Mở hướng phát triển kinh tế biển Quỳnh Lưu

Đức Dũng - Thanh Sơn 28/03/2018 09:53

(Baonghean) - Trong chuyến thăm và làm việc tại Quỳnh Lưu mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường yêu cầu huyện cần có chiến lược phát triển kinh tế biển một cách rõ ràng, thiết thực để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của một vùng kinh tế năng động.

Khắc phục bất cập về hạ tầng

Với 34 km chiều dài bờ biển, có hơn 1.300 phương tiện đánh bắt hải sản, trong đó có nhiều tàu lớn đánh bắt xa bờ. Thế nhưng hạ tầng phục vụ nghề cá hiện nay ở Quỳnh Lưu như một chiếc áo quá chật cho một cơ thể cường tráng đang phát triển. Trong đó, bức xúc nhất vẫn là nơi neo đậu cho tàu thuyền của các ngư dân sau mỗi chuyến biển.

Như cảng Lạch Quèn là nơi neo đậu cho tàu thuyền của các xã Tiến Thủy, An Hòa, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Long... thậm chí tàu thuyền của các tỉnh khác như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng có khi cũng về đây cập bến, với tổng số tàu lên đến trên 1.000 chiếc. Nhưng hiện nay, cảng đang bị bồi lắng, chỉ đáp ứng được khoảng 500 tàu thuyền cập bến. Những thuyền lớn muốn vào cảng phải đợi mực nước thủy triều đạt đỉnh, gây nhiều khó khăn cho ngư dân, đặc biệt là ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Trên bờ, các cơ sở dịch vụ xăng dầu, đá lạnh, kho đông lạnh, cửa hàng phục vụ nhu yếu phẩm cũng manh mún, chật chội.

Cảng cá Lạch Quèn sẽ được nâng cấp thành cảng cá loại 1, đáp ứng nhu cầu cho trên 1000 tàu thuyền cập bến.
Cảng cá Lạch Quèn sẽ được nâng cấp thành cảng cá loại 1, đáp ứng nhu cầu cho trên 1000 tàu thuyền cập bến.

Trong chuyến công tác tại Quỳnh Lưu, kiểm tra thực tế, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu phải làm tốt công tác quy hoạch hạ tầng phục vụ nghề cá. Trước mắt tập trung đầu tư cải tạo cảng cá Lạch Quèn để tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền của ngư dân cập bến. Bên cạnh đó, huyện cũng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu chế biến thủy sản tập trung và dịch vụ hậu cần nghề cá tại cảng Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận, có quy mô diện tích quy hoạch là 30 ha, tổng chi phí đầu tư là 373 tỷ đồng.

Để hỗ trợ Quỳnh Lưu, ông Trần Hữu Tiến - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết: Các ngành cũng đang đồng hành, tìm nguồn vốn giúp Quỳnh Lưu đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp, cải tạo cảng Lạch Quèn thành cảng cá loại 1.

Như vậy, trong thời gian sắp tới, cùng với cảng cá Lạch Quèn được nâng cấp, là khu dịch vụ hậu cần nghề cá quy mô lớn sẽ hình thành, tạo “hậu phương” vững chắc, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Cùng với hạ tầng phục vụ nghề cá, Quỳnh Lưu cũng sẽ nâng cấp hạ tầng giao thông để tận dụng lợi thế về du lịch biển với vùng bãi ngang các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Nghĩa... Ông Hoàng Danh Lai - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Huyện sẽ tập trung đầu tư xây dựng các tuyến đường xuống bãi tắm, còn hệ thống nhà hàng, khu nghỉ dưỡng sẽ kêu gọi con em Quỳnh Lưu về đầu tư. Hiện đã có một khu nghỉ dưỡng “Rubystar Resort Biển Quỳnh” do tư nhân đầu tư xây dựng khá khang trang đã đi vào hoạt động.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật

Ngoài việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, tại cuộc làm việc với lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu, Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh đến việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng, chế biến, để nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường thăm cơ sở sản xuất tảo xoắn ở Quỳnh Lưu. Ảnh: Đ.D

Hiện nay, ngoài các cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản truyền thống, Quỳnh Lưu cũng đang tích cực kêu gọi các nhà đầu tư, đầu tư các công nghệ mới trong sản xuất, chế biến với quy mô lớn vào Quỳnh Lưu. Điển hình như Tập đoàn tôm giống Việt - Úc đã đầu tư cơ sở sản xuất tôm giống tại Quỳnh Lưu với diện tích 2ha, mỗi năm sản xuất 2 tỷ con giống, tạo việc làm cho 200 lao động, với mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.

Ông Đặng Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch tập đoàn tôm giống Việt - Úc cho biết: Hiện nay Việt Nam đang đứng thứ 3 về xuất khẩu tôm trên thế giới, kim ngạch có thể lên đến 8-10 tỷ đô la/năm, vào năm 2025, Việt Nam có thể trở thành công xưởng sản xuất tôm lớn nhất thế giới. Nhu cầu về tôm giống ngày càng lớn, riêng khu vực Bắc Trung bộ có nhu cầu khoảng 56 tỷ con giống/năm. Nắm bắt lợi thế về điều kiện tự nhiên tốt, chúng tôi đã quyết định đầu tư cơ sở sản xuất giống tôm chất lượng cao tại Quỳnh Lưu, với mong muốn biến Nghệ An trở thành trung tâm giống tôm của Bắc Trung bộ. Muốn vậy, chúng tôi phải liên kết với các viện, trường, ứng dụng khoa học vào quy trình sản xuất, để nâng cao giá trị con tôm. Từ thành công bước đầu, công ty đang mong muốn mở rộng thêm 8ha để nâng quy mô sản xuất.

Qua kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý với phương án mở rộng quy mô của công ty. Chủ tịch UBND tỉnh cũng biểu dương nhà đầu tư đã đầu tư các công nghệ sản xuất cao, tạo nhiều việc làm, nâng cao giá trị các sản phẩm thủy sản, nông nghiệp… ở địa phương, giúp kinh tế địa phương phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Không chỉ Công ty tôm giống Việt - Úc, hiện ở Quỳnh Lưu cũng có nhiều nhà đầu tư đã mạnh dạn đầu tư công nghệ vào quy trình nuôi trồng, chế biến các loại thủy, hải sản, dược phẩm... có chất lượng, giá trị cao như Công ty CP Khoa học xanh HIDUMI Pharma đặt tại xã Quỳnh Lương. Hiện công ty đã sản xuất được các loại sản phẩm như tảo xoắn, đông trùng hạ thảo... đây là những sản phẩm có công nghệ nuôi trồng phức tạp, công ty đã liên kết với Viện Công nghệ sinh học (Viện hàn lâm khoa học Việt Nam) để đơn vị này hỗ trợ về con giống cũng như quy trình sản xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra các mô hình kinh tế ở Quỳnh Lưu

Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra các mô hình kinh tế ở Quỳnh Lưu

(Baonghean.vn) - Ngày 26/3, đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác đã đi làm việc tại một số cơ sở kinh tế ở huyện Quỳnh Lưu: Cảng cá Lạch Quèn, Khu quy hoạch chế biến thủy sản xã Quỳnh Thuận; Công ty sản xuất tôm giống Việt Úc; Công ty sản xuất tảo xoắn, đông trùng hạ thảo tại Quỳnh Lương…

Quỳnh Lưu phải có chiến lược đẩy mạnh phát triển kinh tế biển

Quỳnh Lưu phải có chiến lược đẩy mạnh phát triển kinh tế biển

(Baonghean.vn) - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu vào chiều 26/3. Dự làm việc có đồng chí Hồ Phúc Hợp - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

Ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Người dân Quỳnh Lưu rất năng động, so với các địa phương khác trong tỉnh, Quỳnh Lưu luôn đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; đầu tư lớn cho lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản, như đầu tư tàu lớn, ngư lưới cụ phục vụ đánh bắt xa bờ, đầu tư công nghệ nuôi tôm… Do đó, Quỳnh Lưu cũng là điểm Sở KH&CN tập trung ưu tiên các ứng dụng khoa học công nghệ, như nuôi tảo xoắn là dự án cấp bộ, hợp tác nghiên cứu giữa Bộ Khoa học Việt Nam và Đức, dự án nuôi cá theo công thức công nghệ cao của Mỹ, năng suất 25 tấn/ha; nuôi tôm theo công nghệ mới; sản xuất, chế biến nhung hươu…Ông Thành cũng nhận định rằng, với sự phát triển mạnh mẽ đó, có thể nói rằng hiện nay ở lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản ở Quỳnh Lưu có thể gọi là công nghiệp thủy sản.

Khi cơ sở hạ tầng được nâng cấp đồng bộ, tiềm năng, lợi thế của Quỳnh Lưu sẽ trở thành sức hấp dẫn mới, thu hút các nhà đầu tư, tạo ra những tiền đề, điều kiện để ngành kinh tế thủy sản địa phương phát triển trong giai đoạn mới, thực hiện thành công mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa 27, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định: kinh tế biển là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn.

Mới nhất

x
Mở hướng phát triển kinh tế biển Quỳnh Lưu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO