sang Mỹ. Sản xuất phát triển, bạn hàng ngày càng tăng, một yêu cầu đặt ra với chính quyền Quỳnh Lương là làm sao để sản xuất được rau sạch hơn? Để được công nhận là rau an toàn, từ đó mới phát triển bền vững.

Cuối năm 2006, được sự giúp đỡ của Viện Khoa học kỹ thuật Bắc Trung bộ, một dự án trồng rau an toàn được thực hiện ở Quỳnh Lương. Với tổng diện tích 1 ha trồng bắp cải, có 20 hộ tham gia dự án này. Để thực hiện trồng rau an toàn, 2 yếu tố quan trọng hàng đầu là đất và nước, thì cả 2 thứ đó ở Quỳnh Lương đều đạt tiêu chuẩn. Bước đầu thực hiện dự án, cán bộ của Viện phải xuống hướng dẫn cụ thể, tỷ mỷ từ cách lập sổ sách theo dõi quá trình sản xuất, cách phun thuốc phòng trừ sâu bệnh... Cái khó của sản xuất rau an toàn là phải làm đồng bộ, tất cả các hộ trong vùng dự án phải làm cùng một lúc. Trong quá trình phát triển có sâu bệnh thì tất cả đều phải phun cùng một lúc, cùng 1 loại thuốc dưới sự giám sát chặt chẽ của cán bộ khuyến nông...



Thu hoạch rau ở HTX Phú Lương.

Với cách cầm tay chỉ việc, lúc đầu còn khó khăn bỡ ngỡ, về sau quen dần. Kết quả vụ sản xuất năm đó, đưa mẫu rau đi chào hàng ở các siêu thị lớn: Metro Thăng Long sau khi kiểm tra các dư lượng trong rau đã chấp nhận sản phẩm. 50 tấn bắp cải đầu tiên mang thương hiệu rau an toàn Quỳnh Lương theo xe vào siêu thị. Đây là niềm tự hào của người dân Quỳnh Lương đồng thời cũng đã mở ra hướng làm ăn mới. Từ bước đầu phải kiên trì vận động, nay con số xin tham gia dự án ngày càng đông, vùng sản xuất rau an toàn được mở rộng. Sau khi dự án ngừng hoạt động, một phong trào trồng rau an toàn đã được xây dựng ở Quỳnh Lương. Đến tháng 7/2010 hợp tác xã trồng rau an toàn đầu tiên ở Quỳnh Lương, được thành lập, với tên gọi Phú Lương (lấy tên cũ của xã Quỳnh Lương). Hợp tác xã có 11 thành viên, tổng diện tích sản xuất lên đến 2 ha. Đây là hợp tác xã đầu tiên trong tỉnh ta sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap.

Cùng về thăm hợp tác xã có Lê Văn Thành, cán bộ khuyến nông xã, tôi đem thắc mắc của mình hỏi Thành: Thế nào là rau an toàn? Thế nào là rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap? Thành giải thích: Quy trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap cũng là quy trình sản xuất rau an toàn, nhưng khi có được sản phẩm người dân tự công bố chất lượng sản phẩm của mình. Và chất lượng đó được cơ quan có trách nhiệm kiểm tra và cấp giấy chứng nhận. Rồi Thành giải thích cho tôi quy trình mà người sản xuất rau an toàn phải chấp hành một cách nghiêm ngặt. Ngoài mẫu đất và nước đã được giám định. Việc chọn giống phải phù hợp với chất đất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải trong danh mục cho phép. Người sản xuất phải lập sổ theo dõi, quá trình sản xuất phải ghi chép tỷ mỷ từ nguồn gốc xuất xứ của giống, ngày xuống giống, các loại phân bón, thuốc BVTV, ngày sử dụng...

Tất cả hồ sơ ghi chép trở thành “lý lịch” của rau... để khi các cơ quan chức năng căn cứ vào đó để cấp giấy chứng nhận. Đây là những thông số để cấp mã vạch cho rau. Như để chứng minh cho điều mình nói, Thành đưa tôi đến thăm nhà một xã viên hợp tác là bà Hồ Thị Ngọ ở xóm 3. Tiếp chúng tôi, sau chén nước rót vội, bà vào nhà lấy ra một chồng sổ sách, nào là những quy định của hợp tác xã, nào là danh mục những loại phân, loại thuốc không được dùng, nào quy trình thuốc bảo vệ thực vật theo 4 đúng... Lục trong tập tài liệu bà lấy ra một cuốn sổ theo dõi sản xuất của vụ dưa vừa rồi: Sổ sách ghi rõ thời gian xuống giống- phun thuốc - loại sâu bệnh... và ngày thu hoạch của một vụ dưa hấu.

Khi tôi hỏi, làm rau theo tiêu chuẩn như thế này có phức tạp lắm không? Bà Ngọ trả lời: Lúc đầu thì khó nhưng nhờ cán bộ khuyến nông hướng dẫn quen dần, giờ thấy cũng bình thường. Vì sự an toàn của sản phẩm ,người làm chấp hành thành quen. Trước đây nhiều khi bơm thuốc, phân sau 1 vài ngày có người mua là chặt bán. Nay không dám làm, vì đã thấy hết tác hại của thuốc. Ngay đối với con người sản xuất, bà con bây giờ sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh hoạt là chính, ít người dùng thuốc có nguồn gốc hóa học. Điều đầu tiên là giảm độc hại cho chính bản thân mình. Khi được hỏi về thu nhập từ sản xuất bà phấn khởi cho biết, nhà làm hơn 2 sào mỗi vụ thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Nhập rau cho siêu thị 1 lần nên đỡ công bán lẻ, bà con rất phấn khởi.



Ban quản trị HTX cùng cán bộ khuyến nông kiểm tra đồng rau.

Về kết quả hoạt động của hợp tác xã, sau hơn 1 năm thành lập ông Hồ Lâm Thông - Chủ nhiệm HTX, cho biết. Năm 2010, hợp tác xã đã cung cấp cho các siêu thị ở Hà Nội hơn 100 tấn rau, quả các loại. 3 sản phẩm mà Metro Hà Nội ký hợp đồng tiêu thụ với hợp tác xã là cải bắp, cải thảo và dưa hấu. Còn các mặt hàng khác thì chưa vào được, vì không thể cạnh tranh giá cả với vùng rau chuyên canh ở gần Hà Nội do chi phí vận chuyển thấp. Đầu năm 2011, hợp tác xã ký thêm được một hợp đồng mới với hệ thống siêu thị BigC. Công ty Phú Tứ, đơn vị làm nhiệm vụ cung cấp rau an toàn cho TP.cũng đã tìm về Phú Lương để tìm hiểu quy trình sản xuất để đặt hàng. Đó là tín hiệu vui cho hợp tác xã. Để phát triển đủ nguồn hàng cung cấp cho các hợp đồng thì hiện nay HTX cũng đang gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất đó là việc hướng dẫn, quản lý để người nông dân cam kết thực hiện đúng quy trình sản xuất rau an toàn. Một bài học, mà ban quản lý hợp tác xã đã phải trả giá bằng việc phải hủy cả 1 xe hàng khi siêu thị kiểm định không đủ chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tăng. Sau khi điều tra có một hộ nông dân trước khi giao hàng 3 ngày để cho đẹp rau họ lén phun chất kích thích. Để hạn chế điều này

ban quản lý đã sàng lọc chọn trong hàng chục hộ tham gia dự án trước đây 11 hộ để thành lập hợp tác xã. Tăng cường các biện pháp kiểm tra giám sát trong quá trình sản xuất. Buộc các hộ dân phải ký cam kết không vi phạm, cùng với biện pháp xử lý. Cái khó khăn lớn nhất hiện nay là đầu ra cho sản phẩm. Hợp tác xã mới thành lập, nguồn vốn còn ít, lợi nhuận chưa nhiều. Ngay cả ban quản lý cũng chưa có lương mà chỉ mới được hưởng phụ cấp theo từng công việc. Nguồn kinh phí không có để làm công tác tiếp thị. Ngay việc đưa mẫu rau đi phân tích chứng nhận là rau an toàn cũng đang nhờ kinh phí của xã. Trong năm qua, phân tích 3 mẫu rau xã phải hỗ trợ HTX gần 4 triệu đồng.

Đem điều này trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuệ - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương, ông Tuệ thừa nhận, có được sự phát triển của HTX trong thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã phải vào cuộc một cách tích cực. Từ chủ trương, đến bố trí kinh phí, lo kinh phí để kiểm tra đất, nước, chất lượng rau để bà con công bố chất lượng sản phẩm. Xã còn đứng ra phối hợp với ban khuyến nông tổ chức nhiều đợt tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn cho các hộ dân. Cùng với hợp tác xã kiên quyết loại bỏ những hộ sản xuất không tuân thủ những quy định của VietGap. Từ kết quả của HTX Phú Lương, sắp tới xã sẽ chỉ đạo thành lập thêm 2 HTX sản xuất, tiêu thụ rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Về lâu dài sẽ biến Quỳnh Lương thành một vùng sản xuất rau an toàn không chỉ cung cấp cho nhân dân trong tỉnh mà phải mở rộng ra phạm vi cả nước.

Theo ông Cao Văn Tứ, chủ doanh nghiệp Phú Tứ, đơn vị được UBND Thành phố Vinh giao nhiệm vụ cung ứng rau an toàn cho bà con TP. Vinh và Thị xã Cửa Lò: Sắp tới đơn vị sẽ xây dựng hệ thống cửa hàng bán lẻ rau tại các chợ lớn trên địa bàn TP.Vinh và Thị xã Cửa Lò. Quỳnh Lương có ưu thế là đất và nguồn nước rất thuận lợi để sản xuất rau an toàn, người nông dân được tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn, bước đầu đã cho ra sản phẩm được thị trường chấp nhận. Để rau Quỳnh Lương phát triển, Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí để quảng bá, xây dựng thương hiệu, giám định chất lượng, cấp mã vạch đến từng hộ nông dân để kiểm soát chất lượng.


Công Sáng

Mới nhất
x
Mô hình HTX ở Quỳnh Lương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO