Mối duyên đời từ câu hát dân ca

Cặp vợ chồng trai tài gái sắc này được coi như “cây” hát chính nhiều duyên nợ nhất đoàn, bởi khi mới vào đoàn dường như anh chị đã có cảm giác mình là của nhau từ kiếp trước. NSƯT Minh Thành tự hào: “Hồi mới vào đoàn, tôi ái mộ anh Lam lắm bởi anh ấy là kép chính cải lương, hát hay, ca mùi, toàn đóng hoàng tử và phò mã”. Thế rồi, chúng tôi cuốn theo câu chuyện anh chị kể về quãng thời gian vàng son của sân khấu cải lương, kể về mối tình giản dị mà keo sơn của hai người bạn diễn.

Anh Lam (NSƯT Đức Lam) ngày ấy là một cậu bé nghèo quê xứ Lường (Đô Lương). Ngay từ bé, trời đã phú cho anh chất cải lương rất mùi, rồi có thể ca theo băng đĩa, thuộc làu các trích đoạn, các lớp diễn của những vở diễn nổi tiếng một thời. Hồi đó, mỗi khi có gánh hát cải lương về làng, chàng trai trẻ quê xứ Lường lại trốn vé vào xem. “Xem người ta diễn mà tôi nuốt từng lời, từng câu chữ, rồi thuộc ngay cả luyến láy, cả cách ngắt nhả, cả lời đối đáp của các nhân vật”, anh Lam kể.

Nhờ có giọng hát ngọt ngào trời phú mà Lam là cây văn nghệ trong trường. Dạo ấy, Đoàn cải lương Nghệ Tĩnh thường đến các trường học để chiêu mộ tài năng trẻ. Gặp Đức Lam, nhạc sỹ Quốc Nam nhanh chóng bị giọng ca này hút hồn, rồi anh mời ngay cậu xuống Vinh để rèn dũa. Duyên nợ với sân khấu ca kịch bắt nguồn từ đó.

Đầu quân cho Đoàn Cải lương Nghệ Tĩnh, Đức Lam được gửi đào tạo ở Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh. Những năm tháng được sống trong môi trường đào tạo sân khấu, Lam sớm trưởng thành và nhận được nhiều suất diễn. Dù chỉ mới được giao những vai kép thứ, vai phụ nhưng với tinh thần ham học hỏi, vai diễn nào của anh cũng để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán giả. Để rồi, trong một lần tình cờ, diễn viên chính trong vở vụ án “Vương Ngọc Mai” bị ốm, anh được đạo diễn yêu cầu thế chân. Dù chưa hề tập tành nên bữa mà Lam diễn như không, như vai này đã từng giao cho anh. Cũng kể từ đó anh được đóng đinh với những kép chính, như vai phò mã trong “Khát vọng ngông cuồng”, nam chính trong “Mắt em là bể oan cừu”… Anh cười vui: “Hồi đó các cô gái theo tôi nhiều lắm, có những đêm đoàn diễn xong mà nhiều nàng đứng ngoài cửa cứ theo gọi “Hoàng tử ơi”, “Phò mã ơi”. Nhưng thú thực thời kỳ đó tôi vẫn chỉ mê mỗi Thành”.

Minh Thành bảo, hồi đấy dù chẳng được cặp đôi với anh, nhưng mỗi khi đoàn có vở mới mà anh là diễn viên chính, chị lại mon men tiếp cận để được học những món nghề, thủ thuật trong các lớp diễn. “Những tháng ngày đó đối với tôi là những kỷ niệm vô cùng đáng giá, theo suốt cả quãng đời. Nó vừa là những bài học đầu tiên trong nghề, nhưng vừa là những dấu ấn kỷ niệm về mối tình giữa tôi và anh Lam”, Minh Thành nói.

Minh Thành kể, chị vào đoàn khi mới 16 tuổi. Niềm đam mê, ý chí tôi luyện và học hỏi không ngừng đã giúp chị có được sự chú ý của nhiều đạo diễn. Và vai diễn bé Lê Giang trong vở “10 năm cô đơn” trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1996 đã giúp chị được Bộ Văn hóa vinh danh Nghệ sỹ trẻ tài năng. Có được những thành quả đầu tiên đó là không chỉ là những nỗ lực trong học hỏi rèn luyện, mà còn có cả những dày công chỉ bảo, hướng dẫn của chồng chị. “Tôi hỏi anh Lam từ cách ngân, nhả, cách đi đứng, tạo hình… lớp diễn nào tôi cũng diễn đi diễn lại cho anh ấy xem, lúc nào đạt mới thôi”, Minh Thành hồi tưởng.

Thời kỳ hoàng kim cải lương chỉ còn lại là quá khứ đẹp đẽ trong lòng những kép ca nổi tiếng của xứ Nghệ một thời, khi những năm 2001 đoàn bắt đầu nhập với các đoàn nghệ thuật khác của tỉnh và chỉ hoạt động với loại hình nghệ thuật dân ca Nghệ Tĩnh. Các lớp diễn viên từng là “át chủ bài” của đoàn cải lương nay không còn đất diễn. Người thì xin tạm nghỉ không lương, người xin ra ngoài làm việc khác, lúc nào có vở thì lại về. Thế nhưng, những diễn viên tài năng một thời đó đã vẫn cháy bỏng với nỗi nhớ nghề, nhớ ánh đèn sân khấu. Đức Lam kể: “Dù khi được giao những vai diễn chính đầu tiên với loại hình không phải là sở trường nhưng tôi phấn khích lắm, ngày đêm luyện tập các làn điệu dân ca, các màn đối đáp trong vở mới. Thế nên khi vở diễn “Người yêu tôi là hoa hậu” bị thiếu diễn viên nam chính, Đức Lam được đạo diễn cho triệu tập và ngay từ lần diễn thử đầu tiên anh đã nhận được cái gật đầu hài lòng của đạo diễn và nhà biên kịch chuyển thể kịch bản. Từ đó, với những “Lời thề thứ 9”, “Chí Phèo” hay “Soi vào quá khứ”, “Thầy và trò”…, vai nam chính đều được Đức Lam thể hiện xuất sắc. Thế nhưng, người ta nhớ nhất nhớ và mong chờ trong mỗi lần đoàn xuất hiện đó chính là vở “Một ông hai bà” mà vợ chồng Lam – Thành đã ghim vào lòng khán giả chất Nghệ, chất trào phúng.

Đức Lam và Minh Thành gắn bó với sân khấu như là lẽ sống, lẽ tự nhiên, như là tình yêu thương mà anh chị đã dành trọn cho nhau. Giờ đây quả ngọt sân khấu dân ca mà anh chị đắm đuối theo đuổi suốt cuộc đời là danh hiệu NSƯT được Chủ tịch nước trao cùng lúc vào tháng 7/2019. Giờ đây, ước nguyện lớn nhất của anh chị chính là lan tỏa hơn nữa tình yêu với sân khấu dân ca xứ Nghệ để sao cho “Dù cho nhiều biến thiên của đời sống văn hoá nghệ thuật, dù cho loại hình sân khấu truyền thống có thể đổi thay nhưng vốn quý dân ca mà cha ông đã dày công lưu giữ sẽ mãi mãi được bảo tồn và phát huy” như NSƯT Đức Lam tâm sự.