Mối đe dọa khác từ Triều Tiên chưa từng được thảo luận

Lan Hạ 07/07/2018 18:41

(Baonghean.vn) - Trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp các quan chức Triều Tiên trong ngày 7/7 nhằm thảo luận cách thức đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên, thế giới lại ít tập trung hơn tới một thách thức khác liên quan.

Đó là làm thế nào ngăn cản Bình Nhưỡng tiếp tục bán năng lực và vũ khí hạt nhân cho các quốc gia “bất hảo” trên toàn thế giới.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP

Triều Tiên, quốc gia đang phải vật lộn nhằm đối phó với các biện pháp trừng phạt kinh tế của quốc tế, đang tận dụng các thương vụ vũ khí để thu về khoản tiền mặt quan trọng trị giá hàng triệu USD.

Ngay cả khi vũ khí và năng lực hạt nhân được Triều Tiên bán không bao giờ được sử dụng với mục đích chống lại Mỹ hay các đồng minh của nước này, song chúng vẫn gây ra mối nguy cho toàn thế giới và có thể được sử dụng để gây sát thương cho các chiến binh nước ngoài và cả dân thường vô tội.

Một ví dụ điển hình là quốc gia Sudan, phía bên kia của thế giới, nơi mà Bình Nhưỡng bán vũ khí cho chính quyền của Tổng thống Omar Bashir.

Lâu nay, Sudan là khách hàng đáng tin cậy mua vũ khí của Triều Tiên. Mối quan hệ này đã được ghi chép đầy đủ trong vòng nhiều năm qua, bất chấp Nghị quyết 1718 của HĐBA LHQ cấm việc giao dịch vũ khí giữa Triều Tiên và bất kỳ quốc gia thành viên LHQ nào.

Mỹ liệt Sudan vào danh sách tài trợ khủng bố. Ảnh: AP

Theo số liệu của LHQ về Triều Tiên công bố tháng 2/2017, vào tháng 8/2013 Bình Nhưỡng đã cung cấp cho Sudan 100 đơn vị kiểm soát tên lửa dẫn đường chính xác và 80 tên lửa do vệ tinh dẫn đường tấn công trên không, trong khuôn khổ hai hợp đồng trị giá hơn 6,4 tỷ USD giữa hai bên.

Các thương vụ mua sắm quân sự thường bao gồm việc chuyển giao lượng tiền mặt lên tới hàng triệu USD, vốn dễ bị các quan chức trong lĩnh vực công biển thủ. Một đại sứ Triều Tiên đào tẩu cho biết: “Tất cả các nhà ngoại giao Triều Tiên hoạt động ở nước ngoài đều tạo nguồn thu nhập bổ sung bằng mọi phương thức có thể”.

Điều này cũng đúng bên phía Sudan, khi các quan chức chính phủ Sudan “thường xuyên thực hiện hoạt động tham nhũng mà không bị trừng phạt”. Chính quyền Tổng thống Sudan Omar Bashir mua vũ khí hạng nặng từ Triều Tiên để phát động cuộc chiến nhằm vào chính người dân của mình.

Ngay cả khi quân đội Sudan không mua vũ khí từ Triều Tiên, Mỹ vẫn cần bắt Sudan chịu trách nhiệm vì hành vi nham hiểm và tiếp tục liệt nước này trong danh sách tài trợ khủng bố, bởi chính quyền ông Bashir phá hủy nhà thờ và hành quyết cộng đồng người Cơ đốc thiểu số ở quốc gia Bắc Phi này./.

Theo Theo Fox News
Copy Link
Mới nhất
x
Mối đe dọa khác từ Triều Tiên chưa từng được thảo luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO