Mốc chủ quyền trên biển

10/06/2014 21:17

(Baonghean) - Những ngày này, đồng bào cả nước đang hướng về Biển Đông, nơi các lực lượng thực thi pháp luật của ta đang trực tiếp đấu tranh với Trung Quốc cố tình đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển của nước ta. Ngư dân huyện Quỳnh Lưu xác định, mỗi con tàu đánh cá, mỗi ngư dân lúc này là một cột mốc chủ quyền trên biển. Họ vừa đánh bắt hải sản, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo...

Ngư dân chuẩn bị  đá lạnh  để ra khơi.
Ngư dân chuẩn bị đá lạnh để ra khơi.

Những ngày này, đồng bào cả nước đang hướng về Biển Đông, nơi các lực lượng thực thi pháp luật của ta đang trực tiếp đấu tranh với Trung Quốc cố tình đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển của nước ta. Ngư dân huyện Quỳnh Lưu xác định, mỗi con tàu đánh cá, mỗi ngư dân lúc này là một cột mốc chủ quyền trên biển. Họ vừa đánh bắt hải sản, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo...Bình minh của một ngày cuối tháng 5, ở bến Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, tàu thuyền đánh cá lần lượt cập bến, cờ Tổ quốc trên mỗi nóc thuyền, phất theo hướng gió về biển khơi. Trên bến, những người phụ nữ vùng biển, người xe máy, xe đạp, kẻ ô tô, háo hức thu mua hải sản, đưa đi tiêu thụ.

Niềm vui của người dân hiện rõ trên khuôn mặt sau nhiều ngày bám biển. Chúng tôi bước chân xuống một chiếc thuyền mới nhất, có thể nói là to nhất bến Lạch Quèn lúc bấy giờ, đang neo đậu phía trong cùng. Con thuyền mang số hiệu NA 95648. Lúc này, các ngư dân của đang chuẩn bị mọi thứ để chiều nay nhả neo, hướng về biển khơi. Ngư dân gặp đầu tiên là ông Nguyễn Văn Thương, người cao tuổi nhất trong các thành viên của con tàu. Trong câu chuyện, ông Thương, bộc bạch: Gắn bó với biển từ năm 24 tuổi đến nay và đã trải qua nhiều sóng gió của biển cả rồi thì còn sợ gì, phía Trung Quốc có ý đồ muốn lấn tới thì bà con ngư dân chúng tôi ngoài nhiệm vụ đánh bắt hải sản còn phải có nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của Tổ quốc, với phương châm mỗi ngư dân là cột mốc sống để khẳng định chủ quyền biển đảo. Ngư dân chúng tôi quyết bám biển, không hề nao núng trước bất kỳ sự đe doạ nào.

Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi biết nhiều tàu đánh cá của Việt Nam bị tàu phía Trung Quốc hành hung, tấn công làm hư hại tài sản và tính mạng ngư dân. Trước những hành động đó, chúng tôi bức xúc lắm, bởi thế lòng yêu nước càng trỗi dậy. Chúng tôi là những người sinh ra từ biển, mưu sinh từ biển, không thể chấp nhận điều đó. Mặc dù tàu thuyền của chúng tôi thường đánh bắt vùng ngoài khơi của Vịnh Bắc bộ, nhưng chúng tôi rất quan tâm mọi sự diễn biến tại vùng biển Hoàng Sa của Tổ quốc. Trung Quốc càng gây hấn thì ngư dân chúng tôi càng bám biển dài ngày hơn để thể hiện sự đoàn kết trên biển.

Chiếc tàu của ông Thương góp vốn, mới hạ thủy cách đây hơn 3 tháng, đã qua 4 lần ra khơi đánh cá. Chiếc tàu dài hơn 18 m, rộng 7 m, được lắp máy công suất 400 CV, đặt mua mới tại Nghi Thiết (Nghi Lộc) với giá hơn 3 tỷ đồng, do 11 ngư dân đầu tư. Nghề chính đánh bắt hải sản của các ngư dân trên con thuyền này là đánh mực ngoài khơi. Mỗi chuyến ra khơi các ngư dân phải chuẩn bị đủ lương thực và các nhu yếu phẩm khác phục vụ trên biển ít nhất 15 ngày, cho 11 thuyền viên. Lão ngư Nguyễn Văn Thương, cho biết: Trước đây tàu bé, máy nhỏ, hoạt động vùng lộng, hải sản đánh bắt được, giá trị kinh tế không lớn. Bây giờ thuyền lớn, máy lớn, kết hợp với một đội thuyền cùng ra khơi, gồm 8 chiếc, trên mỗi con thuyền đều được trang bị các phương tiện thông tin liên lạc, máy dò cá... thuyền nào phát hiện có đàn cá lớn, lập tức gọi các thuyền lại vây đánh hiệu quả cao. Bằng cách đánh như vậy, mỗi chuyến ra khơi đều mang về lợi nhuận cao cho các thuyền viên. Mùa nào thức ấy, chuyến ra khơi nào cũng mang cá về đầy khoang, thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/chuyến, trừ chi phí từ 40 - 50 triệu đồng, mỗi suất thuyền có lãi ít nhất 10 triệu đồng.

Thuyền cập bến Lạch Quèn.
Thuyền cập bến Lạch Quèn.

Từ tháng 4 là mùa cá trích, do vậy bến Lạch Quèn sáng sớm nào cũng tràn ngập cá trích tươi xanh. Cá đánh bắt về, người dân vùng biển chế biến thành nhiều sản phẩm. Con cá trích giá trị kinh tế không cao lắm, nhưng lượng đánh bắt lớn, lại chế biến được nhiều món ăn dân dã: cá trích hấp, phơi khô, chế biến nước mắm, cá trích nướng than... Biển khơi là vậy, nguồn lợi hải sản có thể nói là vô tận, người dân vùng biển, mà trực tiếp là ngư dân vì thế coi bám biển là nghề kiếm sống duy nhất. Do vậy, mỗi khi vùng biển của Tổ quốc bị xâm chiếm, lòng ngư dân làm sao yên được.

Lê Hoàng Hải (SN 1994) là ngư dân trẻ nhất trong 11 ngư dân trên con thuyền mang số hiệu NA 95648 này. Tiếp xúc với Hải, chúng tôi cảm nhận được những câu nói rắn rỏi, như một ngư dân đã có kinh nghiệm lâu năm. Lúc này, nhiệm vụ của anh là cùng với các thuyền viên trẻ tuổi chuẩn bị mọi thứ cho một chuyến ra khơi chiều nay. Nhưng có một việc anh làm đầu tiên, rất thiêng liêng, tự hào là thay mới lá cờ Tổ quốc treo trên chiếc cọc cao nhất, phía mũi thuyền. Tiếp đó là kiểm tra bộ đồng phục dân quân biển vừa được chính quyền địa phương giao cho. Bởi con thuyền của anh được nằm trong số 3 con thuyền của xã Sơn Hải vừa được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và UBND huyện Quỳnh Lưu thành lập Trung đội dân quân biển.

Trên mỗi con thuyền được trang bị thêm dụng cụ hỗ trợ: Ống nhòm, phao cứu sinh, máy bộ đàm, loa tay… và các thiết bị khác theo quy định. Cùng với việc khai thác nguồn lợi hải sản, phát triển kinh tế, các thành viên thuộc Trung đội dân quân biển còn có nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, và tuyên truyền công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời ngăn chặn các hành vi khai thác hải sản và hoạt động trái phép của các phương tiện tàu thuyền nước ngoài trên vùng biển đặc quyền của nước ta. Hải tâm sự: Sau khi được nhận nhiệm vụ này, bản thân mình nhận thấy đây là trách nhiệm thiêng liêng đối với Tổ quốc trong mỗi chuyến ra khơi...

Thuyền này đi, thuyền khác về, Lạch Quèn sáng nào cũng nhộn nhịp cảnh mua bán hải sản tươi sống. Các dịch vụ phục vụ cho nghề đánh bắt cá dài ngày trên biển, vì thế ngày nào cũng tấp nập, khẩn trương. Những ngư dân chúng tôi gặp lúc này, khi đề cập đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, đã có những hành động tàu Trung Quốc khiêu khích, hành hung tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, đều bức xúc và tỏ thái độ cương quyết bảo vệ biển cả của Tổ quốc. Do vậy, việc Trung Quốc cố tình gây hấn trên Biển Đông lúc này, có một điều không thể thay đổi, đó là ngư dân vẫn bám biển, cá vẫn đầy khoang.

Nói về nghề đánh bắt cá trên biển, ông Nguyễn Ngọc Niên - Bí thư Đảng ủy xã, tự hào: Sơn Hải có 252 tàu thuyền đánh cá, trong đó có 210 tàu công suất trên 90 CV. Trong số tàu thuyền công suất lớn, có 60 tàu công suất trên 300 CV chuyên hoạt động đánh bắt vùng đánh cá chung giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Vịnh Bắc bộ. Hải sản chủ yếu là mực và cá hố. Các ngư dân của Sơn Hải đã thành lập 20 tổ tàu đánh cá, mỗi tổ từ 8 - 10 tàu, theo đó, các tàu được nhà nước trang bị đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc, bộ đàm, phao cứu sinh… cho ngư dân yên tâm bám biển. Nghề đánh bắt hải sản của ngư dân Sơn Hải đã tạo việc làm cho 2.000 lao động chuyên đánh bắt xa bờ và 300 lao động chuyên đánh bắt vùng lộng. Do sớm chuyển đổi nghề đánh bắt hải sản, nên ngư dân Sơn Hải thu nhập khá cao, trung bình 1 người từ 60 - 80 triệu đồng/năm.

Một niềm tự hào mới đối với ngư dân Sơn Hải là, từ đầu năm đến nay, toàn xã đã có thêm 25 chiếc tàu mới, công suất trên 350 CV/tàu. Số tàu to máy lớn ngày càng nhiều, đặc biệt, mới rồi Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, UBND huyện Quỳnh Lưu thành lập Trung đội dân quân biển tại xã Sơn Hải, tạo điều kiện cho ngư dân nơi đây tự tin hơn trong mỗi chuyến ra khơi, sản lượng đánh bắt hải sản ngày càng tăng. Trước hành động ngang ngược của Trung Quốc, Đảng ủy, chính quyền xã Sơn Hải phối hợp với Hội Nghề cá xã tăng cường công tác tuyên truyền về luật biển đảo đến với các ngư dân, đồng thời vận động ngư dân bám biển đánh bắt cá, kết hợp bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc!

Huyện Quỳnh Lưu có 10 xã làm nghề đánh bắt hải sản: Sơn Hải, Quỳnh Phương, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Thọ, Quỳnh Thuận, Quỳnh Long, Tiến Thủy, An Hòa, với tổng số hiện có 610 tàu đánh bắt cá công suất trên 90 CV. Trong khi đó, xã Sơn Hải đã có 210 tàu, công suất trên 90 CV, chiếm hơn 1/3 tổng số tàu to máy lớn của toàn huyện. Như vậy, số lao động gắn bó với nghề biển và sản lượng đánh bắt hải sản của xã Sơn Hải thuộc loại lớn nhất huyện. Hàng năm, sản lượng đánh bắt hải sản của huyện Quỳnh Lưu đạt từ 35 - 40 nghìn tấn, nếu nhìn vào con số tàu thuyền công suất lớn của địa phương, xã Sơn Hải đóng góp một phần sản lượng đáng kể.

Trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và có những hành động gây hấn đối với ngư dân Việt Nam, ngư dân Quỳnh Lưu vẫn kiên trì bám biển, cùng với hàng triệu trái tim ủng hộ và làm theo chủ trương của Chính phủ, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc!

Xuân Hoàng

Mới nhất
x
Mốc chủ quyền trên biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO